Tiếng Việt | English

10/10/2024 - 08:58

Hiệu quả từ phân loại rác tại nguồn

Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn (PLRTSHTN) nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường; giảm thiểu lượng chất thải và bảo vệ môi trường (BVMT) ngay tại nguồn, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc PLRTS​HTN còn góp phần tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác, mang lại hiệu quả kinh tế.

Người dân từng bước thay đổi thói quen, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn

TP.Tân An hướng tới 100% hộ gia đình phân loại rác tại nguồn trong năm 2025

Thông tin từ TP.Tân An, thực hiện Luật BVMT, đối với công tác phân loại rác tại nguồn, được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chọn TP.Tân An thực hiện thí điểm từ năm 2020 tại phường 3. Đến năm 2022, qua tổng kết, PLRTS​HTN nhận được sự đồng thuận cao của người dân với hơn 85% người tham gia thực hiện.

Từ kết quả này, UBND thành phố xây dựng Kế hoạch số 3159/KH-UBND, ngày 26/7/2022 triển khai, thực hiện, nhân rộng phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố đối với 7 phường nội thị và kế hoạch PLRTS​HTN giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu 100% xã, phường trên địa bàn thành phố có kế hoạch, phương án tổ chức, triển khai, thực hiện công tác PLRTS​HTN, thu gom và xử lý chất thải rắn; 100% khu phố, ấp PLRTS​HTN và hơn 90% hộ gia đình trên địa bàn phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả.

Trong đó, UBND TP.Tân An đề ra lộ trình thực hiện cụ thể với mốc thời gian từ tháng 7/2023, triển khai PLRTS​HTN trên địa bàn toàn thành phố và đến năm 2025 bảo đảm 100% hộ gia đình thực hiện tốt PLRTS​HTN.

Theo Phó Trưởng phòng TN&MT TP.Tân An - Trần Thị Hằng Nga, để thực hiện kế hoạch PLRTS​HTN giai đoạn 2023-2025, cả hệ thống chính trị thành phố tập trung lãnh, chỉ đạo công tác phân loại rác tại nguồn; thành lập các tổ tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra phân loại rác ở từng xã, phường.

Để tạo đồng thuận trong nhân dân, thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, in tờ bướm hướng dẫn phân loại và lịch thu gom từng loại rác đến từng hộ dân trên địa bàn thành phố và tại 82 trụ sở ấp, khu phố. Đồng thời, thành phố tổ chức các hội thi tìm hiểu Luật BVMT và công tác thực hiện phân loại rác; thực hiện và nhân rộng các mô hình đối với 14 xã, phường như Môi trường thân thiện - thiện nguyện sẻ chia, Ủ rác thải thành phân hữu cơ, Ngôi nhà xanh nhằm nâng cao ý thức của các hộ dân về phân loại rác tại nguồn, kiểm soát rác thải nhựa, góp phần xây dựng thành phố thân thiện, văn minh, hiện đại.

Qua công tác thông tin, tuyên truyền đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về phân loại rác tại nguồn. “Đến thời điểm hiện tại, qua đánh giá, công tác phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố đạt 94,2%” - bà Trần Thị Hằng Nga cho biết.

Tại phường 4, TP.Tân An, theo Bí thư Chi bộ khu phố Bình Quân 3 - Lê Thị Bế, từ cuối tháng 7/2023, khu phố đồng loạt triển khai tuyên truyền về PLRTS​HTN đến tất cả các hộ dân. Ngoài tuyên truyền lồng ghép các buổi sinh hoạt chung, khu phố còn phát tờ bướm hướng dẫn cách phân loại rác thải sinh hoạt đến từng hộ dân cũng như lịch thu gom từng loại rác trong tuần; hướng dẫn các hộ dân trang bị ít nhất 2 thùng rác có nắp đậy để phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Đến nay, cơ bản người dân thay đổi nhận thức trong PLRTS​HTN. Riêng trong nhiệm kỳ tới, Chi bộ khu phố cũng đưa thực hiện 100% PLRTSHTN vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Chi bộ.

Ông Nguyễn Văn Tùng (phường 4, TP. Tân An) nói: “Lúc đầu, việc phân loại rác tại gia đình cũng bất tiện nhưng nhận thức được ý nghĩa của PLRTSHTN nên gia đình tôi dần thay đổi thói quen. Chỉ cần mỗi người dân có ý thức, trách nhiệm trong phân loại rác thải, tôi tin rằng thành phố sẽ ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn”.

Nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác hữu cơ thành phân compost tại huyện Vĩnh Hưng mang lại hiệu quả, nhận được sự đồng thuận trong nhân dân

Cùng với TP.Tân An, thực hiện Luật BVMT, hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đồng loạt triển khai các mô hình PLRTS​HTN hiệu quả. Huyện Vĩnh Hưng đang phối hợp Tổ chức WWF thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị.

Trong quá trình thực hiện mô hình, UBND xã Thái Trị và thị trấn Vĩnh Hưng thành lập tổ giám sát gồm 77 người và cán bộ chủ chốt tại địa phương khoảng 400-450 người. Tất cả những người tham gia đều được tập huấn theo chương trình phân loại rác của Tổ chức WWF.

Trong phân loại rác, chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương được phân thành chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải còn lại. Bước đầu, việc thực hiện mô hình giúp giảm thiểu khoảng 15% lượng rác thải nhựa ra môi trường, có khoảng 60-70% hộ dân tham gia phân loại rác.

Bên cạnh đó, sau khi phân loại, nhiều hộ dân xử lý rác hữu cơ thành phân compost sử dụng cho trồng trọt, giảm lượng rác thải phải chôn lấp. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn huyện, việc thu gom, xử lý chất thải rắn cũng được thực hiện với công nghệ xử lý ủ compost tại nhà máy xử lý rác thải huyện Vĩnh Hưng.

Còn tại huyện Thủ Thừa, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác liên tịch như xây dựng kế hoạch với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể của huyện như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện Đoàn, Hội Cựu chiến binh,... phối hợp tuyên truyền, tập huấn các văn bản liên quan đến PLRTS​HTN, triển khai Luật BVMT nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác BVMT, giảm lượng rác thải phát sinh.

Hay tại các huyện: Châu Thành, Cần Giuộc, Bến Lức, các đoàn thể cũng triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn hiệu quả để đoàn viên, hội viên tham gia.

PLRTS​HTN có vai trò, ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường; giảm thiểu lượng chất thải và BVMT ngay tại nguồn, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. PLRTS​HTN còn góp phần tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác, mang lại hiệu quả kinh tế./.

Cần sớm hoàn thiện chuỗi từ phân loại, thu gom đến xử lý rác

Qua thực tế PLRTS​HTN, hiện nay, trên địa bàn TP.Tân An cũng như một số địa phương cho thấy vẫn còn hạn chế nhất định, chưa đạt kết quả như mong đợi. Riêng tại TP.Tân An, công tác PLRTS​HTN chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra do hiện nay chưa hoàn thiện chuỗi thực hiện từ phân loại, thu gom đến xử lý rác.

Rác phân loại hiện nay chủ yếu được thu gom bằng xe ép rác bình thường, chỉ thay đổi logo rác hữu cơ, vô cơ để người dân phân biệt, nhớ lịch thu gom và vận chuyển về bãi rác Tâm Sinh Nghĩa để đốt hoặc chôn lấp chứ không sử dụng rác được phân loại. Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa chấp hành tốt việc phân loại rác tại nguồn.

Bà Trần Thị Hằng Nga cho rằng, bên cạnh giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp không phân loại rác tại nguồn, TP.Tân An kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Công ty Tâm Sinh Nghĩa đầu tư hoàn chỉnh công đoạn sản xuất phân từ rác hữu cơ sau khi phân loại để công tác phân loại rác sinh hoạt đạt hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết