Tiếng Việt | English

03/10/2024 - 11:19

Phân loại rác tại nguồn vì môi trường sống sạch, đẹp

Từ ngày 31/12/2024, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn. Nếu không thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng. Thời gian qua, các cấp, các ngành cũng đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn.

Không phân loại rác tại nguồn sẽ bị phạt

Theo thống kê, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển, xử lý trên địa bàn tỉnh Long An dao động từ 800-850 tấn/ngày, dự đoán sẽ tăng lên theo thời gian, gây áp lực cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Việc quản lý rác thải được tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Nghị quyết số 05, ngày 16/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 ở khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%.

Phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích

Để thực hiện chỉ tiêu trên, các cấp, các ngành, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách môi trường cấp huyện, cấp xã và đại diện các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường. Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án quản lý chất thải rắn tỉnh do Tổ chức WWF - Việt Nam hỗ trợ, những năm gần đây, tỉnh thí điểm phân loại rác tại nguồn ở một số địa bàn của TP.Tân An và huyện Vĩnh Hưng. Thực hiện mô hình, đơn vị đã tài trợ phương tiện thu gom rác hữu cơ sau phân loại là túi đựng rác và thùng rác tại hộ gia đình; máy móc, thiết bị cho quy trình sản xuất phân compost;...

Những cách thức, biện pháp thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn đã mang lại kết quả khả quan, tích cực. Phân loại rác thải tại nguồn góp phần giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý; đồng thời, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022), rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 nhóm: Rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác. Trong đó, phân loại rác tại nguồn được luật hóa, theo quy định phải thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng. Quy định này trong luật sẽ góp phần tạo những bước chuyển biến tích cực trong bảo vệ môi trường, phân loại rác.

Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu và giám sát chặt tần suất và thời gian thu gom đối với từng loại chất thải đã được phân loại đúng quy định tại Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND, ngày 02/6/2023 của UBND tỉnh quy định về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tránh để xảy ra trường hợp người dân phân loại nhưng công tác thu gom, vận chuyển rác không đúng quy định.

Ngày 02/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND quy định về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định này, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, kim loại, nhựa, thủy tinh, cao su, nylon, nhóm tương đương khác); chất thải thực phẩm (nhóm thức ăn thừa; lá cây, rau, củ, quả; vỏ, hạt trái cây; bã mía, bã trà, cà phê; xác động vật; thủy sản, vỏ tôm, cua, trứng; nhóm tương đương khác); chất thải rắn sinh hoạt khác (các loại chất thải rắn sinh hoạt còn lại).

Tiêu chí phân loại đạt khi thành phần chất thải thực phẩm hoặc thành phần chất thải rắn sinh hoạt khác lẫn dưới 10% khối lượng chất thải khác nhóm trong danh mục nhóm chất thải phân loại theo quy định.

Theo quy định này, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bố trí 3 khu vực/thùng chứa khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau.

Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Quy định này cũng quy định cụ thể tuyến đường, thời gian và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, tần suất và địa điểm thu gom, vận chuyển.

Bên cạnh đó, quy định cũng phân công, nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan như hộ gia đình, cá nhân; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra, quy định nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành, UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí ở tỉnh và các địa phương. Trong đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp triển khai, thực hiện quy định này.

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Để Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể là quy định phải phân loại rác tại nguồn đi vào cuộc sống, thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, hướng dẫn người dân thu gom, phân loại, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải tại nguồn bảo đảm theo đúng quy trình, quy định. Những nội dung tuyên truyền được triển khai đa dạng bằng nhiều hình thức.

Theo bà Nguyễn Thị Lan (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An), được các đoàn thể địa phương tuyên truyền, bà hiểu hơn về ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn. Điều đó không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn bảo vệ sức khỏe, tạo ra lợi ích kinh tế, xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen phân loại rác thì cần phải kiên trì và đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết, tự giác chấp hành.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức - Nguyễn Quốc Hùng, dân số của xã khoảng 18.000 người nên địa phương, nhất là các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thời gian qua, địa phương cố gắng thực hiện tốt công tác thu phí rác bảo đảm theo quy định. Các đoàn thể đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường ở các khu dân cư. Qua đó, người dân nâng cao ý thức và hiểu hơn về tác hại của chất thải nhựa; nhiều người tích cực tham gia các hoạt động thu gom rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nylon, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường;...

Từ ngày 31/12/2024, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn

“Để thực hiện quy định phải phân loại rác tại nguồn, thời gian qua, địa phương tập trung tuyên truyền tại các khu dân cư, khu nhà trọ. Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định này được triển khai bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp, khẩu hiệu, panô, sinh hoạt, hệ thống truyền thanh, mạng xã hội,... Đặc biệt, địa phương thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên tiên phong, nêu gương trong thực hiện nghiêm quy định phân loại rác tại nguồn để người khác noi theo” - ông Nguyễn Quốc Hùng thông tin.

Tại TP.Tân An, thời gian qua, chương trình phát thanh của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh (VHTT&TT) thành phố dành nhiều thời lượng để tuyên truyền quy định phân loại rác tại nguồn để người dân nắm biết, thực hiện.

Ngoài các bản tin, Trung tâm VHTT&TT thành phố còn xây dựng các câu chuyện truyền thanh tuyên truyền ý nghĩa và lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn. Hiện thành phố có 14 đài truyền thanh xã, phường, 71 trạm truyền thanh ấp, khu phố. Theo đó, các thông tin đều được tuyên truyền kịp thời đến người dân vào giờ phát sóng hàng ngày. Cụ thể, sáng từ 5 giờ 30 phút đến 6 giờ và chiều từ 17 giờ 30 phút đến 18 giờ.

“Thời gian tới, Trung tâm VHTT&TT thành phố tiếp tục duy trì tuyên truyền quy định phân loại rác tại nguồn. Đây cũng là nội dung quan trọng góp phần chung tay xây dựng TP.Tân An xanh, sạch, đẹp” - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TT TP.Tân An - Nguyễn Phương Quang cho biết.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý theo chế tài thì người dân cho rằng, để phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả phải đồng bộ nhiều bước, kể cả thu gom, vận chuyển và đưa đi xử lý. Nếu phân loại tại nguồn nhưng các loại rác vẫn được gom chung xe, chung ngăn lẫn lộn thì bằng không.

Theo bà Lê Thị Thu Minh (huyện Bến Lức), qua báo chí và các ngành, đoàn thể tuyên truyền, bà nắm được quy định từ ngày 31/12/2024 không phân loại rác tại nguồn sẽ bị phạt. Quy định pháp luật đã có, đã rõ, thời gian thực hiện cũng đã cận kề nhưng để thay đổi thói quen cũ và chấp hành tốt phân loại rác tại hộ gia đình một cách tự giác thì có lẽ không dễ dàng.

“Cùng với thực hiện quy định của pháp luật thì các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng. Việc này cần trở thành ý thức, hành động, việc làm thường xuyên, nghiêm túc” - bà Thu Minh nói./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết