Tiếng Việt | English

28/05/2019 - 17:01

Hoạt động của hợp tác xã còn gặp khó

Xây dựng hợp tác xã (HTX) đã và đang là đòn bẩy giúp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều HTX còn gặp khó khăn, cần sự tiếp sức của các cấp, các ngành.

Hợp tác xã trồng thơm ở xã Long Hựu Tây chỉ cong 1 hộ tham gia

Hợp tác xã trồng thơm ở xã Long Hựu Tây chỉ cong 1 hộ tham gia

Bí thư Đảng ủy xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An - Nguyễn Văn Út cho biết: “Năm 2012, xã thành lập HTX trồng gấc với diện tích 2ha. Tuy nhiên, HTX hoạt động hơn 1 năm rồi giải thể. Năm 2016, xã tiếp tục thành lập HTX trồng thơm với diện tích 3,4ha, có 4 thành viên tham gia, trong đó, mỗi thành viên được hỗ trợ cây giống và vay vốn 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đến nay, HTX trồng thơm chỉ còn 1 hộ duy trì được diện tích ban đầu 0,7ha, số còn lại bị lỗ vốn nên không còn tham gia HTX. Với tình trạng này, HTX trồng thơm của xã có nguy cơ giải thể. Nguyên nhân các HTX giải thể và hoạt động không hiệu quả là thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nên các mô hình không thể duy trì và phát triển”.

Được biết, sau năm 2020, Long Hựu Tây sẽ “về đích” xã nông thôn mới. Để đạt kết quả này, việc thành lập HTX là một trong những tiêu chí bắt buộc. Trước tình hình trên, xã dự định thành lập HTX nông nghiệp nhưng còn lo ngại về vốn và nguồn nước phục vụ tưới, tiêu.

Ông Lê Văn Khoa (ấp Mỹ Lộc, xã Long Hựu Tây) - thành viên HTX trồng thơm, chia sẻ: “Long Hựu Tây thiếu nước ngọt nên ảnh hưởng đến việc sản xuất của HTX. Chúng tôi mong thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ có hướng tháo gỡ khó khăn này”.

Đến nay, huyện Tân Thạnh thành lập được 10 HTX, trong đó 9 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 1 HTX vận tải thủy bộ. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các HTX hoạt động hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân, một số HTX chậm góp vốn theo điều lệ; chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ do chưa có hướng dẫn cụ thể; năng lực quản lý của cán bộ HTX chưa đồng đều; nhiều thành viên HTX tham gia mang tính hình thức; một số HTX còn thiếu cơ sở vật chất; chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động kinh doanh,...

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Kiến Bình - Dương Hoài Ân nói: “HTX được thành lập năm 2016 với 18 thành viên tham gia, vốn điều lệ 2 tỉ đồng. Lĩnh vực hoạt động là cung cấp vật tư nông nghiệp, cấy lúa, lúa giống. Tuy nhiên, đến nay, các thành viên chỉ góp vốn điều lệ được 400 triệu đồng, từ đó việc triển khai các phương án kinh doanh chưa mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, đa số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các thành viên đều “gửi” ngân hàng nên HTX không thể mượn để thế chấp nhằm tạo nguồn vốn cho HTX hoạt động hiệu quả. HTX cũng chưa có điều kiện tiếp cận các chính sách về vốn, kỹ thuật cũng như các mối liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Có thể thấy, thiếu vốn là vấn đề mà nhiều HTX ở huyện Tân Thạnh đang gặp phải. Để giải quyết vấn đề này, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên các nguồn lực trong và ngoài huyện, gắn với phát triển kinh tế tập thể, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận các chính sách ưu đãi đối với HTX; tổ chức cho đội ngũ quản lý các HTX tham gia tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn; nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các xã, thị trấn; tăng cường cung cấp thông tin về thị trường, xây dựng các mối liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm để nông dân không còn rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”,...

Xây dựng HTX mục đích là liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm,... Song, đến nay, nhiều HTX hoạt động chỉ mang tính chất hình thức, chưa phát huy được vai trò của kinh tế tập thể. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có giải pháp tháo gỡ vấn đề này để HTX hoạt động hiệu quả hơn./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết