Tiếng Việt | English

04/02/2019 - 09:45

Heo rừng trên đất đồng bằng

Tưởng chừng nuôi heo rừng chỉ có ở những vùng đồi núi, cao nguyên nhưng tại Long An cũng không quá khó để tìm được những hộ, đơn vị nuôi loài động vật có nguồn gốc hoang dã này. Heo rừng không khó nuôi, chỉ cần một bãi đất trống, rào chắn cẩn thận, thức ăn rau, cỏ có sẵn từ ao hồ,... là có thể nuôi một bầy hàng chục con.

Nuôi heo rừng không khó

Nuôi heo rừng không khó

1. Hơn 10 năm trước, trong lần lên Bình Dương chơi và tận mắt nhìn thấy đàn heo rừng da đen, lông dựng, mõm dài, nhanh nhẹn của một người thân, ông Đỗ Văn Đực, ngụ ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, rất thích thú. Cũng trong lần đó, được chủ nhà thết đãi thịt heo rừng, ông ấn tượng với món ăn thơm, ngon. Khi tìm hiểu, ông biết được, nuôi loài động vật hoang dã này không khó. Hơn nữa, chúng đã được thuần hóa, nhân giống qua nhiều thế hệ nên hiền chứ không hung dữ. Thế là, ông lấy toàn bộ số tiền 6 triệu đồng mang theo mua một cặp heo nái đem về nhà nuôi. Tận dụng mảnh vườn rộng 500m2 sau nhà, ông dựng chuồng nuôi heo. Chuồng trại cũng đơn giản, mái lợp lá cho mát và bao quanh chỉ là hàng rào thép B40. Do đây là loài động vật có nguồn gốc hoang dã nên chúng sống cũng rất hoang dã, có khi cả ngày nằm ngoài trời, lăn mình dưới sình đất. Không phụ sự kỳ vọng, 2 con heo nái đẻ ra một đàn heo hàng chục con, cứ thế, ông nhân giống và tăng đàn dần dần. Ông Đực cho biết, mỗi năm, 1 con heo nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 heo con. Tỷ lệ sống của heo con rất cao nên không mất bao lâu, ông đã có một bầy heo rừng. Tận dụng ao lớn sau nhà, ông thả rau muống để làm nguồn thức ăn chính cho đàn heo. “Ngoài rau muống, củ, quả, thỉnh thoảng tôi cũng mua xác đậu nành về làm thức ăn thêm cho heo. Còn cám công nghiệp thì tuyệt đối tôi không “đụng” đến vì sẽ làm thịt heo rừng không ngon và nhiều mỡ” - ông Đực cho biết.

10 năm qua, đàn heo rừng được ông duy trì thường xuyên từ 30-50 con. Hiện tại, ông nuôi hơn 40 con heo rừng, trong đó có 4 con nái. Thời gian qua, mỗi năm ông bán ra gần 100 con heo rừng, trọng lượng mỗi con từ 15-20kg. Theo ông Đực, heo rừng nuôi 6 tháng là bán được. Giá thương lái thu mua tại chuồng là 110.000 đồng/kg. Thịt heo rừng ngon, thơm, nạc nhiều, ăn không ngán nên được nhiều người ưa chuộng, thậm chí có mặt trong nhà hàng lớn. Những năm qua, ông Đực chẳng phải lo lắng đầu ra, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, giá cả ổn định. Ngoài bán cho thương lái, ông còn thường xuyên bán cho hàng xóm để tổ chức đám tiệc.

2. Ngoài chăn nuôi ở nông hộ thì heo rừng cũng thường được nuôi trong các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tỉnh. Tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành, tăng gia sản xuất luôn được đơn vị quan tâm, đây cũng là nhiệm vụ và được giao chỉ tiêu. Ngoài trồng rau, thanh long, nuôi cá thì nuôi heo luôn được đơn vị duy trì. Hiện nay, ở đơn vị có hệ thống chuồng nuôi gần 100 con heo, trong đó heo rừng được duy trì 30-40 con. Từ việc chăn nuôi heo, mỗi năm mang lại nguồn thu, cải thiện bữa ăn cho đơn vị. “Rau, cá, heo, thanh long ở đơn vị đều là những nguồn thực phẩm sạch, không hóa chất, không thuốc trừ sâu, chất cấm” - Trung tá Phan Văn Khiêm - Chủ nhiệm Hậu cần Kỹ thuật, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành, nói.

Ra khu đất phía sau đơn vị, tận mắt nhìn thấy đàn heo rừng gần 40 con (trong đó có 5 con nái) được nuôi trong khu vực bao quanh là hàng rào thép. Gần giữa trưa, trời tương đối nóng nhưng bầy heo rừng vẫn đang tắm mình trong sình đất, con nào con nấy đen thui, béo núc, lấm lem bùn đất, kêu ụt ụt. Khi thấy người đến gần, mấy con heo có vẻ hơi sợ nên kéo nhau nép vào hàng rào, có con chui vào trong khu vực lán để né tránh. Theo các cán bộ, chiến sĩ, vì có người lạ nên chúng mới nhút nhát như thế, còn với những chiến sĩ ở đây, nhất là những người được phân công chăn nuôi thì bầy heo đã quen hơi nên rất dạn dĩ. Khi chúng tôi lấy một mớ lục bình từ cái ao nuôi cá của đơn vị ở kế bên quăng ra giữa nền đất thì đàn heo lập tức chạy lại tranh nhau ăn. Ngoài nuôi bán, đơn vị còn cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ. Cứ vào dịp lễ, tết, đơn vị mổ thịt hoặc quay 2-3 con heo rừng để cải thiện bữa ăn, có khi còn làm quà gửi tặng anh em cán bộ, chiến sĩ mang về nhà ăn tết. 

Heo rừng dễ thiêu thụ, giá cả tương đối ổn định, ít biến động

Heo rừng dễ thiêu thụ, giá cả tương đối ổn định, ít biến động

Nuôi heo rừng tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Châu Thành được duy trì nhiều năm qua. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên đơn vị cũng lo lắng nhưng dần dần thấy heo rừng rất dễ nuôi nên cứ nối đàn. Các chiến sĩ còn lên mạng tìm hiểu thêm kỹ thuật nuôi heo rừng nên đàn heo càng phát triển tốt. Nếu heo có biểu hiện, triệu chứng lạ thì đơn vị nhanh chóng liên hệ nhân viên thú y đến xem, xử lý kịp thời. Hiện đàn heo rừng trở thành trung tâm sự chú ý ở khu vực chăn nuôi của đơn vị, bởi ai đến đây cũng đều đứng lại xem, hỏi thăm./.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết