Công tác bảo đảm ATTP luôn được các cấp, các ngành quan tâm
Hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm
Công tác bảo đảm ATTP luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, dư luận xã hội đang rất bức xúc khi vẫn còn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn cao, tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Tiếp nối các kết quả trong năm 2015, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP Trung ương chọn chủ đề của Tháng hành động vì ATTP năm 2016 là "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn" trong thời gian từ 15-4 đến 15-5-2016.
Chủ Nhà hàng Hải Âu tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức - Trần Thị Quỳnh Oanh cho biết: “Việc bảo đảm vệ sinh ATTP luôn được người dân quan tâm. Người kinh doanh chúng tôi rất chú trọng vấn đề này vì bảo đảm ATTP chính là bảo vệ sức khỏe khách hàng. Chúng tôi luôn được các cấp, các ngành trong huyện thông tin kịp thời, hướng dẫn cụ thể để thực hiện tốt điều này. Ngoài ra, việc bảo đảm vệ sinh ATTP tạo cho nhà hàng có thêm uy tín, được nhiều khách hàng chọn lựa, từ đó việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn”.
Đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh
Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) huyện - Nguyễn Thành Nhân thông tin: “Toàn huyện có 716 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống được ngành Y tế quản lý, trong đó cấp tỉnh quản lý 125 cơ cở, cấp huyện quản lý 181 cơ sở, cấp xã 410 cơ sở. Vấn đề vệ sinh ATTP luôn được huyện quan tâm hàng đầu. Đợt này, huyện tiến hành kiểm tra hành chính, thực tế khoảng 50 cơ sở liên quan, đến nay, thực hiện trên 30 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở vi phạm và bị xử phạt hành chính trên 2 triệu đồng”.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm
Quí I-2016, toàn tỉnh có 4.875 lượt cơ sở được kiểm tra, thanh tra trong số 6.143 cơ sở đang được quản lý. Qua kiểm tra, có 3.776 lượt cơ sở đạt điều kiện an toàn thực phẩm (chiếm 77,46%). Đoàn kiểm tra xử phạt 1.483 lượt cơ sở, trong đó, cảnh cáo 51 lượt cơ sở, phạt tiền 41 lượt cơ sở với tổng số tiền trên 130 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 4 triệu đồng. |
Những tuần qua, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn) tại TP.Tân An, huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc,... Mục tiêu chính của đoàn kiểm tra liên ngành là kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, trong đó tập trung vào các thực phẩm là rau, thịt và sản phẩm chế biến từ rau, thịt.
Tùy từng đối tượng, đoàn có những nội dung kiểm tra theo quy định, bao gồm: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; giấy chứng nhận sức khỏe và kiến thức ATTP của chủ cơ sở, người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nhãn sản phẩm hàng hóa thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; lấy mẫu kiểm nghiệm khi cần thiết;...
Kiểm tra và tiêu hủy măng nhiễm hóa chất
Trong 8 ngày qua, Đoàn thanh tra liên ngành về ATTP nông-lâm-thủy sản đã thanh tra, kiểm tra tại 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông-lâm-thủy sản (măng, lạp xưởng, chả lụa, thủy sản khô,...) trên địa bàn một số huyện và lấy 14 mẫu nông-lâm-thủy sản kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng ATTP, có 2/14 mẫu măng nhiễm Auramine (vàng ô). Đoàn thanh tra cũng tiến hành tiêu hủy 680kg măng chua và 1,2kg bột vàng ô, 50 gam đường siêu ngọt không rõ nguồn gốc và phạt 70 triệu đồng 2 cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, đoàn còn lập 6 biên bản, xử phạt 6 cơ sở vi phạm với số tiền 46,6 triệu đồng.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Vấn đề hiện nay là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; giảm thiểu mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt heo, thịt gà, thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn. Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt, nông sản”./.
Lê Huỳnh - Thanh Mỹ