Tiếng Việt | English

23/12/2022 - 00:00

Hậu phương vững chắc của quân nhân

“Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Với quân nhân, câu nói ấy như lời khẳng định, bởi có hậu phương vững chắc, các anh mới an tâm công tác, cống hiến sức mình cho Tổ quốc.

“Anh hãy an tâm công tác”

“Anh hãy an tâm công tác, khoảng cách địa lý chẳng là gì khi chúng ta yêu thương, cảm thông và tin tưởng nhau. 3 mẹ con em luôn là hậu phương vững chắc của anh”. Đó là lời nhắn nhủ của chị Trần Thị Ngọc Bích (giáo viên Trường Tiểu học Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) dành cho chồng - Thiếu tá Vũ Duy Ngọc - Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An.

Gần 16 năm nên duyên vợ chồng cũng là ngần ấy thời gian chị Ngọc Bích sống xa anh Duy Ngọc. Mỗi năm, anh, chị gặp nhau 1 lần vào dịp tết. Gần như một mình lo toan tất cả từ việc nhà đến chăm sóc, nuôi dạy 2 con nhưng chị Ngọc Bích vẫn chu toàn và chưa bao giờ trách chồng, bởi chị hiểu công việc cũng như trách nhiệm mà anh “gánh” trên vai.

Chị Trần Thị Ngọc Bích và các con luôn là hậu phương vững chắc cho chồng

Chị Ngọc Bích tâm sự: “Nhà cách nhau con sông nhưng anh công tác tại Long An nên trước khi kết hôn, tôi biết sẽ sống xa chồng cũng như đối mặt với nhiều khó khăn phía trước. Nhưng vì từ nhỏ trót yêu màu xanh áo lính và tin tưởng bằng tình yêu, sự cảm thông, thấu hiểu với nghề nghiệp của chồng, tôi có thể vượt qua tất cả”.

Chồng không ở cạnh, chị Ngọc Bích tự nhủ phải mạnh mẽ hơn. Cả 2 lần “vượt cạn”, chồng đều không thể về, đó cũng là khoảng thời gian chị cảm thấy khó khăn nhất nhưng vẫn mạnh mẽ vượt qua. Chị Ngọc Bích trải lòng: “Lúc tôi mang thai đến khi con gái đầu lòng được 5 tháng tuổi, chồng tôi mới lần đầu được gặp con. Khi chồng ẵm, con không chịu, cứ khóc hoài bởi hồi đó chưa có Zalo, Facebook để gọi điện thấy mặt như bây giờ, rồi 2 vợ chồng nhìn nhau rớt nước mắt. Lần sinh con trai, chồng tôi cũng không thể về”.

Trải qua bao khó khăn nhưng chị Ngọc Bích vẫn vẹn nguyên tình yêu, sự tin tưởng tuyệt đối với chồng và chị tin anh cũng như vậy. Một ngày của chị bắt đầu với tin nhắn hoặc cuộc gọi hỏi thăm của chồng và chưa một ngày nào anh quên gọi điện về cho 3 mẹ con. Chị Ngọc Bích thổ lộ: “Dù không ở gần nhưng chồng luôn là bờ vai vững chắc để tôi tin tưởng dựa vào. Chồng rất ân cần, chu đáo, quan tâm, yêu thương vợ, con và gia đình”.

Gia đình chị Trần Thị Ngọc Bích gặp nhau 1 năm 1 lần

Làm hậu phương của chồng, chị cố gắng dung hòa giữa việc trường, việc nhà và hòa thuận, hiếu thảo với cha mẹ 2 bên để chồng an tâm công tác. Trong giảng dạy, chị hết lòng vì học sinh, không ngừng học hỏi, nghiên cứu để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ vậy, chị Ngọc Bích được ghi nhận với những thành tích như giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo,... Còn với vai trò người con, người vợ, người mẹ, chị dành nhiều thời gian cho gia đình, đặc biệt là chăm sóc, nuôi dạy con ngoan, học giỏi. “Con gái lớn của tôi hiện học lớp 9 đều đạt học sinh giỏi trong mỗi năm học và nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Con trai học lớp 5 cũng là học sinh xuất sắc và đạt nhiều thành tích trong các hội thi học sinh năng khiếu” - chị Ngọc Bích kể.

Chị thường tâm sự với các con về những vất vả của người lính, nhất là sự hy sinh thầm lặng của cha và đồng đội để giữ bình yên biên giới. Từ đó, các con của anh, chị hiểu được tình yêu thương của cha và tự hào khi là con của chiến sĩ biên phòng.

Mạnh mẽ khi chồng không ở bên cạnh

Là hậu phương của quân nhân, chị Lê Thị Nguyệt Nga (giáo viên Trường THPT Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) - vợ Thượng úy Phùng Thanh Việt, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thủ Thừa, luôn mạnh mẽ mỗi khi chồng không ở cạnh. Việc chăm sóc, nuôi dạy 2 con, chị Nguyệt Nga gánh phần trách nhiệm nặng hơn để chồng an tâm làm nhiệm vụ.

“Khi còn yêu nhau, thời gian hẹn hò cũng hiếm hoi, bởi phần lớn thời gian anh dành cho công việc cơ quan. Hiểu nhiệm vụ của anh cũng như cảm mến sự chân thật và tinh thần trách nhiệm với gia đình của anh nên tôi yêu và chờ đợi anh nuôi em gái học ra trường rồi mới cưới” - chị Nguyệt Nga trải lòng.

Trong nuôi dạy con, chị Lê Thị Nguyệt Nga gánh phần trách nhiệm nặng hơn nhưng không trách chồng vì hiểu cho công việc của anh

Sau khi kết hôn, cuộc sống còn nhiều vất vả, chưa có nhà, phải ở trọ nhưng chị Nguyệt Nga vẫn không nản lòng, cùng chồng tiết kiệm, tích góp mua đất, xây nhà. Những lúc chồng đi trực, chị vừa làm mẹ, vừa là cha. Mỗi lần chở 2 con trên con đường trơn trợt lúc trời mưa lớn, chị phải cố gắng gồng tay lái để các con không bị té, nhất là những lúc qua cầu. Khi ấy, chị nghĩ “không được bất cẩn dù chỉ một chút vì trên xe còn có 2 con”. Ai cũng hỏi sao chị mạnh mẽ vậy? Có lẽ hoàn cảnh buộc chị phải như vậy.

Chị Nguyệt Nga tâm sự: “Công việc của chồng ở tuyến đầu nên khi xảy ra giông bão, thiên tai, anh là một trong những chiến sĩ có mặt trước tiên. Có lúc, chồng bận nhiệm vụ bên ngoài, tôi và các con phải “chiến đấu” với những trận mưa, bão, gió giông tạt vào nhà. Có những lúc, 3 mẹ con dầm cả cơn mưa lớn hay đường trơn, không chạy xe được, tôi phải cõng con đi tìm xuồng để qua sông,… Nhiều khi cũng tủi, cũng buồn nhưng vì hiểu công việc của chồng nên tôi vượt qua tất cả”.

Bù đắp những thiệt thòi của chị Nguyệt Nga, anh Thanh Việt luôn có trách nhiệm với vợ và con. Những tuần không trực, anh phụ chị việc gia đình cũng như chăm sóc, dạy các con điều hay lẽ phải, dành thời gian để cả gia đình về thăm 2 bên nội, ngoại. Khoảng thời gian ấy là niềm an ủi, hạnh phúc lớn đối với chị. Chị tin tưởng chồng sẽ mãi là điểm tựa vững chắc và là người chồng chung thủy, trách nhiệm, người cha mẫu mực để các con noi theo. Chỉ cần như vậy, chị không đòi hỏi gì thêm và sẽ luôn là hậu phương vững chắc để anh tự hào và an tâm làm nhiệm vụ được giao.

Dù nhiều lúc một mình “gồng gánh” gia đình, những người vợ của quân nhân vẫn không nề hà mà luôn cố gắng chu toàn mọi việc để chồng an tâm công tác./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết