Tiếng Việt | English

05/09/2018 - 16:48

Hát bằng cả trái tim về “Cuộc đời của mẹ”

“Cuộc đời của mẹ” – Vở diễn tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An với sự đầu tư nghiêm túc từ nội dung kịch bản, hình ảnh, thiết kế sân khấu cùng nhiệt huyết của hơn 50 nghệ sĩ được huy động toàn lực để “cháy” hết mình cùng nhân vật.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, hy vọng rằng, sau đêm diễn tối nay (05/9) tác phẩm mang thông điệp về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc sẽ được khán giả mộ điệu, nhất là thế hệ trẻ đón nhận, đánh giá cao.

“Cuộc đời của mẹ” – Vở diễn tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An 

Hồi ức sống động về “Cuộc đời của mẹ”

“Cuộc đời của mẹ” là tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời nữ chiến sĩ cách mạng bất khuất, kiên trung - một người con quê hương Cần Giuộc, tỉnh Long An. Trong vở diễn, nhân vật này là bà Nguyễn Thị Út do NSƯT Hồ Ngọc Trinh thủ vai.

Không như những vở cải lương khác có cốt truyện, tình tiết cụ thể. “Cuộc đời của mẹ” “kể chuyện” cho khán giả qua những ký ức của nhân vật chính. Chính vì dựa trên hồi ký của nhân vật nên tác phẩm này rất khó dựng, khó diễn, nếu không khéo thể hiện sẽ dễ khiến tình tiết rời rạc. Do đó, đòi hỏi tác giả kịch bản, đạo diễn và người nghệ sĩ phải thật sự hiểu và có sự phối hợp ăn ý để chuyển tải hết ý nghĩa về cuộc đời của nữ chiến sĩ một lòng sắt son với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân.

Chỉ trong 2 giờ ngắn ngủi, êkip thực hiện phải nỗ lực chắt lọc tình tiết đắt giá, những khoảnh khắc khơi gợi cảm xúc nhất đến khán giả. Một trong những yếu tố giúp quá trình hình thành tác phẩm được thuận lợi và có được độ tin cậy, chính xác là nhờ quyển hồi ký của nhân vật chính.

“Cuộc đời của mẹ” là tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời nữ chiến sĩ cách mạng bất khuất, kiên trung - một người con quê hương Cần Giuộc, tỉnh Long An

Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - NSƯT Triệu Trung Kiên, tác giả kịch bản đồng thời là đạo diễn “Cuộc đời của mẹ”, chia sẻ: “Tôi may mắn có nguồn tư liệu quý là quyển hồi ký tương đối đầy đủ và chi tiết về cuộc đời nữ chiến sĩ anh hùng. Càng đọc, tôi càng bị “cuốn” vào từng ký ức, từng khoảnh khắc của cuộc đời bà. Có lẽ, ai trong chúng ta cũng đều được nghe quá trình đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc nhưng khó có thể “cảm” được hết nếu chưa tận mắt xem, nghe hay đọc để “thấm” được những gian lao ấy. Từ đó, tôi thấy mình như bị thôi thúc và phải viết kịch bản rồi dàn dựng ngay.”

Xây dựng được “nền móng” là phần kịch bản, êkip vở diễn vẫn chưa hết lo lắng vì thành công của tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào sự đón nhận của khán giả. Sau buổi phúc khảo, khi nghe được phản hồi tích cực từ Hội đồng Nghệ thuật cùng một số đồng nghiệp và thành viên gia đình nhân vật, những người thực hiện phần nào yên tâm, có thêm “lửa” để tự tin “cháy” hết mình trong đêm khai mạc một cách trọn vẹn nhất.

