Tiếng Việt | English

05/03/2019 - 20:53

Vững vàng hậu phương của người lính

Không kể ngày hay đêm, những cán bộ, chiến sĩ khoác lên mình màu áo xanh vẫn miệt mài làm nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc bởi phía sau họ luôn có hậu phương vững chắc. Đó là những người mẹ, người vợ tảo tần, chung thủy, thầm lặng gánh vác việc gia đình giúp người lính an tâm công tác.

Xác định làm vợ lính, chị Võ Thị Hoa chấp nhận hy sinh làm hậu phương vững chắc cho chồng

Xác định làm vợ lính, chị Võ Thị Hoa chấp nhận hy sinh làm hậu phương vững chắc cho chồng

Tự hào là vợ lính

Những ngày này, chúng tôi có dịp đến thăm nơi hậu phương vững chắc của những người lính. Lắng nghe câu chuyện của những người mẹ, người vợ lính giúp chúng tôi hiểu hơn những tâm tư, tình cảm mà họ dành cho những người đang làm nhiệm vụ nơi tiền tuyến. 

Sinh ra và lớn lên tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang nhưng chị Võ Thị Hoa - vợ Trung úy Bạch Văn Chờ, công tác tại Đội Tham mưu hành chính, Đồn Biên phòng Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An lại có duyên làm dâu đất Long An. Vừa chăm sóc vườn lan yêu thích của anh Chờ, chị Hoa vừa chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên gặp gỡ của anh chị. “Vợ chồng tôi quen biết nhau là do người thân mai mối. Năm 2009, chúng tôi nên duyên vợ chồng. Xác định làm vợ lính, tôi chấp nhận hy sinh làm hậu phương vững chắc cho anh. Chính vì thế, tôi xin chuyển công tác về Long An sinh sống” - chị Hoa nói. Vì là lính Cụ Hồ nên chuyện anh Chờ thường xuyên vắng nhà là lẽ thường tình. Mọi công việc trong gia đình đều do chị Hoa gánh vác. Chị Hoa chia sẻ: “Làm vợ lính, có lúc tôi cảm thấy cô đơn, trống trải vì không có chồng bên cạnh. Tủi thân nhất là lúc mẹ ốm, con đau, một mình tôi thay anh lo toan hết thảy. Thế nhưng, tôi tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ, vững vàng để anh an tâm công tác”.

Không chỉ chu toàn việc gia đình, chị Hoa còn là giáo viên tâm huyết với nghề. Hiện chị là giáo viên dạy môn Sinh học tại Trường THCS Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa). Hạnh phúc với những hậu phương của lính biên phòng như chị Hoa rất giản đơn. Đó có thể là những cuộc điện thoại ngắn ngủi, những giây phút đoàn viên ít ỏi của gia đình nhưng luôn đong đầy yêu thương.

Thương chồng mà vượt khó

Tạm biệt chị Hoa, chúng tôi tìm gặp chị Huỳnh Thị Nên - vợ Trung úy Lê Văn Xanh (nhân viên Quân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ). Làm vợ bộ đội hơn 10 năm cũng là chừng ấy thời gian chị Nên thay chồng nuôi dạy 2 đứa con thơ và làm tròn bổn phận với 2 bên nội, ngoại. Tuy khó khăn, vất vả nhưng mỗi khi chúng tôi nhắc đến anh Xanh, chị Nên đều nở nụ cười hạnh phúc! Chị Nên tâm sự: “Nhiều lúc con trai hỏi sao hôm nay ba không về, tôi thấy xót lắm. Vì thương anh nên tôi chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ để anh vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công việc buôn bán tạp hóa dù bận rộn suốt ngày nhưng tôi cố gắng làm tròn thiên chức người mẹ và thay anh nuôi dạy con”.

Vừa làm tròn thiên chức người mẹ, chị Huỳnh Thị Nên vừa thay chồng nuôi dạy con

Vừa làm tròn thiên chức người mẹ, chị Huỳnh Thị Nên vừa thay chồng nuôi dạy con

Dù hiểu và thông cảm với công việc của chồng nhưng đôi khi chị Nên cảm thấy chạnh lòng khi “có chồng mà như một mình nuôi con”. Đáp lại những hy sinh của chị là tình yêu anh dành cho vợ con. Đây chính là động lực giúp chị vượt lên tất cả. “Mỗi dịp lễ, tết, thấy những gia đình khác sum họp, nhìn lại gia đình mình chỉ có 3 mẹ con hiu quạnh bên nhau, tôi có chút chạnh lòng. Nhưng tôi chỉ mong anh an tâm làm nhiệm vụ vì bên cạnh tôi vẫn còn 2 đứa con, ba mẹ 2 bên và bà con hàng xóm thường xuyên động viên, chia sẻ” - chị Nên bày tỏ.

Ở nơi hậu phương, chị Nên luôn cố gắng vun đắp tổ ấm gia đình, nuôi dạy con nên người, trở thành điểm tựa tinh thần cho chồng bởi chị hiểu, hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng. 

Hậu phương vững chắc

Căn nhà nằm khiêm nhường trong xóm nhỏ tại ấp 3, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa của gia đình bà Bùi Thị Liên luôn rộn rã tiếng cười nói của 2 cháu nhỏ. Đây là tổ ấm, hậu phương vững chắc của Trung sĩ Phùng Minh Nhựt - Đại đội Bộ binh huyện Vĩnh Hưng. 

Tiếp chúng tôi, bà Liên lấy ra tấm ảnh của con trai gửi về rồi vui vẻ giới thiệu: “Minh Nhựt là đứa con ngoan và hiếu thảo lắm! Là con út nhưng cháu biết tự lập từ nhỏ. Ngoài đi làm thuê để trang trải cuộc sống, thời gian rảnh, cháu còn phụ giúp tôi việc đồng áng. Hơn 1 năm nay kể từ khi cháu nhập ngũ, tôi vất vả hơn nhiều nhưng rất vui và tự hào vì thấy con có ý chí và rèn luyện tốt. Mỗi khi nhớ con, vợ chồng tôi lại mang tấm ảnh này ra ngắm cho đỡ nhớ”.

Những lúc nhớ con, vợ chồng bà Bùi Thị Liên đem tấm ảnh con trai gửi về ra ngắm cho đỡ nhớ

Những lúc nhớ con, vợ chồng bà Bùi Thị Liên đem tấm ảnh con trai gửi về ra ngắm cho đỡ nhớ

Trong câu chuyện của bà Liên, chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của bà dành cho người con trai đang làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Tuần nào cũng vậy, không ngại đường sá xa xôi, bà Liên cùng chồng thu xếp công việc lên đơn vị thăm con. Bà tâm sự: “Mỗi lần đi thăm con, tôi đều chuẩn bị những món ăn mà con yêu thích, trái cây và một số đồ dùng cá nhân cho con. Thấy con khôn lớn và trưởng thành từng ngày trong môi trường quân đội, tôi mừng lắm! Vợ chồng tôi thường động viên con cố gắng làm tròn nghĩa vụ với đất nước”.

Vẫn biết rằng, làm hậu phương của người lính thời bình thì những vất vả, lo toan chẳng thấm tháp gì so với thời chiến, thế nhưng, chúng tôi biết họ là những người phụ nữ kiên cường, chấp nhận hy sinh những tình cảm, hạnh phúc riêng để người lính an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc./.

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết