Tiếng Việt | English

27/04/2023 - 19:52

Hiệu quả Chương trình Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Ý thức người dân về phòng, chống bệnh dại tăng lên; tạo tiền đề tiến đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại;... là ý nghĩa, hiệu quả của Chương trình Tiêm phòng dại vì cộng đồng được triển khai tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An trong thời gian qua.

Chương trình hỗ trợ huyện Đức Huệ 29.300 liều vắc-xin phòng bệnh dại

Bệnh dại là bệnh truyền từ động vật sang người do virút gây ra chủ yếu từ chó, mèo nuôi. Bệnh có tỷ lệ tử vong trên người cao, nếu không được can thiệp sớm và đúng cách. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung bình hàng tháng, toàn tỉnh có trên 1.000 người tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Điều này cho thấy lượng người bị chó, mèo cắn và nguy cơ tiềm ẩn bệnh dại khá cao.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Hiện nay, tâm lý người dân vẫn còn chủ quan trong việc nuôi chó, mèo và kiến thức hiểu biết về bệnh dại còn hạn chế, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và biên giới. Trong khi đó, người dân khu vực nông thôn nuôi chó, mèo với mục đích giữ nhà, giữ trại chăn nuôi theo phương thức thả rông. Từ năm 2019-2021, tỉnh có 7 trường hợp người bị tử vong do bệnh dại. Đa số ca tử vong trên người đều rơi vào các trường hợp chó, mèo cắn nhưng không đi tiêm phòng do còn giữ lối suy nghĩ “chó, mèo nhà nên không sao” hoặc hiểu biết về bệnh dại còn hạn chế, chỉ thực hiện rửa vết thương, “lấy nọc” theo phương pháp dân gian”.

Đức Huệ là huyện biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đây cũng là huyện có số lượng lớn chó, mèo với trên 7.700 con (năm 2022) nhưng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại rất thấp, nhất là năm 2019, huyện có 1 trường hợp tử vong trên người do bệnh dại. Cụ thể, năm 2018, huyện tiêm phòng 2.200 con; năm 2019 tiêm trên 3.100 con và năm 2020 tiêm trên 3.400 con. Với số liệu này, công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên chó, mèo tại huyện Đức Huệ chưa đạt kế hoạch đề ra. Trước những khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn huyện Đức Huệ làm điểm thực hiện Chương trình Tiêm phòng dại vì cộng đồng với sự đồng hành, hỗ trợ của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM và Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Lê Văn Nên thông tin: “Năm 2023 là năm thứ 3, Chương trình Tiêm phòng dại vì cộng đồng được triển khai trên địa bàn huyện, với mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030 theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Đến năm 2023, chương trình hỗ trợ huyện 19.300 liều vắc-xin phòng bệnh dại; đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động như truyền thông về phòng, chống bệnh dại; trồng cây xanh trên các tuyến đường; ký kết biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học Một sức khỏe dựa trên thực địa giai đoạn 2022-2031; khám bệnh miễn phí cho người dân địa phương; khám bệnh và tư vấn miễn phí cho người nuôi chó, mèo,... Qua đây, ý thức người dân về phòng, chống bệnh dại được nâng cao, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới”.

Mục đích tiêm phòng dại là bảo vệ tính mạng cho người trong gia đình và cộng đồng xã hội; tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự giảm thiệt hại, chi phí cho chủ nuôi và người bị chó cắn. Hiểu được điều này, chị Võ Thị Ngọc Loan (xã Mỹ Quý Tây) chủ động mang 3 con chó đến khám bệnh, tư vấn miễn phí và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện. Chị Loan chia sẻ: “Nghe có đoàn đến khám bệnh, tư vấn và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại miễn phí, tôi tranh thủ thời gian mang 3 con chó đến ngay. Đến đây, tôi còn được tư vấn, hướng dẫn về cách xử lý vết thương khi bị chó cắn và cách phòng bệnh dại trên chó, mèo bằng cách tiêm vắc-xin. Chúng tôi rất phấn khởi khi chương trình được triển khai trên địa bàn huyện”.

Để phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của bệnh dại thì việc quản lý và tiêm phòng cho đàn chó, mèo là một giải pháp có tính quan trọng hàng đầu. Thông qua Chương trình Tiêm phòng dại vì cộng đồng, huyện Đức Huệ đang nỗ lực thực hiện tốt điều này./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết