Tiếng Việt | English

23/12/2017 - 07:56

Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2017)

Hậu phương người lính Cụ Hồ

Gác lại bao nhớ nhung, xa cách, vượt qua bao vất vả, lo toan trong cuộc sống, những người mẹ, người vợ lính trở thành điểm tựa vững chắc của chồng, con. Nơi quê nhà, họ luôn gửi gắm yêu thương, dõi theo từng bước chân của các anh. Kết quả học tập, rèn luyện, công tác tại đơn vị là niềm vui bất tận gửi về hậu phương.

Chồng xa nhà, để anh yên tâm công tác, một mình chị Nguyễn Thị Thu Trang quán xuyến mọi việc. (Trong ảnh: Chị Trang đưa các con đến trường)

“Vượt cạn” một mình

Chồng công tác ở Đội K73, đóng quân xa nhà khoảng 80km, đơn vị thường xuyên sang nước bạn thực hiện nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam, ở nhà, chị Nguyễn Thị Thu Trang thay chồng làm trụ cột gia đình và chăm sóc 2 con nhỏ. Cả 2 lần chị “vượt cạn” đều không có anh bên cạnh. Bỏ qua những thiệt thòi, người vợ trẻ luôn động viên, chia sẻ và trở thành hậu phương vững chắc để chồng chị - Đại úy Nguyễn Tấn Trung yên tâm công tác.

Một ngày chớm đông, chúng tôi đến thăm tổ ấm gia đình anh chị nằm trong con hẻm nhỏ thuộc phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An. Chị công tác tại Trường Mầm non 1/6. Các con còn nhỏ nên chị khá vất vả. Mỗi sáng, sau khi đưa con trai lớn đến trường, chị tất bật gửi con gái nhỏ mới 19 tháng tuổi ở nhà trẻ, rồi lại vội vã đến trường. Sau giờ dạy, chị vội vã đến lớp đón các con. Sau đó, một mình chị nhanh chóng chuẩn bị cơm tối, dọn dẹp nhà cửa, dạy các con học,...

Là cô giáo mầm non, một ngày chị mệt nhoài với các bé; khi về đến nhà, con nhỏ và bao công việc chiếm hết thời gian nghỉ ngơi nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua. Những lúc con bệnh, anh lại cùng đơn vị đang làm nhiệm vụ trên nước bạn Campuchia, một mình chị đưa con đến bệnh viện, biết bao đêm, chị thức trắng chăm con. Nhưng sợ anh lo lắng, ảnh hưởng đến công việc nên chị không cho anh hay mà một mình lo liệu tất cả. Chính từ hậu phương vững chắc ấy, Đại úy Nguyễn Tấn Trung có thể toàn tâm cho công việc, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, điển hình toàn quân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vinh dự tham dự điển hình thi đua yêu nước toàn quốc năm 2017.

Chị Trang chia sẻ: “Lấy chồng bộ đội là phải vậy thôi! Những lúc đơn vị anh thực hiện nhiệm vụ trên nước bạn, mỗi chuyến đi 3-4 tháng ròng, mình ở nhà phải cố gắng chu toàn mọi việc để anh an tâm công tác”.

“Gánh” cả đôi bờ

Cũng như bao người vợ lính khác, chị Dương Thị Mộng Ghi, vợ Thượng úy La Nhựt Trung - Chính trị viên Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cũng chịu cảnh “Ngưu Lang, Chức Nữ”. Nhà cách xa đơn vị hơn 200km, vài tháng anh mới về thăm được 2 ngày cuối tuần. Chị là nhân viên văn phòng của Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện III Chi nhánh thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, công việc bận rộn lại có con nhỏ nên chị thỉnh thoảng mới đưa con về Long An thăm chồng và gia đình chồng. Hiện, con anh chị được 15 tháng tuổi, những lúc công việc gấp, cần làm thêm giờ, chị phải gửi con cho bà ngoại.

Cảnh nhà đơn chiếc, chồng công tác xa, nhiều lúc chị “quên” mình là phụ nữ. Ở nhà, việc sửa bóng đèn, ống nước, chị đều làm hết. Với chị, không có khái niệm sum họp gia đình dịp lễ, tết, bởi đó là thời điểm anh trực sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. 5 năm qua, chị chưa được đón giao thừa cùng anh. Không phải bây giờ mà từ hồi mới quen nhau, tình yêu của hai người cũng bắt đầu từ “hai đầu nỗi nhớ”, lúc đó, anh là học viên Trường Sĩ quan chính trị ở tỉnh Bắc Ninh, chị là sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM.

Với nụ cười tươi tắn, chị bày tỏ: “Lúc đầu, thấy gia đình bạn bè, đồng nghiệp sum vầy, hạnh phúc những ngày cuối tuần, lễ, tết, mình chạnh lòng, nhưng dần dần cũng quen. Hơn nữa, chọn lấy chồng bộ đội là phải có sự chia sẻ, cảm thông vì anh công tác trong môi trường đặc thù, không thể đem ra so sánh. Lúc mới yêu cũng vậy, 1 năm anh chỉ 1 lần về phép vào dịp hè nên chúng tôi chủ yếu động viên nhau qua thư từ, điện thoại. Giờ cũng vậy, mấy tháng anh mới mới về thăm nhà”. Là vợ bộ đội, không phải mình chị mà ai cũng cần có sự cảm thông, vượt khó mới có thể vun vén hạnh phúc gia đình và là hậu phương vững chắc để chồng an tâm công tác.

Những lúc nhớ chồng, chị Mộng Ghi đem ảnh cưới của hai vợ chồng ra xem,  từ đó, tiếp thêm niềm vui để chị động viên chồng yên tâm công tác

Sự động viên từ người thân

Là con út trong gia đình có 2 chị em, từ nhỏ, Dương Bá Lộc (quê xã Long Cang, huyện Cần Đước) luôn được ba mẹ yêu thương, che chở. Ngày mới vào đơn vị tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 đóng quân ở huyện Thạnh Hóa, Lộc còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen với môi trường quân ngũ. Khi ấy, Lộc nhớ nhà, nhớ người thân và bạn bè nhiều lắm! Nhưng được sự quan tâm của cán bộ quản lý đơn vị, Lộc nhanh chóng hòa nhập, bắt nhịp với cuộc sống người lính. Hiện nay, Lộc không còn trẻ con như xưa và trưởng thành hơn rất nhiều. Mỗi lần lên thăm con tại đơn vị, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - mẹ Lộc đều cảm thấy vui mừng.

Bà chia sẻ, Lộc là đứa con rất ngoan, từ nhỏ có hiếu với cha mẹ. Cha của Lộc - ông Liệt là đội trưởng đội xiếc ảo thuật đường phố nên thường xuyên lưu diễn xa nhà. Mọi chuyện trong nhà đều do một tay mẹ Lộc quán xuyến. Lớn lên một chút, Lộc hiểu chuyện và thường trò chuyện cùng mẹ. Ngày đi bộ đội, chị hai Lộc cũng lấy chồng nên Lộc lo lắng khi mẹ thui thủi một mình. Để động viên con yên tâm làm nhiệm vụ, bà không quản đường sá xa xôi, mỗi khi có điều kiện, lại bắt xe lên thăm con. Những lần như vậy, bà không quên mang theo những món ăn Lộc thích, khuyên Lộc yên tâm hoàn thành tốt nghĩa vụ để về với gia đình.

Với Lộc, những chuyến thăm tuy ngắn ngủi, thời gian được phép điện thoại cũng không nhiều nhưng đủ làm ấm lòng chiến sĩ trẻ. Hiện tại, Lộc sắp tròn 1 năm tuổi quân. Ở đơn vị, Lộc tham gia rèn luyện, giữ vững tác phong của người lính. Lộc có đam mê về xiếc và từng theo cha đi lưu diễn những đợt gần nhà, vì vậy, mỗi khi đơn vị có chương trình văn nghệ, chào mừng những sự kiện lớn như kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Lộc có 2 tiết mục xiếc được trình diễn.

Sự hỗ trợ, chia sẻ từ đơn vị và động viên từ gia đình giúp Lý Kim Tài vượt qua nỗi đau (trong ảnh: Lãnh đạo Tiểu đoàn 1 đến thăm hỏi, chia sẻ với nỗi đau của gia đình bên vợ Tài)

Tháng 02/2016, Lý Kim Tài, ở huyện Thủ Thừa, một trong số ít binh nhì có vợ, sắp làm cha, nhập ngũ vào Tiểu đoàn 1. Vào quân đội chưa được bao lâu, Tài hay tin dữ khi người vợ trẻ mới sinh con được vài tháng, mắc căn bệnh hiểm nghèo. Hành trình chữa bệnh cho vợ ngày càng mong manh, vô vọng... Ngày vợ mất, Tài đau đớn tưởng chừng như sắp gục ngã.

Bao nhiêu mơ ước, những dự định của hai vợ chồng về một tương lai tươi sáng khi Tài ra quân giờ đây không còn nữa... nhưng được sự quan tâm của cán bộ, đồng đội trong đơn vị, sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần cũng như lời dặn dò của mẹ vợ - bà Bùi Thị Liên, Tài vững tin hơn và tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Sau khi vợ mất, sự quan tâm lớn nhất của Tài chính là đứa con trai nhỏ. Hiểu hoàn cảnh của con, vợ chồng bà Liên chăm sóc, trông coi đứa cháu ngoại để Tài an tâm.

Trước mặt người lính là Tổ quốc, trong tim họ là quê hương, gia đình. Chính tình cảm, sự sẻ chia từ gia đình tiếp thêm sức mạnh để người lính vững bước quân hành./.

Nguyệt Nhi-Thùy Trang

Chia sẻ bài viết