Tiếng Việt | English

27/10/2022 - 08:53

Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử

Trên địa bàn tỉnh Long An, đã có nhiều doanh nghiệp (DN) được Sở Công Thương hỗ trợ thiết kế, xây dựng, quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) vào hoạt động kinh doanh.

Nước mắm Vĩnh Hương có đến 30 loại khác nhau

Quảng bá thương hiệu

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, Sở đã hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh. Hoạt động này nhằm hỗ trợ các DN nhanh chóng làm quen và tham gia vào môi trường kinh doanh trực tuyến. DN trực tiếp giới thiệu những thông tin, hình ảnh, sản phẩm đến đông đảo khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh và trên toàn cầu.

Theo kế hoạch, có 20 DN được hỗ trợ xây dựng gian hàng trên sàn giao dịch TMĐT. DN được hỗ trợ thiết kế, xây dựng sàn TMĐT nhằm xúc tiến bán buôn, bán lẻ hàng hóa; xây dựng quy chế quản lý và vận hành; đăng ký sàn giao dịch TMĐT với Bộ Công Thương; kết nối với Trục TMĐT quốc gia; tư vấn, hỗ trợ DN đưa thông tin lên sàn giao dịch TMĐT; khởi tạo fanpage quảng bá sàn; đăng ký với công cụ tìm kiếm Google.

Hộ kinh doanh bánh tráng Cô Út (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) sản xuất, kinh doanh bánh tráng trộn nhiều năm nay. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất, bán ra thị trường vài tấn bánh đến TP.HCM, các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên,... Để có thị trường ổn định như hiện nay, cơ sở phải tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đồng thời, cơ sở cũng đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ sản xuất như máy trộn bánh, máy chiết rót gia vị, máy đóng gói.

Bánh tráng trộn Cô Út

Anh Bùi Thanh Lâm - chủ Cơ sở bánh tráng Cô Út, cho biết, hiện cơ sở có thể sản xuất ra 80 loại bánh tráng trộn khác nhau với đủ màu sắc, hương vị. Đó là kết quả của việc tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo. Cũng nhờ vậy mà bánh tráng thương hiệu Cô Út được UBND tỉnh công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021. Ngoài ra, sản phẩm còn được chứng nhận Thương hiệu vàng chất lượng quốc tế năm 2022, đạt top 10 Thương hiệu tiêu biểu phát triển bền vững.

Cũng theo anh Bùi Thanh Lâm, bánh tráng Cô Út vang danh như hiện nay bởi người tiêu dùng truyền tai nhau. Đặc biệt, thời gian qua, được sự kết nối từ Sở Công Thương, cơ sở tham gia nhiều hội chợ triển lãm (HCTL), quảng bá sản phẩm tại nhiều nơi. Chính nhờ đó mà sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến từ người tiêu dùng bán lẻ cho đến các mối lấy sỉ. Được sự hỗ trợ từ Sở Công Thương, cơ sở xây dựng sàn giao dịch TMĐT trên 6 kênh bán hàng. Hiện sản phẩm đã bán được trên kênh Voso. Tuy giá trị bán ra trên kênh này chưa nhiều nhưng cơ hội quảng bá lớn.

Tăng khả năng cạnh tranh

Nước mắm Vĩnh Hương, (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) vốn là cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống từ rất lâu. Sản phẩm nước mắm được bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh thông qua các đại lý bán lẻ bình quân từ 300-400 lít/ngày. Sản phẩm hiện có hơn 30 loại với nhiều thể tích khác nhau, từ 10-45 độ đạm.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - chủ Cơ sở sản xuất nước mắm Vĩnh Hương, cho biết, được sự hỗ trợ từ Sở Công Thương, cơ sở xây dựng trang bán hàng TMĐT. Bước đầu đã có khách hàng đặt sản phẩm. Đơn hàng nhiều nhất ở TP.HCM. Ông Sơn cho rằng, khách hàng tại TP.HCM đặt mua nước mắm do đã có dịp mua thông qua các lần cơ sở tham gia HCTL. Khi sản phẩm được giới thiệu lên sàn TMĐT, khách hàng tìm mua. Điều này chứng tỏ sản phẩm truyền thống vẫn níu chân khách hàng. Khi sản phẩm được hỗ trợ bán hàng thông qua sàn TMĐT sẽ được nâng tầm hơn. Qua đó, tạo điều kiện để cơ sở quảng bá sản phẩm nhiều hơn, tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Bởi thời gian qua, nước mắm truyền thống “lép vế” trước sản phẩm công nghiệp, đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, trước tác động bởi đại dịch Covid-19, bán hàng qua sàn TMĐT giúp cơ sở có cơ hội thay đổi thói quen bán hàng và dần thích ứng với công nghệ 4.0 nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội lớn để nước mắm Vĩnh Hương quảng bá sản phẩm và mong  muốn tìm đến khách hàng tiềm năng như nhà hàng, quán ăn.

Những năm gần đây, ống hút cỏ bàng thương hiệu Miền Tây Xanh được sản xuất tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng. Đây là sản phẩm sản xuất hoàn toàn từ cỏ bàng thiên nhiên, theo quy trình ISO 22000:2018 bảo đảm an toàn thực phẩm. Ống hút vẫn giữ được độ cứng khi tiếp xúc với nước và không có mùi cỏ, giúp người dùng cảm nhận trọn vẹn hương vị của từng loại thức uống.

Theo anh Bùi Thành Được - chủ Cơ sở Miền Tây Xanh, các quốc gia trên thế giới đang tìm các giải pháp thay thế sản phẩm đồ nhựa sử dụng một lần. Trong đó, ống hút cỏ bàng dần được người tiêu dùng tín nhiệm và ưa chuộng với đặc tính hoàn toàn thiên nhiên, tính tiện ích sử dụng vượt bậc hơn các giải pháp thay thế khác. Vì vậy, ống hút cỏ bàng được người tiêu dùng chọn sử dụng ngày một nhiều. Hiện cơ sở sản xuất và cung cấp khoảng 300.000 sản phẩm/tháng cho thị trường trong nước gồm nhà hàng, khách sạn. Ngoài ra, cơ sở cũng xuất khẩu bình quân 1 triệu sản phẩm/tháng. Miền Tây Xanh có khả năng cung cấp các đơn hàng số lượng lớn cho các đối tác để xuất khẩu, các chuỗi nhà hàng, khách sạn, quán cà phê ở phân khúc tầm trung trở lên và thị trường bán lẻ trong, ngoài nước.

Sản phẩm ống hút cỏ bàng của cơ sở Miền Tây Xanh

Anh Bùi Thành Được cho hay, Miền Tây Xanh cũng xây dựng hệ sinh thái bán hàng trên sàn TMĐT, trang web riêng để khách hàng tìm đến. Mới đây, Miền Tây Xanh là 1 trong 10 đơn vị được Sở Công Thương hoàn thành xây dựng sàn giao dịch TMĐT trên 6 kênh bán hàng: Shopee, Lazada, Postmart, Voso, Sendo, Tiki. Được hỗ trợ xây dựng sàn giao dịch TMĐT trên nhiều kênh bán hàng giúp Miền Tây Xanh khai thác tối đa các cơ hội, lợi thế của cuộc công nghệ số. Qua đó, Miền Tây Xanh kỳ vọng có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng hơn, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thông tin từ Sở Công Thương, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Trong bối cảnh đó, TMĐT Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỉ USD năm 2021; tỷ trọng doanh thu bán lẻ TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7%, tăng 27% so cùng kỳ năm 2020. Dự kiến năm 2022, doanh thu TMÐT đạt 16,4 tỉ USD.

Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh năm 2022 xếp hạng 18/56 tỉnh, thành. Trong đó, chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin hạng 23/56 tỉnh, thành; chỉ số giao dịch giữa DN với người tiêu dùng (B2C) hạng 22/56 tỉnh, thành; chỉ số về giao dịch giữa DN với DN (B2B) hạng 14/56 tỉnh, thành./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích