Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Washington vào tháng 6/2020, đó là chỉ dấu mới nhất về mức độ xa cách giữa 2 quốc gia này trong những năm gần đây. Trước việc bà Merkel nhiều khả năng không xuất hiện, cuộc họp này đã được lùi lại vào tháng 9.
Cờ Đức và Trung Quốc. Ảnh: Belt and Road news.
Trong khi đó các lãnh đạo Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ họp thượng đỉnh đặc biệt ở thành phố Leipzig (Đức) vào tháng 9 tới với hy vọng cài đặt lại quan hệ EU-Trung Quốc sau khi xấu đi trong vài tháng gần đây do đại dịch Covid-19.
Trong lúc quan hệ EU-Trung Quốc xấu đi thì chính quyền của Thủ tướng Đức Merkel lại “đang nỗ lực để điều chỉnh chính sách với Trung Quốc”, theo Bernhard Bartsch – chuyên gia cao cấp của Đức về châu Á tại tổ chức Bertelsmann Stiftung của Đức.
Đức gần gũi Trung Quốc về kinh tế, ít chú ý đến khía cạnh an ninh
Một số đối tác châu Âu của Đức như Pháp và Anh gần đây đã tham gia các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Đông Nam Á nhưng Đức lại ngần ngừ kể cả trong việc bàn về các động thái và tuyên bố (phi pháp – ND) của Trung Quốc ở Biển Đông.
Như vậy, các vấn đề an ninh liên quan đến Trung Quốc không nằm nhiều trong quan hệ giữa Berlin và Bắc Kinh, theo Noah Barkin, một nghiên cứu viên tại Quỹ Marshall Đức ở Berlin. Barkin nhận định, quan hệ giữa đôi bên phần lớn là thương mại. “Trong nhiều năm, Trung Quốc được Đức xem như một thị trường béo bở, chủ yếu là vậy”.
Từ năm 2000, Đức đã thu hút thị phần đầu tư của Trung Quốc lớn nhất ở châu Âu, chỉ đứng sau Anh. Năm 2018, thương mại song phương đã đạt khoảng 200 tỷ euro (tương đương 222,7 tỷ USD).
Cũng năm 2018, Đức chiếm gần một nửa tổng số hàng hóa xuất khẩu của EU sang Trung Quốc, theo các dữ liệu của Viện Nghiên cứu châu Á của Trung Âu (CEIAS).
So với các quốc gia châu Âu khác, Đức cũng phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Xuất khẩu sang Trung Quốc hiện chiếm 7,1% tất cả các xuất khẩu của Đức trong năm 2018, so với mức 5,6% của Anh.
Rõ ràng với các mối liên kết thương mại và kinh doanh gần gũi như vậy, dễ hiểu là “chính phủ Đức sẽ mong muốn tránh các đối đầu với chính phủ Trung Quốc, chủ yếu vì e sợ đòn trả đũa đối với hoạt động kinh doanh của Đức ở Trung Quốc”, theo nhận định của Bartsch.
Đức đang thay đổi thái độ với Trung Quốc?
Nhưng một số nhà bình luận lại nhận thấy một sự thay đổi gần đây trong tông giọng của Đức. Theo Barkin, “Đức đang dần dần tiến tới quan điểm là cần phải có cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn đối với Bắc Kinh”.
Ông này bổ sung: “Áp lực này sẽ không chỉ gia tăng trong các năm sắp tới khi cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung tăng tốc. Các chính trị gia Đức sẽ không thể tránh được những lựa chọn khó khăn”.
Các lực lượng bài Trung ở Mỹ, nổi bật nhất là cựu cố vấn Steve Bannon của Tổng thống Trump, đã nỗ lực thuyết phục EU đi theo đường lối cứng rắn của Washington đối với Bắc Kinh. Bannon thậm chí còn nói rằng EU sẽ trở thành chư hầu của Trung Quốc nếu khối này không thay đổi cách đi của mình.
Trong các nước châu Âu, nước Đức dưới thời Merkel sẽ là khó thuyết phục nhất.
Hiện chính quyền Đức vẫn chưa nói gì nhiều về vấn đề Hong Kong thời gian qua. Hôm 27/5, một phát ngôn viên của chính phủ Đức chỉ nói chung chung rằng họ mong đợi Bắc Kinh sẽ tuân thủ chế độ pháp trị của Hong Kong và rằng thành phố này cần được giữ lại mức độ tự trị cao.
Giằng co giữa 2 luồng quan điểm
Mới xuất hiện một số ý kiến trong nội bộ Đức cho rằng bà Merkel nên thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc.
Quan điểm của Berlin đối với Trung Quốc đã trở nên phức tạp kể từ năm 2017, sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ và quan hệ giữa Mỹ và châu Âu (trong đó có Đức) xấu đi đáng kể.
Kể từ năm 2017, chính phủ Đức đã tích cực ngăn các hãng mang tính chiến lược của Đức - các hãng trong lĩnh vực công nghệ, khỏi bị các công ty Trung Quốc thâu tóm.
Các quan chức Đức cũng gây sức ép lên EU (với sự hậu thuẫn của Pháp và Italy) để áp dụng các hạn chế trong toàn vùng và các cơ chế kiểm tra đối với các nguồn đầu tư từ bên ngoài cũng như việc mua các hãng châu Âu cần được thực hiện bởi các “nhà đầu tư phi EU” (ám chỉ Trung Quốc).
Manfred Weber, một chính trị gia bảo thủ của Đức và là đồng minh của bà Merkel, đã phát biểu vào tháng 5 rằng cần có lệnh cấm 12 tháng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc đang mua các hãng của châu Âu do đại dịch Covid-19.
Ông Weber nói với một tờ báo Đức: “Chúng ta phải thấy rằng các công ty Trung Quốc, được nhà nước hỗ trợ một phần, đang ngày càng nỗ lực mua các công ty của châu Âu hiện có giá rẻ hoặc gặp khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng Covid-19”.
Nhưng giống như EU, Đức cơ bản không hứng thú theo đuổi cách tiếp cận kiểu Mỹ là đối đầu với Trung Quốc. Trên thực tế, các chính trị gia Đức vẫn cam kết với ý tưởng châu Âu phải tạo lập chỗ đứng riêng khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu ngày càng căng thẳng.
Thủ tướng Đức Merkel đã tại vị trong 16 năm qua và chính sách của bà đối với Trung Quốc cũng là chính sách của Đức đối với Trung Quốc.
Trong 4 ứng viên có thể thay thế Merkel khi bà kết thúc nhiệm kỳ, có 2 người ủng hộ đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc, 2 người còn lại thì theo đuổi quan điểm có tính hòa giải nhiều hơn giống Merkel. Như vậy chưa có gì chắc chắn hoàn toàn về quan điểm của Đức với Trung Quốc khi bà Merkel dự kiến sẽ rời khỏi chức vụ Thủ tướng vào năm 2021./.
Theo VOV.VN