Tiếng Việt | English

18/05/2020 - 17:16

EU quan ngại về hệ lụy từ chính sách hỗ trợ COVID-19 không nhất quán

Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về cạnh tranh, bà Margrethe Vestager bày tỏ quan ngại về "những khác biệt lớn" trong chính sách hỗ trợ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của các nước thành viên.


Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về cạnh tranh, bà Margrethe Vestager. (Nguồn: Getty Images)

Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) về cạnh tranh, bà Margrethe Vestager đã bày tỏ quan ngại về "những khác biệt lớn" trong chính sách hỗ trợ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của các nước thành viên, cho rằng những khác biệt này đã bắt đầu làm biến dạng thị trường chung đơn nhất của khối.

Trả lời phỏng vấn báo Sueddeutsche Zeitung của Đức, bà Vestager chỉ rõ rằng sự khác biệt về quy mô gói cứu trợ trong các nước thành viên làm nảy sinh nguy cơ thay đổi sự cạnh tranh và làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế do đại dịch COVID-19. Theo bà, trên thực tế, điều này đang diễn ra.

[Quan chức EU kêu gọi cấm Trung Quốc mua lại doanh nghiệp châu Âu]

Hiện chính sách hỗ trợ đại dịch COVID-19 của Đức - nền kinh tế số 1 châu Âu, chiếm hơn 50% giá trị gói cứu trợ khẩn cấp quốc gia được EU thông qua. Điều này đã làm dấy lên lo ngại nhiều nước với ngân sách hạn hẹp có thể không được hưởng những lợi thế cạnh tranh công bằng trong khối thị trường chung này.

Hồi đầu tháng 5, bà Vestager đã bày tỏ ý kiến cho rằng kế hoạch giải cứu của Đức đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 của nước này có thể gây ra phản ứng dây chuyền ở khắp các nước trong khối với tư cách là nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Về kế hoạch phục hồi kinh tế của EU, dự kiến công bố ngày 27/5, bà Vestager cho biết không có sự đảm bảo kế hoạch giải cứu sẽ được thông qua, song bà cho biết các quan chức đang cố gắng làm hết sức mình.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đình chỉ áp dụng các quy định hạn chế viện trợ từ giữa tháng 3, cho phép 27 nước thành viên tự "bơm" tiền hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 với tổng số tiền lên tới hơn 1.900 tỷ euro./.

Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết