Tiếng Việt | English

11/07/2017 - 19:50

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7

Hiệu quả từ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

“Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh” là chủ đề của Ngày Dân số thế giới 11/7/2017, được tổ chức từ ngày 01/7 đến ngày 30/7/2017 trong cả nước…

Hiệu quả đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình

Long An được đánh giá là điểm sáng trong cả nước về công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Số con trung bình của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã ổn định mức 2 con trong thời gian dài.

Phong trào thực hiện KHHGĐ phát triển mạnh, rộng khắp tận vùng sâu, vùng xa. Mô hình gia đình 02 trở thành tiêu chí phổ quát trong đời sống xã hội. Chất lượng dân số được quan tâm với nhiều chương trình, dự án được triển khai về sàng lọc trước sinh, sau sinh, sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, SKSS tiền hôn nhân, tầm soát ung thư tử cung,…. Có nhiều mô hình hay, sáng tạo về DS-SKSS/KHHGĐ được các ngành, đoàn thể triển khai, cho thấy tính xã hội hóa rộng lớn của phong trào này.

Đặc biệt, chính sách DS-KHHGĐ của Long An nhiều năm qua được Trung ương đánh giá là rất ưu việt, thể hiện sự quan tâm đầu tư của chính quyền và là đòn bẩy của công tác DS-KHHGĐ.

Đầu tư vào KHHGĐ chính là thực hiện đầu tư nhằm cải thiện sức khỏe và góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ và các cặp vợ chồng. Sự đầu tư này mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác, có vai trò làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), chi tiêu một USD cho các dịch vụ tránh thai sẽ giúp làm giảm 1,47 USD các chi phí chăm sóc trước sinh – bao gồm cả việc chăm sóc cho phụ nữ nhiễm HIV.

Kế hoạch hóa gia đình là một phần nội dung quyền con người

Theo UNFPA, Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 đã đánh dấu một sự chuyển biến về định hướng/mô hình trong lĩnh vực dân số và phát triển, thay thế phương pháp tiếp cận dựa trên nhân khẩu học, bằng phương thức tiếp cận cho phép các cá nhân và các cặp vợ chồng được quyền tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định số con và thời điểm khi nào sinh con.

Phương pháp tiếp cận dựa trên quyền đã giúp nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đạt những kết quả phi thường trong lĩnh vực chăm sóc SKSS/sức khỏe tình dục và KHHGĐ. Hàng triệu phụ nữ đã được trao quyền và nâng cao vị thế, làm cơ sở cho phép họ có thể đưa ra các quyết định sinh ít con hơn và có thể sinh con muộn hơn. Nhờ đó, phụ nữ có nhiều cơ hội học tập hơn, nhiều cơ hội kiếm sống tốt hơn và có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo.

Kế hoạch hóa gia đình và trẻ em gái vị thành niên

UNFPA thông tin, tính tới thời điểm năm 2015, có khoảng 12,7 triệu trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 sinh sống tại các nước đang phát triển có nhu cầu về KHHGĐ chưa được đáp ứng. Ở các quốc gia đang phát triển, ước tính hàng năm có khoảng 14,5 triệu trẻ em gái trong cùng lứa tuổi này đã sinh con.

Khi phụ nữ và trẻ em gái có thể tự do quyết định việc có sinh con hay không, thời điểm sinh con và số con mong muốn, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để có thể tìm kiếm các công việc được trả lương và tăng mức thu nhập cho gia đình.

Khi phụ nữ tiếp cận được với các nguồn lực trong sản xuất, thì sức khỏe của họ được chăm sóc tốt hơn, họ có thể đạt trình độ học vấn cao hơn và ít phải gánh chịu bạo lực từ người chồng/bạn tình hơn.

Những tác động tích cực này cũng hoàn toàn đúng đối với thế hệ con cái của những phụ nữ này. Các em gái kết hôn muộn hơn sẽ có cơ hội hoàn thành các bậc học cao hơn và số năm đi học ở phụ nữ sẽ tỷ lệ nghịch với số con họ sinh (số năm đi học càng nhiều thì số con càng ít).

Chính vì vậy, đầu tư vào KHHGĐ sẽ giúp phụ nữ nâng cao vị thế của mình hơn, giúp họ và gia đình được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, được giáo dục tốt hơn và góp phần tạo ra nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Tăng cường hoạt động truyền thông

Mặc dù đạt nhiều kết quả trong công tác DS-KHHGĐ, tuy nhiên, tỉnh Long An đang tập trung giải quyết nhiều vấn đề như: Mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng nạo, phá thai ở độ tuổi vị thành niên/thanh niên, SKSS cho đối tượng công nhân, chất lượng dân số thấp,…

Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ của tỉnh vẫn là tuyên truyền, vận động kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Trong đó, việc tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ, các hoạt động cao điểm nhân kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7, Dân số Việt Nam là biện pháp quan trọng.

Các thông điệp tuyên truyền công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác DS-KKHGĐ tỉnh – Lê Tấn Dũng, hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7/2017 được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác DS-SKSS đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Qua đó, tăng cường sự tham gia phối hợp đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Long An từ năm 2016 đến năm 2020.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một nội dung của công tác dân số

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về DS-SKSS góp phần đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm tốc độ gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, tăng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt là vấn đề chăm sóc SKSS vị thành niên/thanh niên.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh – Trần Thị Liễu cho biết: Trong cao điểm hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7/2017, nhiều hoạt động truyền thông thay đổi hành vi sẽ được triển khai ở các cấp, nhất là cơ sở, trọng tâm là các hoạt động hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc SKSS vị thành niên/thanh niên, mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tác hại của nạo phá thai, sức khỏe bà mẹ và trẻ em; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,… nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, chuyển đổi trong hành vi, tạo môi trường đồng thuận để thu hút toàn dân tích cực tham gia hoàn thành các chương trình mục tiêu DS-SKSS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.

Vài số liệu thực tế về lợi ích của KHHGĐ:

- Vào năm 2016, các biện pháp tránh thai do UNFPA cung cấp có khả năng ngăn ngừa được 11,7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, gần 3,7 triệu ca nạo phá thai không an toàn và góp phần ngăn ngừa khoảng 29.000 ca tử vong mẹ.

- Tiếp cận phổ cập với các dịch vụ KHHGĐ tự nguyện có thể giảm 1/3 số ca tử vong mẹ và giảm 20% tỷ lệ tử vong trẻ em.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết