Tiếng Việt | English

29/05/2016 - 05:22

Nhiều vốn FDI vào Việt Nam mang theo cả... ô nhiễm môi trường

Các hiệp định thương mại tự do ngày càng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI, nhưng cũng nảy sinh nhiều hệ lụy về môi trường.

Tính đến giữa năm 2016, Việt Nam đã ký kết và tham gia đàm phán 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là đàm phán thành công Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các hiệp định này mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng cùng với nó cũng nảy sinh nhiều hệ lụy về môi trường.

Nguy cơ dự án vốn FDI mang theo cả hệ lụy về môi trường ở nước ta (Ảnh minh họa: KT)

FDI vào mang theo cả hiểm họa môi trường

Phát biểu tại hội thảo “Thương mại tự do: Dịch chuyển đầu tư và các vấn đề về môi trường” được tổ chức hôm qua ( 27/5) tại Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, cho rằng với Việt Nam, những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do gồm dệt may, da dày, gỗ, sản xuất linh kiện điện tử.

Còn ông Đỗ Thanh Bái, Hội hóa học Việt Nam, lo ngại chính những ngành sản xuất trên lại được xếp hạng trong danh sách các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất do sử dụng nhiều hóa chất độc hại, khó xử lý, chi phí lại cao. Cụ thể, với ngành giày da, xử lý chất thải rắn đang là vấn đề bức xúc. Ngành điện tử cũng có nhiều khâu gây ô nhiễm môi trường (lắp ráp, chế tạo bản mạch, linh kiện, thu hồi kim loại quý từ phế phẩm và chất thải). Ngành dệt may thì đáng ngại nhất là nước thải công nghiệp. Theo ông Bái, lợi dụng nhận thức của Việt Nam về thuốc nhuộm chưa đầy đủ nên các nhà đầu tư dệt may tìm cách né tránh trong xử lý nước thải, nhất là xử lý về màu. Đồng thời, ngành gang thép nếu xét từ khai thác, xử lý quặng, phải sản xuất cốc thì ô nhiễm môi trường rất lớn.

Theo bà Trần Thanh Thủy, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, các hiệp định thương mại với việc loại bỏ thuế quan đã khiến dòng vốn đầu tư FDI vào nước ta gia tăng, trong đó có những dự án ở ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Chỉ tính riêng năm 2015, đã có 15 dự án với quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực dệt nhuộm ở Nam Định.

Việt Nam "nhập khẩu" ô nhiễm

Theo một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Kinh tế quốc dân về tình hình tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI, hiện có đến 80% KCN vi phạm các quy định về môi trường, 23% trong số đó xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Doanh nghiệp FDI cũng chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn. Trong số các doanh nghiệp FDI có 68% cho rằng tiết kiệm chi phí từ 10-15% so với đầu tư ở nước mẹ.

Nói về vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, chúng ta đang chạy theo thành tích tăng trưởng GDP nên dễ dãi trong thu hút FDI, “nhập khẩu” ô nhiễm vào Việt Nam. Nhiều dự án FDI hiệu quả thấp, chỉ sử dụng tài nguyên và lao động giá rẻ nhưng vẫn nhận được nhiều ưu đãi của các tỉnh về giá đất, nước, tài nguyên, thậm chí hạ thấp tiêu chuẩn môi trường đối với dự án thuộc lĩnh vực nhuộm, luyện kim... Vì thế mà “ta chưa giàu nhưng đã ô nhiễm môi trường. Việt Nam chưa thành nước công nghiệp hóa nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Mà ô nhiễm môi trường tăng sẽ kéo theo số người bệnh tăng, tỷ lệ nghỉ ốm tăng... chi phí giải quyết các vấn đề xã hội lớn," ông Doanh lo ngại.

TS. Lê Đăng Doanh nêu các bài học đắt giá về ô nhiễm môi trường mà theo ông xuất phát từ “lòng tham FDI” như vụ Vedan (xả thải ra sông Thị Vải), Kung Kuang (Phú Thọ), xi măng Chinfong Hải Phòng…

Cần giám sát nghiêm việc tuân thủ bảo vệ môi trường

TS. Doanh cho biết, Việt Nam được lọt top 5 quốc gia tích cực nhất thế giới trong việc ban hành các luật, song việc thực hiện nó lại có nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về quản lý hóa chất độc hại. Còn ông Bái cho rằng, việc hợp tác và điều phối quản lý hóa chất ở cấp cao của Việt Nam chưa tốt. Các nước chỉ có một hoặc hai bộ quản lý lĩnh vực này, nhưng ở Việt Nam có quá nhiều bộ tham gia quản lý hóa chất. Ngoài hai Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn có cả Bộ Y tế, Công an… gây ra sự chồng chéo mà hiệu quả quản lý không cao.

Ông Bái khuyến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét nâng cao tiêu chuẩn công nghệ môi trường so với trước. Còn theo ông Lê Đăng Doanh, cần tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, tránh biến Việt Nam thành bãi rác thải công nghiệp./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết