Tiếng Việt | English

11/07/2017 - 15:15

Kế hoạch hóa gia đình - Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh

Công tác dân số (DS) là bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước. Thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe người dân mà còn thúc đẩy bình đẳng giới và là động lực phát triển KT-XH.


Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về kế hoạch hóa gia đình

KHHGĐ góp phần phát triển KT-XH

DS-KHHGĐ có vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An - Võ Văn Thắng thông tin: “Nhờ thực hiện DS-KHHGĐ mà trong 16 năm (2001- 2016), Long An hạn chế khoảng 30.000 trường hợp sinh mới, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người. Đồng thời, cơ cấu DS trẻ chuyển sang cơ cấu DS vàng khi tỷ lệ DS trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi tăng dần, từ 47% (năm 2001) tăng lên 59% (năm 2016), có nghĩa là trước đây, 1,8 người phải nuôi 1 người thì nay, 2,5 người chỉ nuôi 1 người.

Không chỉ vậy, thực hiện tốt KHHGĐ giúp chất lượng DS được nâng lên. Tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi giảm đáng kể (chết dưới 1 tuổi dưới 10‰, dưới 5 tuổi dưới 12‰); tỷ lệ chết của người mẹ liên quan đến thai sản giảm còn dưới 20/100.000. Nhờ hạn chế được tốc độ phát triển DS nên giảm áp lực cho ngành Y tế, Giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trình độ dân trí, góp phần rất lớn vào các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước”.

Thời gian qua, ngành DS đẩy mạnh truyền thông, chuyển đổi hành vi cho phụ nữ và nam giới về chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện tốt KHHGĐ. Việc thực hiện công tác này không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành DS mà còn có sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, ủng hộ từ người dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa - Lê Quốc Thi cho biết: “DS-KHHGĐ có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương, nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa vì ý thức người dân còn hạn chế. Vì vậy, Ban DS-KHHGĐ xã luôn chú trọng tuyên truyền, vận động, tích cực phối hợp, lồng ghép các mục tiêu về DS-KHHGĐ vào hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể: UBMTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,... Từ đó, từng bước thay đổi quan niệm của người dân, xóa bỏ bất bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm nay cũng là năm thứ 3, Bình Hòa Đông duy trì thành tích xã không có người sinh con thứ 3 trở lên”.

Nhờ công tác tuyên truyền, người dân hiểu rõ mục đích của việc KHHGĐ và lợi ích của việc sinh ít con. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Tấn Vũ và chị Lê Thị Len (ngụ ấp 4, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ), dù có 2 con gái nhưng anh chị vẫn không sinh thêm để có điều kiện chăm lo cho các con chu đáo. Năm nay, con gái lớn của anh chị vừa tham dự kỳ thi THPT quốc gia và đạt kết quả khá tốt, con gái nhỏ là học sinh giỏi nhiều năm liền. Mẹ của anh Vũ, bà Võ Thị Mỹ chia sẻ: “Tôi không quan niệm phải có cháu đích tôn nối dõi tông đường và không gây áp lực với các con. Hai cháu nội gái rất hiếu thuận, chăm ngoan và là niềm tự hào của cả gia đình!”.


Sàng lọc trước sinh, sơ sinh để trẻ sinh ra được khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số

Truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới

Nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của KHHGĐ, chủ đề kỷ niệm Ngày DS Thế giới 11-7 năm nay chính là “KHHGĐ: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh”, cùng các tỉnh, thành trên cả nước, Long An thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động hưởng ứng sự kiện này từ ngày 01 đến 30-7-2017.

Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Trần Thị Liễu: Long An tập trung phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; phổ biến các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; Luật Bình đẳng giới; nêu cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội. Ngoài ra, chú trọng phổ biến các thông tin về sự ảnh hưởng của việc gia tăng DS nhanh, già hóa DS; tác động của mất cân bằng giới tính khi sinh đến chất lượng cuộc sống con người. Đặc biệt, các mô hình, kinh nghiệm hay trong việc giải quyết hiệu quả công tác DS - sức khỏe sinh sản; chăm sóc sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên, vị thành niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và nâng cao kiến thức, kỹ năng sống cho vị thành niên, thanh niên,... cũng được chú trọng truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân.

Trong tháng 7-2017, ngành tăng cường cung cấp các thông tin, kiến thức về DS Việt Nam, DS Long An; các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS, lợi ích của tư vấn kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tác hại của nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; sức khỏe bà mẹ và trẻ em;... đến cộng đồng dân cư. Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, chuyển đổi hành vi, thu hút toàn dân tích cực tham gia các chương trình mục tiêu DS-sức khỏe sinh sản.

Thực hiện KHHGĐ chính là giải pháp quan trọng góp phần làm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giải tỏa tâm lý muốn sinh con trai để nối dõi, góp phần giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, giảm đáng kể tình trạng nạo phá thai, hạn chế tình trạng gia tăng DS cũng như giảm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì vậy, KHHGĐ không chỉ là nhiệm vụ của nữ giới mà nam giới cần tích cực tham gia, góp phần chia sẻ cùng phụ nữ trong thực hiện KHHGĐ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc - là “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển KT-XH đất nước trong tương lai.

* Phó Giám đốc Sở Y tế - Võ Văn Thắng:

“Phát huy những kết quả, công tác DS-KHHGĐ cần tập trung vào các mục tiêu nâng cao chất lượng DS; cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý. Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu DS và phân bố dân cư, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

Để đạt mục tiêu này, ngành Y tế tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh chỉ đạo cấp ủy Đảng, HĐND các cấp ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác DS - sức khỏe sinh sản thành một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, dịch vụ cho đội ngũ nhân viên y tế, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn trong thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Bên cạnh đó, ngành chú trọng đầu tư đồng bộ các trang thiết bị y tế, phương tiện tránh thai; nâng cao trách nhiệm, vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Ngành đề xuất chính sách khuyến khích các cơ sở ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, đồng thời, ổn định tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn; tăng cường kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm các mô hình, đề án triển khai”.

* Công tác DS-KHHGĐ thời gian qua trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Tỷ suất sinh thô giảm từ 17,93‰ vào năm 2001 xuống còn 13,13‰ năm 2016. Tương tự, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 13,73% xuống còn 3,3%. Long An duy trì mức sinh thay thế từ năm 2003 đến nay, việc sinh đẻ của các cặp vợ chồng từ tự nhiên chuyển sang có ý thức, thực hiện mô hình gia đình ít con./.

Ngọc Mận - Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết