Tiếng Việt | English

18/11/2021 - 08:07

Giáo viên mầm non - Người mẹ thứ 2 của trẻ

Mỗi nghề đều có sự vất vả riêng nhưng nghề giáo đòi hỏi phải giảng dạy bằng cả cái tâm để “dạy chữ”, “rèn người” cho học sinh, nhất là với giáo viên (GV) mầm non. Không chỉ giỏi về chuyên môn, các cô còn có tình yêu thương trẻ mới có thể gắn bó lâu dài với nghề.

Xem trẻ như con mình

Chính vì tình yêu thương với trẻ nhỏ, cô Nguyễn Thị Hoàng Yến (GV Trường Mầm non Sơn Ca, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) quyết định theo nghề GV mầm non. 14 năm gắn bó với nghề, cô Yến vẫn giữ trọn tình yêu ấy. Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, cô luôn trách nhiệm, tận tâm. Cô Yến tâm sự: “Thời gian trẻ gặp cô giáo trong ngày nhiều hơn thời gian ở cạnh cha mẹ. Lứa tuổi mầm non là giai đoạn trẻ dần hình thành tính cách, hành vi, thái độ ứng xử,... do vậy, GV phải có trách nhiệm và cái tâm trong chăm sóc, giáo dục để trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt. Với tôi, mỗi đứa trẻ như con của mình”.

Cô Nguyễn Thị Hoàng Yến (bìa phải, hàng cuối) luôn xem trẻ như những đứa con của mình

Khi tiếp nhận lớp, điều đầu tiên là cô Yến làm quen, tìm hiểu tính cách, sở thích, sở trường của trẻ. Thông qua phụ huynh học sinh, cô tìm hiểu thêm thói quen, điểm mạnh, điểm yếu và những điều cần lưu ý với trẻ. Khi hiểu tính cách trẻ, cô Yến có cách chăm sóc, giáo dục phù hợp; đồng thời, chú trọng phát triển năng khiếu của từng em, giúp trẻ thêm tự tin, năng động.

Cô Yến kể: “Mỗi bé có tính cách khác nhau, không thể áp đặt bé làm theo mình. Do vậy, tôi thường chia nhóm theo tính cách các bé để có cách giáo dục phù hợp. Trong quá trình tham gia các hoạt động, trẻ sẽ có sự xung đột lẫn nhau như giành đồ chơi,... Lúc này, GV phải nhẹ nhàng, bình tĩnh giải quyết. Trẻ ở độ tuổi mầm non học rất nhanh, các cháu rất ngưỡng mộ cô giáo, vì thế hành vi không chuẩn mực của GV sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ”.

Ngoài ra, cô Yến còn chú trọng phối hợp phụ huynh học sinh trong giáo dục trẻ, rèn cho các em cách giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ. Khi trẻ có hành động, tâm lý bất thường, cô tìm hiểu nguyên nhân để có cách giải quyết phù hợp.

Vất vả nhưng vui

Chọn nghề GV mầm non, cô Huỳnh Cẩm Tiên (GV Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai, phường 2, TP.Tân An) biết rằng sẽ vất vả hơn việc giảng dạy ở các cấp học khác nhưng lại ngập tràn niềm vui bởi mỗi ngày được tiếp xúc, sống cùng thế giới trẻ thơ đúng theo sở thích của mình. Mỗi ngày, khoảng 6 giờ 30 phút, cô Cẩm Tiên đến trường để đón trẻ và rời trường khoảng 17 giờ sau khi đã trả trẻ. Cô tâm sự: “16 giờ 30 phút bắt đầu trả trẻ nhưng nhiều phụ huynh bận việc nên đến trễ, tôi giữ trẻ đến khi phụ huynh đến đón mới về. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của cô giáo mầm non”.

Cô Huỳnh Cẩm Tiên tìm được niềm vui trong dạy trẻ

Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, cô Cẩm Tiên lên kế hoạch theo tháng, tuần, ngày và chia nhỏ các hoạt động trong ngày, bảo đảm trình tự để trẻ được phát triển đầy đủ về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm, kỹ năng xã hội. Trong đó, cô luôn chú trọng dạy trẻ lễ phép với người lớn, kỹ năng tự phục vụ. Khi trẻ tham gia các hoạt động, thấy trẻ có hành vi, thái độ chưa đúng, cô nhắc nhở ngay để trẻ hiểu. Cô cũng thường kể chuyện để trẻ rút ra những bài học giá trị, ý nghĩa. Cô Cẩm Tiên chia sẻ: “Để chăm sóc, giáo dục trẻ hiệu quả, GV phải hiểu tính cách, tâm lý của trẻ. Do vậy, tôi luôn theo sát trẻ, quan sát hành động, thái độ của các em để hiểu trẻ muốn gì. Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, tôi cũng gặp một số trường hợp đặc biệt. Với các bé như vậy, tôi luôn kiên nhẫn, nhẹ nhàng và dành thời gian để tâm sự, trò chuyện cho trẻ hiểu về những hành động, thái độ chưa đúng, từ đó sửa đổi”.

 Tuy vất vả nhưng GV mầm non tìm được nhiều niềm vui trong công việc. Đó là sự hồn nhiên, tình yêu thương của trẻ dành cho cô giáo như tình cảm cô giáo dành cho trẻ vậy. Từ đó, các cô có thêm động lực, tình yêu nghề, mến trẻ để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết