Tiếng Việt | English

22/03/2016 - 10:36

Giúp học sinh định hướng nghề nghiệp

Nếu như trước đây, tiếp tục học THPT là mong muốn của tất cả học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS, thì nay, một số HS có sự lựa chọn khác như học giáo dục thường xuyên hay học nghề,... khi nhận thấy mình không có khả năng học THPT. Qua công tác tuyên truyền, định hướng, phân luồng HS sau THCS, phụ huynh, HS bắt đầu thay đổi quan niệm và có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện gia đình,...

Tiết học của học sinh khối 9

Nội dung hướng nghiệp được đưa vào chương trình học của khối lớp 9 tại các trường THCS với 1 tiết/tháng. Bài học hướng nghiệp gồm các nội dung: Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn nghề có cơ sở khoa học; Thông tin thị trường lao động - nhu cầu nhân công lao động hiện nay; Tìm hiểu năng lực của bản thân và truyền thống gia đình; Các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS - phân luồng HS sau tốt nghiệp;... Thông qua các tiết học, HS có thêm những kiến thức và nhận thức đúng hơn trong việc lựa cho con đường phù hợp với sức học.

Năm học 2014-2015, Trường THCS Trần Thế Sinh (huyện Bến Lức) - một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho HS - có 60,1% HS vào lớp 10 công lập, 19% HS vào các lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên, lớp 10 tại các trường tư thục và 19,5% HS lựa chọn học nghề.

Năm học 2015-2016, trường chú trọng tiết hướng nghiệp cho HS khối 9. Hiệu trưởng là người trực tiếp giảng dạy các tiết hướng nghiệp, giúp HS quan tâm và chú ý lắng nghe hơn. Trong các tiết học, sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ và ngoại khóa, giáo viên còn chia sẻ thêm kiến thức, kinh nghiệm giúp HS có sự lựa chọn đúng khi tốt nghiệp THCS.

Cô Nguyễn Thị Thu Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/2 cho biết: "Tôi thường động viên HS cố gắng học tập, sau khi có được bằng tốt nghiệp THCS các em sẽ có rất nhiều hướng đi. Trong đó, giới thiệu một số nghề phù hợp với địa phương và nhu cầu của xã hội. Tôi cũng giải thích rõ với các em không có nghề nào thấp hèn hay cao sang mà nghề có ích cho xã hội thì là nghề cao quý. Đối với HS yếu, kém, ngoài nhắc nhở, kèm sát quá trình học tập, tôi còn trò chuyện, trao đổi về sở thích, nguyện vọng giúp các em xác định hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp THCS.

Em Đoàn Minh Thành, HS lớp 9/1 cho biết: "Nhờ thầy cô giới thiệu, hướng nghiệp, em quyết định chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Với học lực trung bình yếu, dù có đậu vào lớp 10 em cũng không học nổi. Em thích nghề sửa chữa xe máy. Em nghĩ đây là nghề mà xã hội luôn cần nên sẽ không sợ thất nghiệp".

Tiết học của học sinh khối 9

Còn với Trường THCS Hướng Thọ Phú (TP.Tân An), ngoài chú trọng công tác hướng nghiệp, nhà trường còn tạo điều kiện cho các trường nghề đến tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp cho HS.

Tại các buổi tư vấn, các trường nghề giải thích rõ về các ngành nghề trường đào tạo như: Đối tượng lao động của nghề, mục đích lao động của nghề, công cụ lao động của nghề, điều kiện lao động của nghề và các ưu đãi khi chọn học nghề,... Từ đó, các em hiểu hơn về các nghề mình yêu thích và có sự lựa chọn phù hợp.

Em Nguyễn Nhân Nghĩa, HS lớp 9/3 cho biết: Vì học yếu nên em lựa học nghề, hơn nữa, em còn muốn sớm đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Em thích ngành điện và nghề này cũng là nhu cầu của xã hội hiện nay.

"Trong các tiết học, giáo viên còn lồng ghép hướng nghiệp cho các em bằng những dẫn chứng thực tế, cụ thể, giúp HS có nhận thức đúng hơn về chọn trường THPT phù hợp, chọn nghề,... Ngoài định hướng nghề nghiệp, trường tích cực công tác ôn tập, giúp HS có sự chuẩn bị tốt trong kỳ thi học kỳ 2 và tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới" - Hiệu trưởng Trường THCS Hướng Thọ Phú - Nguyễn Thị Thanh Tân chia sẻ.

Không riêng trường THCS Hướng Thọ Phú, THCS Trần Thế Sinh, các trường THCS khác cũng tích cực thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và ôn tập, giúp HS có hướng đi phù hợp với khả năng sau khi tốt nghiệp. Đây được coi là thành công bước đầu trong công tác phân luồng HS của các địa phương./.

Ngọc Sương

 

Chia sẻ bài viết