Tiếng Việt | English

02/03/2018 - 08:57

Gìn giữ nét đẹp truyền thống trong lễ hội

Người dân Long An luôn tự hào về Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành và Lễ hội Vía bà Ngũ Hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc. Các lễ hội này là điểm son trong đời sống văn hóa tâm linh được lưu truyền tại Long An nhiều năm qua, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, cúng viếng.

Từ tín ngưỡng dân gian, người dân Long An sáng tạo nên các lễ hội đậm chất nhân văn, mang vẻ đẹp của nông dân Nam bộ vì cộng đồng, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, may mắn trong năm mới. Dù trải qua nhiều biến cố, trong dòng chảy không ngừng của cuộc sống, người dân Long An vẫn bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống lễ hội, làm giàu cho đời sống văn hóa của dân tộc, quê hương.

Để các lễ hội được bảo tồn và phát triển lành mạnh, cần sự chung tay quản lý của các cấp chính quyền và người dân. Đó là việc chọn lọc, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của lễ hội, kiên quyết bài trừ các hành vi mê tín dị đoan hoặc lợi dụng lễ hội để trục lợi. Chính quyền các cấp bảo đảm điều kiện thuận lợi tổ chức lễ hội như giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; ngăn chặn kịp thời các hành vi quá khích có thể xảy ra trong lễ hội như cướp lộc, xô đẩy nhau và nạn “chặt, chém” trong buôn bán,... Về lâu dài, ngành chức năng Long An cần phát triển các loại hình dịch vụ du lịch phục vụ du khách trong mùa lễ hội.

Về phía người dân địa phương, ngoài việc tham gia tổ chức lễ hội còn phải xây dựng một hình ảnh thân thiện, lịch sự, mến khách để thu hút du khách thập phương; tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong lễ hội. Các hàng quán phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, bán đúng giá. Về phía du khách tham gia lễ hội, phải thực hiện đúng nội quy, pháp luật, ăn mặc và giao tiếp lịch sự.

Lễ hội Làm Chay và Lễ hội Vía bà Ngũ Hành được công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, là niềm tự hào của người dân Long An. Do vậy, mọi người đều ra sức gìn giữ, phát huy lễ hội truyền thống của địa phương. Khi KT-XH phát triển, lễ hội trên không bị mai một hoặc biến tướng mà còn có điều kiện tổ chức trang trọng, gìn giữ những nét đẹp nhân hậu, thuần phác của lễ hội để cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết