Tiếng Việt | English

29/03/2024 - 10:12

Hành trình hướng tới vùng nguyên liệu chất lượng cao

Huyện Châu Thành, tỉnh Long An triển khai, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) nhằm giúp giảm chi phí, nhân công, nâng cao giá trị nông sản, hướng đến từng bước nâng cao đời sống của nông dân trên địa bàn. Trong xu thế hiện nay, việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng đắn, điều kiện tiên quyết giúp cho huyện tiến tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Nông dân thời 4.0

Ông Võ Văn Bé (ấp Nhà Việc, xã An Lục Long) là một trong những hộ dân đầu tiên trồng thanh long tại xã. Cả đời gắn bó với nghề nông, ông Bé chỉ mong sao việc sản xuất được thuận lợi, dễ dàng và bớt phần vất vả. Vì vậy, bên cạnh việc sản xuất, ông và các người con dành thời gian tìm hiểu, ứng dụng công nghệ vào vườn thanh long của gia đình.

Ngồi uống trà trong hiên nhà, ông tranh thủ lấy điện thoại ra tắt hệ thống tưới tự động khi thấy người con trai chuẩn bị máy phun thuốc. “Nhà tôi dùng hệ thống tưới nước tự động và hệ thống điều khiển đèn xông thanh long tự động kết nối với điện thoại được vài năm rồi. Bây giờ, ngồi trong nhà cũng có thể tưới nước, bật đèn. Nhà tôi cũng xịt thuốc bằng máy, tôi đang tìm hiểu về việc xịt thuốc bằng máy bay. Nếu ứng dụng được thì lại càng thuận tiện” - ông Bé nói.

Ông Võ Văn Bé (xã An Lục Long) điều khiển hệ thống tưới thanh long bằng điện thoại

Trên vách nhà kho của ông Bé là hệ thống công tắc, bảng điều khiển dày đặc. Lão nông ngoài 60 tuổi, tay cầm điện thoại, tay cầm remote chậm rãi giải thích về cách thức vận hành của các hệ thống tự động đang ứng dụng tại 9.000m2 vườn thanh long của gia đình mình. Ông Bé kể, việc bật, tắt đèn xông thanh long bằng hệ thống tự động mang lại nhiều lợi ích khi có thể hẹn giờ chính xác. Những lúc cần thiết chỉ bằng 1 thao tác trên điện thoại là có thể điều chỉnh hệ thống ngay lập tức mà không cần bước chân ra vườn. Mấy năm nay, khi việc sử dụng điện cho sản xuất thanh long được quy định cụ thể thì hệ thống tự động phát huy hiệu quả tối đa. Vì được hẹn giờ nên cứ đúng giờ, đèn tự động bật, dù ông có bận việc gì hay thời tiết mưa gió ra sao cũng không ảnh hưởng. Thêm nữa, nếu trong lúc xông đèn gặp trời mưa thì có thể ở trong nhà tắt điện ngay để tránh nguy hiểm.

Thông tin từ UBND xã An Lục Long, việc ƯDCNC vào sản xuất thanh long tại xã đang trở nên phổ biến. Toàn xã hiện có 155 mô hình (với 100ha) sản xuất thanh long ƯDCNC gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm. Các mô hình này đều sử dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước (điều khiển tưới nước bằng điện thoại thông minh) và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, sản phẩm của các mô hình đều được Hợp tác xã Long Hội, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ bao tiêu sản phẩm. “Việc ƯDCNC vào sản xuất thanh long góp phần giảm công lao động, từng bước ổn định đầu ra khi sản phẩm được bao tiêu, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Đó cũng là một trong những động lực giúp xã xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu” - Chủ tịch UBND xã An Lục Long - Đoàn Bảo An cho biết.

Hành trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất thanh long ƯDCNC đang là định hướng được Đảng bộ, các cấp chính quyền và người dân huyện Châu Thành tập trung đẩy mạnh. Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC là chương trình đột phá nhằm đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành, nâng chất lượng hàng hóa nông sản chủ lực của huyện, sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị.

Với mục tiêu phát triển 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực là thanh long và tôm, huyện Châu Thành tập trung đầu tư, nâng cấp đường giao thông, hệ thống thủy lợi, điện lưới,... đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của nông dân cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ƯDCNC vào quá trình sản xuất. Tính đến nay, 100% diện tích thanh long của huyện được cấp mã vùng trồng; 1.016ha thanh long sản xuất theo quy trình VietGAP; 323ha sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Các hộ trồng thanh long, nuôi thủy sản ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến tại huyện Châu Thành

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải khẳng định: “Những kết quả đạt được của Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã tạo một bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của người dân từ việc canh tác theo phương thức truyền thống sang canh tác theo hướng an toàn, GAP, hữu cơ,... Việc ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm là rất cần thiết. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có 5.500ha thanh long ƯDCNC”. Nhằm thực hiện mục tiêu này, huyện triển khai hỗ trợ nông dân tham gia mô hình sản xuất thanh long ƯDCNC về: Giống, vật tư thiết yếu để xử lý đất và dịch hại trên thanh long; lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; ứng dụng thiết bị cơ giới trong chăm sóc thanh long;... Các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, quản lý, phòng trừ dịch bệnh trên cây thanh long được tổ chức thường xuyên hàng năm với sự tham gia của đông đảo người dân. Ngoài ra, viên chức của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thường xuyên bám sát địa bàn, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho nông dân sản xuất thanh long trên địa bàn huyện. Đặc biệt, đối với các mô hình điểm, địa phương tập trung hỗ trợ thuê chuyên gia tư vấn, hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình sản xuất theo GAP, hữu cơ, trồng thanh long kiểu giàn, ứng dụng đèn tiết kiệm năng lượng, tưới tiên tiến,... Kết nối, tìm đầu ra cho các mô hình đạt chứng nhận GlobalGAP, hữu cơ; tổ chức tham quan, tổng kết đánh giá hiệu quả mô hình và quảng bá nhân rộng; thực hiện công tác thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;...

Với những nỗ lực đó, huyện Châu Thành từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong ứng dụng công nghệ tiến bộ vào sản xuất nhằm giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản. Nông dân trên địa bàn huyện dần ý thức hơn trong việc vệ sinh vườn, sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học,... Các hình thức tổ chức sản xuất dần được đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công huyện NTM nâng cao theo lộ trình kế hoạch đã đề ra./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết