Với nỗ lực không ngừng, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đạt nhiều kết quả trong XDNTM kiểu mẫu, đặc biệt là những kết quả trong công tác giảm nghèo đa chiều. Xã thực hiện ráo riết dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Hỗ trợ phát triển sản xuất theo cộng đồng) theo hình thức khuyến nông, chăn nuôi bò cái sinh sản.
Trong năm 2024, xã hỗ trợ 7 con bò cái sinh sản cho 7 hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, xã còn vận động nhà hảo tâm trao tặng 1.605 phần quà tổng trị giá 695 triệu đồng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Xã cũng trích 60 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo, trong đó 30 triệu đồng dùng để hỗ trợ sinh kế cho 1 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo sản xuất; 30 triệu đồng còn lại giúp đỡ 6 hộ mắc bệnh hiểm nghèo, gặp khó khăn đột xuất.
“Xã thường xuyên rà soát, vận động nhà hảo tâm đóng góp, xây dựng nhà tình thương, phối hợp tổ chức CNCF thực hiện dự án Bảo trợ giáo dục. Hiện trên địa bàn xã có 36 em có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện được hỗ trợ, mỗi em nhận 600.000 đồng/tháng. Về công tác hướng nghiệp, giải quyết việc làm, xã phối hợp chặt chẽ các phòng, ban tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, phổ biến tình hình thị trường lao động cho người dân. Nhờ những nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, trên địa bàn xã hiện chỉ còn 9 hộ nghèo/3.639 hộ (chiếm 0,25%), 16 hộ cận nghèo/3.639 hộ (chiếm 0,44%)” - Phó Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Lê Thị Ngọc Giàu thông tin.
Hàng ngày, chị Nguyễn Thị Kim Ngân (ấp Chợ Ông Bái, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) lo việc nội trợ
Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngân (ấp Chợ Ông Bái, xã An Lục Long, huyện Châu Thành) ngày càng cải thiện. Trước đây, gánh nặng kinh tế dồn lên vai chồng khi chị Ngân đau ốm triền miên, các con còn thơ dại, 4 người chen chúc trong ngôi nhà chật hẹp.
Nhận thấy hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương vận động nhà hảo tâm trao tặng nhà tình thương để gia đình chị có chỗ che nắng, che mưa. Sau khi “an cư”, chồng chị còn được xã trích 10 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ máy trộn hồ. Ngoài ra, con của chị được miễn giảm học phí, tặng dụng cụ học tập, sách vở. Người con lớn của chị Ngân cũng được xét duyệt trong dự án Bảo trợ giáo dục của tổ chức CNCF, phần nào giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Nhờ nỗ lực không ngừng và sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, năm 2022, gia đình chị Ngân thoát hộ cận nghèo, chất lượng cuộc sống cải thiện. Chị Ngân giờ đã khỏe mạnh, lạc quan hơn. Căn bệnh viêm ruột, đau dạ dày từng hành hạ chị cũng thuyên giảm nhiều do không còn áp lực chuyện "cơm áo gạo tiền" như trước.
Để chồng yên tâm chữa bệnh, chị Trần Thị Thanh Thúy - vợ anh Nguyễn Chí Thanh (ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) lo toan mọi việc từ đồng áng đến nhà cửa
Gần 4 năm nay, anh Nguyễn Chí Thanh (ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) chấp nhận sống chung với căn bệnh thận quái ác. Mỗi tuần, vào thứ hai, tư, sáu, anh đều đến tỉnh Tiền Giang để điều trị. Trước đây, khi còn khỏe, anh và vợ là chị Trần Thị Thanh Thúy thay phiên nhau lo việc đồng áng, trồng hoa màu nhưng sau cơn bạo bệnh, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều một mình vợ anh gánh vác. Vất vả nhưng vợ chồng giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ. Anh tâm niệm, mình có thư giãn đầu óc thì sức khỏe mới ổn định để phụ giúp vợ.
Anh Thanh chia sẻ: “Hàng xóm, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, hỗ trợ gia đình. Tôi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nên không lo tốn nhiều chi phí chữa bệnh, các con cũng được miễn giảm học phí nên yên tâm học hành. Mỗi dịp lễ, tết, nhìn những phần quà ý nghĩa của nhà hảo tâm, gia đình tôi càng ấm lòng hơn. Tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của mọi người!”.
Theo báo cáo kết quả thực hiện XDNTM nâng cao năm 2024 của xã, đến tháng 6/2024, xã còn 23 hộ nghèo đa chiều (1,76%), trong đó có 19 hộ không có khả năng lao động. Hộ cận nghèo đa chiều còn 36 hộ, trong đó có 9 hộ không có khả năng lao động. Kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Lãng - Nguyễn Thị Kiều Sương, đa số người dân địa phương sống bằng nghề trồng trọt nên xã chủ trương phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ theo hướng đa dạng về hình thức, thu hút nhiều lao động để tăng thu nhập cho người dân, góp phần thoát nghèo bền vững.
“Để thực hiện tiêu chí nghèo đa chiều, xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, góp vốn xoay vòng hay hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế để phát triển kinh tế” - bà Nguyễn Thị Kiều Sương cho biết.
Giảm nghèo đa chiều không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu trong XDNTM. Để đạt mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, huy động tối đa các nguồn lực và áp dụng những giải pháp phù hợp với từng địa phương./.
|
Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, thời gian qua, công tác giảm nghèo của xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, gặt hái nhiều kết quả tích cực.
|
Ngọc Hân - Hoàng Lan