Tiếng Việt | English

01/10/2015 - 10:11

Hãy nói lời hay, ý đẹp

Văn hóa lời nói có một vai trò rất lớn trong đời sống xã hội. Một lời nói hay, đúng lúc và đúng chỗ có thể động viên, cổ vũ mọi người. Một lời nói ngọt ngào thiện cảm, một lời khuyên tốt có thể là một điều vô giá đối với người nghe. Ngược lại, những lời nói nặng nề mang tính khiêu khích, châm chọc, xúc phạm đối với người nghe đều gây ra những hậu quả tai hại.

Đúng là không gì dễ gây mất thiện cảm đối với mọi người bằng những câu nói độc địa, mà người nói phải trả giá bằng một hành động tương ứng. Trên thực tế không ít những trường hợp chỉ vì một câu nói thiếu suy nghĩ, thiếu thiện cảm gây mất đoàn kết, sự oán ghét, thậm chí còn thù hận suốt đời, tệ hơn nữa, vì một câu nói mà cãi vã, xung đột dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm pháp luật. Bởi vậy, một lời khi nói ra phải hết sức đắn đo, cân nhắc, cẩn trọng; ông bà ta từ xưa có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.

Trong gia đình, đặc biệt là trong việc giáo dục con cái hoặc đối xử giữa những người thân phải xuất phát từ tình yêu thương và những lời chân thành, có văn hóa mới có sức thuyết phục và mang lại hiệu quả tốt đẹp. Lời nói yêu thương của cha mẹ có thể cảm hóa được những người con lầm lỗi. Ngược lại, người con có hiếu đâu phải chỉ là nuôi cha mẹ ăn sung mặc sướng, tiện nghi đầy đủ là cho xong bổn phận mà còn rất cần đến tình cảm được thể hiện qua cử chỉ kính cẩn, âu yếm; nhất là lời nói ân cần, dịu dàng của con cháu để làm vui lòng ông bà, cha mẹ.

Trong các mối quan hệ xã hội cũng vậy, hãy đặt văn hóa lời nói lên hàng đầu. Nếu muốn xây dựng một xã hội có văn hóa, gia đình văn hóa thì trước hết cần phải biết chú trọng lời nói. Lời nói phải biết sử dụng sao cho phù hợp từng hoàn cảnh để tránh làm tổn thương đến mọi người, để thể hiện mình là người có văn hóa. Người có văn hóa phải là người có lời nói đẹp, mà muốn có lời hay, ý đẹp cần phải rèn luyện như câu nói của người xưa “học ăn, học nói, học gói, học mở”./.

Huy Huỳnh

Chia sẻ bài viết