Một cảnh trong vở diễn 

Hát bằng trái tim

Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo từ kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu, sự thể hiện của nghệ sĩ chính là nhân tố quan trọng hàng đầu để “thổi hồn” vào tác phẩm, nhất là người đảm nhận vai chính. NSƯT Hồ Ngọc Trinh chia sẻ: “Vừa là đồng đạo diễn, vừa thể hiện vai nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Út đối với tôi vừa là niềm tự hào và cũng là một áp lực lớn. Bởi vì, cuộc đời của bà trong tác phẩm kéo dài từ thiếu niên đến tuổi già, rất khó thể hiện diễn biến tâm lý qua từng giai đoạn. Do đó, tôi phải tìm hiểu, đọc thật kỹ hồi ký và nhờ sự đóng góp từ tác giả, người thân cùng các đồng nghiệp để lột tả hết cái “hồn”, khí chất của nhân vật. Riêng bản thân có hoàn thành thử thách này hay không, ý kiến khán giả sau đêm diễn chính là “thước đo” khách quan nhất!”

“Cuộc đời của mẹ” không chỉ là một tác phẩm sân khấu cải lương đơn thuần mà còn là bài học quý báu về lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay

Tham gia vở diễn, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An huy động toàn lực, mỗi người đều có vai trò, nhiệm vụ, đóng góp vào kết quả chung của tác phẩm. Nghệ sĩ trẻ Võ Hoàng Dư cho biết, trong tác phẩm này, anh thủ vai Minh – đồng đội của bà Út. Trước giờ, Hoàng Dư thường là “kép đẹp”, trẻ và “mùi” nên việc thể hiện người chiến sĩ tuổi trung niên cũng là một trải nghiệm mới. Theo anh, đây không chỉ là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà còn là bài học ý nghĩa để thế hệ hôm nay biết quý trọng mất mát, hy sinh của cha anh để có được hòa bình, độc lập ngày nay.

Đặc biệt, vở diễn có một tiểu đoạn tạo ấn tượng sâu sắc là thời khắc cuối cùng khi bà Út chứng kiến đồng đội mình là đồng chí Sơn (do nghệ sĩ trẻ Trần Minh thể hiện) hy sinh tại chuồng cọp Côn Đảo. Nghệ sĩ Trần Minh bộc bạch: “Chúng tôi phải thay đổi, thử nghiệm nhiều cách diễn để khai thác thật hiệu quả ý nghĩa tình tiết này. Khi sắp hy sinh, Sơn cố gắng cất cao tiếng hát cho người đồng chí, người bạn tù mà anh vô cùng ngưỡng mộ là bà Nguyễn Thị Út. Chi tiết này khiến cảm xúc không chỉ lan tỏa giữa nhân vật với nhau mà còn phải tạo sự rung động đến khán giả.”

“Cuộc đời của mẹ” với sự đầu tư nghiêm túc từ nội dung kịch bản, hình ảnh, thiết kế sân khấu cùng nhiệt huyết của hơn 50 nghệ sĩ “cháy” hết mình cùng nhân vật

Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, trong đoạn này, cả 2 người cùng hát nhưng tiếng hát của Sơn tắt trước. Cảm xúc này tiếp tục được nối dài và để lại dư âm, lan tỏa đến người xem khiến họ xao xuyến, bồn chồn và ngay sau đó là cảnh tươi sáng, thanh bình của non sông.

Vở diễn hòa quyện màu sắc máu lửa, đạn bom nhưng “cuộc đời” của mẹ lại thật đẹp! Cái đẹp của sự kiên trung, bất khuất, cái đẹp đúng nghĩa của người phụ nữ Việt Nam thương chồng con và yêu quê hương, sẵn sàng xả thân vì hòa bình, độc lập dân tộc. Thế nên, “Cuộc đời của mẹ” không chỉ là một tác phẩm sân khấu cải lương đơn thuần mà còn là bài học quý báu về lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay.

Tin rằng, không chỉ giới hạn trong phạm vi liên hoan lần này, với giá trị lịch sử quý báu bên cạnh tính nhân văn cùng hình ảnh tuyệt đẹp về “người mẹ” trong vở diễn, chắc chắn “Cuộc đời của mẹ” sẽ còn tiến xa, lan tỏa và chạm đến từng trái tim của khán giả.

20 giờ tối nay (05/9), Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 chính thức khai mạc tại Sân khấu Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An (số 398A, Quốc lộ 1, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An).

Liên hoan năm nay có sự tham gia của 25 đoàn, nhà hát với 32 vở diễn, bắt đầu từ ngày 05 - 19/9/2018./.

Thanh Hiểu – Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết