Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Kỳ thi THPT Quốc gia

Góc nhìn của giáo viên và học sinh

Học sinh khối 12 trong tiết ôn tập

Năm 2015, năm đầu tiên áp dụng kỳ thi THPT quốc gia thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thế nhưng, đến thời điểm này, quy chế cho kỳ thi THPT quốc gia vẫn còn là dự thảo và vẫn chưa có cấu trúc đề thi. Dựa theo dự thảo và những thông báo về những điểm mới trong kỳ thi, một số học sinh (HS), giáo viên (GV) khá tự tin với cách dạy và học của mình. Nhưng mới đây, không ít HS và GV rất băn khoăn với những thay đổi và đang chờ đợi những thông tin chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Cô Đỗ Thị Bích Phượng - GV môn tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Bến Lức) cho biết: “Đa phần HS của trường học khá môn tiếng Anh, do đó, khi tiếng Anh là môn thi bắt buộc, với nhà trường và GV bộ môn tiếng Anh, đó là điều thuận lợi. Tuy nhiên, chưa có cấu trúc đề thi, GV dạy theo kinh nghiệm nhằm cung cấp kiến thức phù hợp với từng đối tượng HS. Trên lớp, tôi chú trọng truyền đạt những kiến thức căn bản, đồng thời củng cố kiến thức cũ giúp các em nắm vững chương trình THPT. Ngoài ra, đối với HS có nhu cầu thi môn tiếng Anh để xét tuyển đại học, cao đẳng, tôi dạy theo hướng bám sát đề thi đại học, giúp HS tiếp cận và làm quen dần với dạng đề thi này. Song song đó, tôi thường bổ sung những câu hỏi mang tính tư duy giúp các em linh hoạt hơn. Với phương pháp dạy này, tôi tin rằng, HS sẽ tránh được những bỡ ngỡ về đề thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia”.

Cùng là GV môn tiếng Anh, cô Lê Quốc Phương, Trường THPT Võ Văn Tần (Đức Hòa) chia sẻ: “Trên lớp, tôi thường xuyên cung cấp thông tin mới, liên quan về kỳ thi THPT quốc gia để HS nắm rõ, giúp HS chủ động hơn trong việc học và định hướng tương lai. Theo tôi, kỳ thi THPT quốc gia, HS sẽ chịu không ít áp lực vì đề thi dài và có tính phân loại cao. Do đó, khắc sâu những kiến thức căn bản cho HS nắm vững là rất quan trọng, nhằm bảo đảm ít nhất HS có thể hiểu và giải được những câu hỏi để đáp ứng yêu cầu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài truyền đạt kiến thức, tôi thường động viên và khen ngợi các em nhằm khích lệ tinh thần học tập của HS. Tôi mong sớm có quy chế và cấu trúc đề thi cho kỳ thi THPT quốc gia, để GV và HS có những định hướng đúng đắn nhất”.Với em Nguyễn Phương Nha - HS lớp 12A1 Trường THPT Võ Văn Tần: “Một trong những thuận lợi trong kỳ thi THPT quốc gia là thi 3 môn bắt buộc, còn lại là chọn môn thi theo sở trường để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ngoài ra, theo như quy chế dự thảo, ngày thi sẽ được dời lại gần 1 tháng so với trước đây, em sẽ có nhiều thời gian hơn để ôn bài. Tuy nhiên, em cũng gặp không ít khó khăn. Em còn khá hoang mang trong cách ra đề thi khi chưa có cấu trúc đề. Đề thi vừa đáp ứng nhu cầu xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng, do đó, em lo lắng sẽ không nhận dạng rõ câu hỏi với mục đích xét tốt nghiệp hay tuyển sinh đại học, cao đẳng để có thứ tự làm bài mang lại kết quả cao nhất”.Còn với em Đỗ Thị Huỳnh Như - HS lớp 12A25, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ: “Em còn nhiều băn khoăn về kỳ thi THPT quốc gia, đặc biệt là cách ra đề thi. Đề thi có bao nhiêu % kiến thức lớp 10, 11 và chủ yếu là những nội dung nào, để em có cách ôn tập hợp lý. Ngoài ra, em còn lo lắng đề thi môn Ngữ văn sẽ gắn với sự kiện xã hội và gắt gao hơn các năm trước. Do đó, hiện giờ ngoài ôn tập kiến thức trên trường, em còn thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức thời sự trong và ngoài nước để tự tin hơn khi thi môn Ngữ văn”.

Riêng với em Lương Hoài Thương, HS lớp 12A3, Trường THPT Hậu Nghĩa (Đức Hòa) cho biết: Với em, kỳ thi THPT quốc gia không gây quá nhiều áp lực, ngược lại, em thấy có nhiều thuận lợi trong kỳ thi này. HS được chọn môn sở trường, các môn còn lại GV cũng không quá gắt gao trong việc học. Về thi cụm, thay vì thi tốt nghiệp tại trường THPT rồi tiếp tục “khăn gói” lên TP. HCM hay các tỉnh khác để thi đại học, thì nay chỉ đi thi 1 lần tại cụm, sẽ giảm thời gian và kinh phí cho HS. Tuy nhiên, điều em lo lắng lớn nhất hiện nay là thang điểm 20 theo dự thảo mới. Do có thói quen hay giải bài tập theo cách làm tắt nên em lo lắng sẽ mất điểm khi cách tính điểm chi li với thang điểm 20”.

 NGỌC SƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích