Tiếng Việt | English

27/10/2023 - 16:01

Giáo dục an toàn giao thông trong trường học

Tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh (HS) là nhiệm vụ quan trọng của các trường học, giúp các em nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Học sinh đi xe đạp điện đội mũ bảo hiểm đúng quy định

Học sinh đi xe đạp điện đội mũ bảo hiểm đúng quy định

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Hàng năm, các trường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về trật tự (TT), ATGT cho HS, nhất là các quy định về đội mũ bảo hiểm và quy tắc giao thông, giúp các em nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông.

Trường THCS Gò Đen (huyện Bến Lức) giáo dục ATGT cho HS thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ. Ban Giám hiệu nhắc nhở HS đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi xe đạp điện, ngồi trên môtô, xe máy khi tham gia giao thông; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; quan sát an toàn khi qua đường; không nghe điện thoại khi chạy xe;...

Ngoài ra, Trường THCS Gò Đen còn giảng dạy ATGT theo quy định; lồng ghép giáo dục ATGT trong các tiết học, tiết sinh hoạt lớp và các hoạt động ngoại khóa giúp HS nắm kỹ các quy định và có các kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

Các trường lồng ghép giáo dục an toàn giao thông qua các tiết học

Các trường lồng ghép giáo dục an toàn giao thông qua các tiết học

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Gò Đen - Nguyễn Thành Dững, ngay đầu năm học, trường triển khai cho phụ huynh ký cam kết, trong đó có các quy định về ATGT như không giao xe môtô, xe gắn máy cho HS khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho HS ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ôtô;... Trường phối hợp địa phương thực hiện tốt mô hình Bảo đảm ATGT trước cổng trường; Cổng trường em sạch, đẹp, an toàn;... Qua đó, giúp HS nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.

Song song đó, Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Đội cờ đỏ giám sát, theo dõi tình hình thực hiện ATGT trong HS, nhắc nhở và ghi nhận những trường hợp vi phạm ATGT để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, giúp các em phòng tránh các vụ tai nạn đáng tiếc khi tham gia giao thông.

Trường Mẫu giáo Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An) phối hợp Công an TP.Tân An tổ chức nói chuyện chuyên đề Giáo dục ATGT. Tại buổi nói chuyện chuyên đề, Trung tá Nguyễn Anh Đức (Đội Cảnh sát giao thông trật tự) tuyên truyền về tình hình ATGT hiện nay tại địa phương, giúp cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và trẻ nắm được một số quy định cơ bản về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Lợi Bình Nhơn - Huỳnh Thu Gấm chia sẻ: “Nhờ buổi nói chuyện chuyên đề, cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh hiểu rõ hơn về tình hình giao thông hiện nay, nhất là các vụ tai nạn giao thông (TNGT) còn rất cao, trong đó có nạn nhân là trẻ em. Nguyên nhân dẫn đến TNGT cho trẻ em chủ yếu xuất phát từ người lớn. Ý thức tham gia giao thông, kỹ năng lái xe an toàn và khả năng dự đoán để phòng tránh nguy hiểm của một số phụ huynh còn kém. Bên cạnh đó, trẻ chưa biết cách tự bảo vệ mình tránh khỏi TNGT. Do đó, thông qua các hoạt động thiết thực, trường mong muốn tạo sân chơi bổ ích cho trẻ, giúp các em hiểu thêm về ATGT, hình thành thói quen, hành vi đúng để bảo vệ mình và người xung quanh khi tham gia giao thông”.

Bảo đảm an toàn giao thông trước cổng trường

Giờ tan học, tại các cổng trường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông hoặc không bảo đảm TTATGT do số lượng lớn phụ huynh, HS tham gia giao thông. Do vậy, các trường thực hiện nhiều giải pháp khắc phục thực trạng trên, tạo điều kiện cho phụ huynh có nơi đậu xe rộng rãi, thoáng mát, an toàn, không gây ảnh hưởng đến tình hình TTATGT tại cổng trường.

Trẻ tham gia nói chuyện chuyên đề về an toàn giao thông

Trẻ tham gia nói chuyện chuyên đề về an toàn giao thông

Trường THCS Lê Đại Đường (huyện Tân Trụ) bố trí nhà chờ cho phụ huynh ngay khuôn viên sân trường. Nhờ vậy, phụ huynh không còn đậu xe không đúng nơi quy định, gây ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến người dân có nhà ở gần cổng trường như trước đây.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Đại Đường - Mai Văn Tuấn cho biết: “Trường ở khu vực gần chợ, đường vào trường khá hẹp. Trước đây, vào giờ tan học, phụ huynh vất vả trong việc tìm chỗ đậu xe chờ rước HS; HS đi học bằng xe đạp, xe đạp điện ra về cũng gặp không ít khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm do tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường. Từ khi có nhà chờ, tình trạng mất TTATGT trước cổng trường được giải quyết. Phụ huynh phấn khởi khi có nơi chờ con bảo đảm an toàn”.

Gần đến giờ tan học, Trường THCS Lê Đại Đường mở cổng để phụ huynh chạy xe vào nhà chờ. Ai đến trước đậu xe hàng trước và xếp xe lần lượt đến các hàng cuối. Nhà chờ có mái che, giúp phụ huynh tránh mưa, nắng trong lúc chờ HS; được bố trí băng ghế ngồi và bảng thông báo để dán những thông tin mới, cần tuyên truyền đến phụ huynh, HS.

Chị Nguyễn Thị Hằng - phụ huynh em Lê Hoàng Thanh Tú, HS lớp 6, Trường THCS Lê Đại Đường, chia sẻ: “Nhà chờ rất cần thiết với phụ huynh. Chúng tôi có nơi đậu xe an toàn để chờ con, không lo vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Mọi người ý thức trong việc xếp xe thành hàng để nhường chỗ cho những người kế tiếp.

Có nhà chờ, tôi không còn lo lắng con khó tìm chỗ đậu xe của tôi và bị ướt khi có mưa. Trong thời gian chờ con, tôi xem bảng thông báo để nắm bắt tình hình và có sự phối hợp tốt trong thực hiện các quy định của trường”.

Nhà chờ của Trường THCS Lê Đại Đường (huyện Tân Trụ) góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường

Nhà chờ của Trường THCS Lê Đại Đường (huyện Tân Trụ) góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường

Các trường còn nỗ lực phối hợp địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trước cổng trường. Cảnh sát giao thông, công an xã tham gia điều tiết giao thông vào giờ cao điểm tại các cổng trường; hướng dẫn phụ huynh đậu xe đúng quy định; nhắc nhở không để những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường,... nhằm giảm ùn ứ trước cổng trường, bảo đảm an toàn cho HS.

Đồng thời, cảnh sát giao thông tuần tra, ghi nhận các trường hợp vi phạm của HS khi tham gia giao thông và phối hợp trường trong xử lý, giúp các em nâng cao ý thức hơn khi tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và người xung quanh.

Thông qua các hoạt động, các trường mong muốn HS nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, có các kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông an toàn, giúp giảm tình trạng TNGT./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết