1. “Có khó khăn, có những lúc đợi chồng hay một mình phải gồng gánh một số công việc trong gia đình,... là điều thường xuyên xảy ra nhưng tôi cũng đã xác định ngay từ đầu và cố gắng vượt qua tất cả. Tôi tự hào nói với mọi người rằng chồng tôi là bộ đội” - chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (SN 1992, ngụ ấp Nhựt Tân, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện gia đình mình khi làm vợ của quân nhân.
Vợ chồng Thượng úy Trần Minh Quân cùng tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa do huyện Tân Trụ phát động
Chị Huyền là vợ của Thượng úy Trần Minh Quân đang công tác tại Ban Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Trụ. Anh chị biết nhau từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Sau đó, mỗi người một hướng, chị học giáo viên mầm non còn anh thì chọn vào bộ đội. Sau này, khi ra trường gặp lại, họ mới dần nhận ra mình thuộc về nhau và cùng nhau xây tổ ấm. Chị Huyền là giáo viên mầm non, trong quá trình công tác, chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan giao; đồng thời, vun vén cho gia đình nhỏ để chồng yên tâm công tác. Chị Huyền luôn nhận được sự đánh giá cao của đồng nghiệp về trách nhiệm đối với công việc, được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ.
Áp lực làm người yêu rồi làm vợ của bộ đội có lẽ tới bây giờ chị Huyền vẫn không thể nào quên được. Chị Huyền kể, lúc mới cưới, anh Quân công tác tại Lữ đoàn Thông tin 23 (Quân khu 7), tính chất công việc thường xuyên xa nhà, ở tại đơn vị. Cứ thế, hầu như mỗi tuần, chị lại "khăn gói" lên TP.HCM thăm chồng. Năm 2021, anh được đơn vị tạo điều kiện chuyển công tác về Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Trụ. Tuy nhiên, thời điểm này, dịch Covid-19 diễn biến khá phức tạp, anh lại tạm gác chuyện gia đình sang một bên để cùng đơn vị, chính quyền, người dân chống dịch và những lần về nhà của anh lại đếm trên đầu ngón tay. Nhưng chưa hết, có lẽ khó khăn lớn của đôi vợ chồng chính là việc "tìm con" vì anh chị thuộc dạng khó theo như kết luận của bác sĩ. Từ sự tiếp sức, động viên, họ đã làm nên kỳ tích và đạt được ước nguyện.
Chị Huyền chia sẻ: "Thật sự, nhiều lúc cũng có chút tủi thân khi nhìn những đôi vợ chồng khác luôn kề cận bên nhau. Tuy nhiên, tôi hiểu được công việc của chồng. Chúng tôi cùng nhau trải qua nhiều câu chuyện nên dễ cảm thông, tìm được tiếng nói chung. Tình yêu của anh chính là chỗ dựa vững chắc cho tôi và tiếp thêm động lực để vượt qua. Tôi tự hào khi chồng mình là một quân nhân đầy trách nhiệm và vun vén gia đình để anh yên tâm trong công tác, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ".
Vợ chồng Thượng úy Trần Minh Quân luôn dành cho nhau sự cảm thông, chia sẻ, cùng nhau vun vén, xây dựng gia đình hạnh phúc
Chính nhờ sự quan tâm của đơn vị, sự hỗ trợ của đồng đội và sự cảm thông, thấu hiểu từ hậu phương, Thượng úy Trần Minh Quân luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công tác, được cơ quan đánh giá cao, nhiều năm liền đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được thăng quân hàm trước thời hạn 1 năm.
2. Không giống như anh Quân và chị Huyền, câu chuyện của Thiếu tá Trần Văn Đỗ - Trưởng ban Hậu cần Kỹ thuật Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cần Đước và chị Ngô Thị Thu Ngọc lại khác. Anh chị gặp nhau một cách rất tình cờ khi chị tham gia hội thao tại TP.Tân An do Ban Chỉ huy Quân sự TP.Tân An tổ chức. Từ sự gặp gỡ này, “ông Tơ, bà Nguyệt” đã xe duyên cho họ về chung một nhà vào năm 2013. Minh chứng tình yêu của anh chị chính là gia đình hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười của 2 đứa trẻ. 10 năm bên nhau, anh chị luôn dành trọn tình yêu cho nhau, tôn trọng, cảm thông, hiểu tính chất công việc mỗi người.
10 năm qua, chị Ngô Thị Thu Ngọc cùng gia đình trở thành hậu phương vững chắc để Thiếu tá Trần Văn Đỗ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Với công việc "gõ đầu trẻ”, chị Ngọc luôn thu xếp thật hợp lý thời gian để vừa làm tốt công việc, vừa chăm lo cho gia đình mỗi khi anh công tác xa nhà. Cũng chính nhờ vậy, Thiếu tá Đỗ luôn an tâm công tác, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do đơn vị giao, đáp lại tình cảm, sự tin tưởng của người vợ hiền dành cho mình.
Chị Ngọc cho biết: "Thật sự, khi yêu và cưới chồng bộ đội sẽ không tránh khỏi những phút giây chạnh lòng. Nhưng trên hết, tôi phải hiểu, tôn trọng, chia sẻ, cảm thông mới đồng hành cùng nhau vượt khó. Mỗi người biết nhường nhịn, đặt mình vào vị trí của nhau thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi và anh cũng vậy, chia sẻ để kết nối, gắn bó. Tôi tin rằng, gia đình sẽ tiếp thêm động lực, động viên để anh tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với bộ quân phục đang mặc trên người và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ".
Theo Thiếu tá Trần Văn Đỗ, đơn vị, đồng đội luôn bên cạnh, quan tâm hỗ trợ trong quá trình công tác. Và một điều may mắn, hạnh phúc khi có vợ đồng cảm, chia sẻ để bản thân tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ được giao./.
Thanh Mỹ