Chị Thùy Dường là người phụ nữ "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"
Chúng tôi gặp chị Thùy Dương vào một buổi chiều muộn khi mọi người đã tan sở, trong khi đó chị vẫn còn say sưa giải quyết hồ sơ của ngành. Ngồi trò chuyện cùng chị, chúng tôi mới hình dung được những khó khăn, vất vả khi phụ nữ công tác trong ngành Thanh tra, từ đó càng thêm nể phục tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, không đầu hàng trước khó khăn của người phụ nữ này.
Năm 1989, chị tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tín dụng ngân hàng và vào làm việc trong lĩnh vực thanh tra KT-XH của Thanh tra tỉnh. Đây là một lĩnh vực rộng đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kiến thức tổng hợp của nhiều ngành. Xác định được vấn đề này, chị nỗ lực tự học và trang bị thêm về tin học, ngoại ngữ, luật chuyên ngành; đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước nên đã nhanh chóng bắt nhịp được với công việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 2012, chị được lãnh đạo tin tưởng, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Thanh tra tỉnh phụ trách lĩnh vực khiếu nại và tố cáo. Từ chuyên môn thanh tra KT-XH chuyển sang giải quyết khiếu nại, tố cáo - một lĩnh vực rất nhạy cảm và phức tạp, vậy mà một lần nữa, chị Thùy Dương tiếp tục khẳng định mình trên cương vị mới.
Chị Thùy Dương chia sẻ: “Long An nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều khu, cụm công nghiệp, vì vậy có rất nhiều đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Khi mới phụ trách lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, tình trạng đơn, thư tồn đọng ở cơ quan và địa phương rất nhiều, trong đó có nhiều trường hợp trễ hạn và giải quyết chưa đúng quy định, thậm chí có nhiều trường hợp các đối tượng cố tình gây rối cho cơ quan nhà nước khiến cán bộ làm công tác có những lúc lúng túng. Nắm được tình hình thực tế, tôi mạnh dạn biên soạn đề án “Công khai, minh bạch việc quy hoạch, triển khai và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đến người dân đối với 2 dự án cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa” và đem đề án tham gia Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam năm 2013 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức. Nhờ vậy, đơn, thư khiếu nại của người dân được giải quyết kịp thời, đặc biệt là đề án được Ban Tổ chức trao giải là 1 trong 24 đề án xuất sắc nhất toàn quốc”.
Không chỉ năng nổ, nhiệt tình trong công việc, chị Thùy Dương còn biết cách “giữ lửa” gia đình. Chị không bao giờ để công việc cơ quan ảnh hưởng đến gia đình và ngược lại. Chị luôn biết cách sắp xếp thời gian, công việc một cách khoa học, hợp lý, vừa để chu toàn công việc cơ quan, vừa dành thời gian chăm lo tổ ấm của mình. Chị thường thức dậy sớm để dọn dẹp nhà cửa, lo bữa cơm cho gia đình, sau đó đến cơ quan đúng giờ. Còn buổi tối hay những lúc không đi công tác xa, chị đều dành thời gian hướng dẫn các con học tập; đồng thời sẵn sàng, sát cánh để hướng dẫn, động viên các con những lúc khó khăn nhất.
Chị Thùy Dương cho biết thêm: “Đối với phụ nữ, phải bảo đảm hài hòa giữa công việc và gia đình. Để hài hòa giữa việc cơ quan và gia đình, bản thân tôi cũng như những phụ nữ khác đương nhiên phải rất vất vả, khó khăn gấp nhiều lần so với nam giới. Nhưng chỉ cần chúng ta nỗ lực, tâm huyết và có niềm tin thì tất cả đều làm được”.
Có thể thấy, sự tự tin, nỗ lực của cán bộ nữ chính là chìa khóa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng cường tỷ lệ nữ tham gia chính trị. Nhờ vậy, chị Thùy Dương nhận được nhiều danh hiệu như Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là năm 2014 chị được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba./.
Kim Ngọc