Tiếng Việt | English

25/09/2016 - 06:13

Hàn Quốc vẫn là nước dẫn đầu tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam

 

Dây chuyền sản xuất tai nghe cho điện thoại thông minh của Công ty TNHH Glonics Việt Nam với 100% vốn FDI Hàn Quốc. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/9 vừa qua, cả nước có 1.820 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 11,165 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,265 tỷ USD, bằng 86,1% so với cùng kỳ năm ​trước.

Tính chung trong 9 tháng qua, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 16,43 tỷ USD, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính đến ngày 20/9 vừa qua, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,02 tỷ USD, tăng 12,4%.

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 9 tháng qua đạt gần 91,2 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,1% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô trong 9 tháng qua gần đạt 89,5 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ 2015 và chiếm 69,7% kim ngạch xuất khẩu.

Trong 9 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 767 dự án đầu tư đăng ký mới và 608 lượt dự án điều chỉnh vốn.

Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,15 tỷ USD, chiếm 73,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 649 triệu USD, chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư.

Hiện, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,58 tỷ USD, chiếm 34% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,84 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nhật Bản đứng vị trí thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,7 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư.

Trong 9 tháng qua, Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, với 37 dự án cấp mới và 28 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư.

Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,97 tỷ USD, chiếm 12%. Tiếp theo là Đồng Nai, Bình Dương với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 1,89 tỷ USD và 1,49 tỷ USD.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 9 tháng qua: dự án LG Display Hải Phòng, cấp phép ngày 15/4 vừa qua, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display co.,Ltd của Hàn Quốc, đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng...

Tiếp đến là dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tổng vốn đầu tư đăng ký 550 triệu USD do LG Innotek Co.,Ltd của Hàn Quốc, đầu tư với mục tiêu sản xuất mô đun camera tại Hải Phòng.

Dự án thành phố Amata Long Thành, tổng vốn đầu tư đăng ký 309,3 triệu USD do nhà đầu tư Thái Lan đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị dịch vụ theo quy hoạch tại Đồng Nai.

Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, do Công ty t​rách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam đầu tư với mục tiêu tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao tại Hà Nội…/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết