Tiếng Việt | English

12/10/2022 - 16:10

Giảm lượng muối để phòng một số bệnh không lây nhiễm

Từ xưa đến nay, đa số người Việt Nam có thói quen ăn nhiều muối. Việc duy trì thói quen này trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường (ĐTĐ), tim mạch. Trong đại dịch Covid-19, phần lớn người tử vong đều mắc các bệnh lý nền thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm.

Việc giảm tiêu thụ muối giúp kiểm soát huyết áp ở người bình thường và làm giảm huyết áp ở người bị tăng huyết áp

Ăn thừa muối và nguy cơ mắc bệnh

Bệnh không lây nhiễm là những bệnh: Tim mạch, ĐTĐ, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản, rối loạn tâm thần,... Bệnh tiến triển âm thầm, điều trị kéo dài, liên quan nhiều đến hành vi và lối sống. Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, chiếm 30% tổng số ca tử vong.

Ăn thừa muối còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và gây những rối loạn khác cho sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê). Tuy nhiên, đa số người dân Việt Nam đều tiêu thụ muối nhiều gấp đôi so với khuyến cáo. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, giảm tiêu thụ muối xuống dưới 5g/ngày sẽ cứu sống 2,5 triệu người/năm trên toàn cầu. Việc giảm tiêu thụ lượng muối giúp kiểm soát huyết áp ở người bình thường và làm giảm huyết áp ở người bị tăng huyết áp.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Nếu một người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, người mắc một trong những bệnh không lây nhiễm, hoặc người có bệnh nền như tăng huyết áp, ĐTĐ, tim mạch, đau tim hoặc đột quỵ,... thì khi nhiễm Covid-19 sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và khả năng tử vong cao hơn. Chính vì thế, người dân cần giảm ăn muối để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác. Đây là một trong những biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh không lây nhiễm và Covid-19. Để giảm ăn muối, hãy giảm dần lượng gia vị cho vào khi chế biến thức ăn; hạn chế sử dụng nước chấm trong khi ăn; hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp và tăng cường ăn thực phẩm tự nhiên”.

Hãy từ bỏ thói quen ăn nhiều muối

Tại Long An, được sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Y tế, phối hợp hỗ trợ của Viện Pasteur TP.HCM và sự quan tâm chỉ đạo về chủ trương, chính sách của UBND tỉnh trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại địa phương, việc phát hiện sớm và quản lý, điều trị tăng huyết áp, ĐTĐ được thực hiện hiệu quả. Thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, người dân nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Kiểu (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Trước đây, tôi có thói quen ăn mặn. Khi chế biến thức ăn, nếu hạn chế muối sẽ làm món ăn nhạt đi, kém phần hấp dẫn. Tuy nhiên, tuổi tôi đã cao, khi đi khám bệnh, được các bác sĩ khuyến cáo về tác hại của việc ăn thừa muối đối với sức khỏe nên tôi cắt giảm lượng muối dần dần và thay vào đó là những gia vị khác để tạo hương vị đậm đà cho món ăn như hành, tỏi, tiêu, lá gia vị,... ăn nhiều trái cây, rau, củ”.

Người dân cần giảm ăn muối để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh không lây nhiễm khác

Theo kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, ĐTĐ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh, có trên 55% số người bị tăng huyết áp được phát hiện sớm và điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; 80% số người bệnh ĐTĐ được phát hiện, quản lý và điều trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hiện Việt Nam nói chung và Long An nói riêng đối mặt với gánh nặng của các bệnh tật liên quan đến ăn thừa muối. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường các hoạt động truyền thông giảm yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là giảm ăn muối để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và phòng, chống bệnh không lây nhiễm trong đại dịch Covid-19. Mỗi người dân hãy từ bỏ thói quen ăn thừa muối ngay hôm nay, từng chút mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe của bản thân tránh khỏi những yếu tố nguy cơ khác./.

Thùy Minh

Chia sẻ bài viết