Còn nhiều khó khăn
6 tháng đầu năm 2019, hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh Long An góp phần tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp nhờ có xuất xứ, thương hiệu, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Tuy mang lại hiệu quả nhưng không ít HTX còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động như thiếu vốn, giá cả tiêu thụ, năng lực quản lý, điều hành của ban quản lý HTX còn hạn chế. Nhiều HTX hoạt động cầm chừng, không thu hút được các thành viên tham gia. Tính đến nay, toàn tỉnh có 210 HTX, trong đó có 196 HTX (gồm 148 HTX nông nghiệp, 5 HTX tiểu thủ công nghiệp, 2 HTX xây dựng, 18 HTX vận tải và 19 Quỹ tín dụng nhân dân, 4 HTX loại hình khác) đang hoạt động và 14 HTX tạm ngừng hoạt động hoặc đang tiến hành giải thể. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp. Trong đó, các chính sách hỗ trợ chung cho HTX gồm bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ, thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của HTX. Riêng các HTX nông, lâm, ngư nghiệp còn được hưởng các chính sách: Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ chế biến sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Hoạt động của hợp tác xã còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, kết quả thực hiện các chính sách còn hạn chế. Nhiều HTX còn “khát” vốn để mở rộng sản xuất. Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Phú (huyện Vĩnh Hưng) - Lưu Văn Hoài cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi rất cần vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư kênh, mương nội đồng, ngăn đập, đặt cống để giữ nước cho trạm bơm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi làm hồ sơ vay vốn nhưng chưa tiếp cận được. Tôi mong Nhà nước tạo điều kiện hơn nữa để được tiếp cận các nguồn vốn vay dễ dàng hơn”.
Được thành lập đầu năm 2012, HTX Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) hoạt động dưới hình thức kinh tế tập thể theo hướng đa năng, đa nghề, tiếp nhận vật tư nông nghiệp, phân bón, hạt giống của những công ty, xí nghiệp bán trả chậm, trực tiếp đầu tư cho xã viên. HTX còn là nơi tập kết rau sau thu hoạch, tiến hành sơ chế, làm sạch và đóng gói. Qua 7 năm đi vào hoạt động, HTX phát triển, liên kết sản xuất với 132 xã viên, hộ gia đình, diện tích 30ha, trong đó có 7,2ha rau đạt chuẩn VietGAP. Mỗi ngày, HTX cung ứng từ 7-8 tấn rau, củ, quả cho một số siêu thị tại TP.HCM, bếp ăn tại khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Theo ông Đặng Duy Dũng - Giám đốc HTX, năm 2018, HTX được tỉnh hỗ trợ 350 triệu đồng thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. HTX đối ứng 70 triệu đồng mua các thiết bị phục vụ sơ chế, làm bao bì, nhãn mác cho sản phẩm,... HTX kiến nghị tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để test mẫu sản phẩm, đầu tư máy ươm cây con, xây hầm ủ phân hữu cơ.
Ngoài thiếu vốn, đầu ra của sản phẩm cũng là vấn đề trăn trở của nhiều HTX. Giám đốc HTX Thuận Giàu (huyện Cần Đước) - Huỳnh Thị Ngọc Giàu chia sẻ: “HTX được thành lập vào tháng 7/2016, tiền thân của HTX là tổ hợp tác có 8 thành viên, canh tác 10ha rau đạt chuẩn VietGAP. Ngoài thu mua sản phẩm của các xã viên, HTX còn thu mua sản phẩm sạch của nông dân các xã lân cận: Long Cang, Phước Vân, Phước Lợi, Phước Lý,... và huyện Tân Trụ. Tuy nhiên, đầu ra nông sản còn gặp khó khăn, chủ yếu bán ở chợ, siêu thị,... và chưa có liên kết ổn định lâu dài”. Theo anh Hà Anh Dũng - thành viên HTX, sản phẩm làm ra là sản phẩm sạch nhưng đôi khi, đầu ra cũng bấp bênh.
Giám đốc HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Thuận Bình (huyện Thạnh Hóa) - Bùi Văn Khắp nói: HTX chuyên trồng chanh không hạt (Limca). Năm 2014, giống chanh này được công nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia nhưng đầu ra còn khó khăn, phần lớn nông dân bán cho thương lái trong và ngoài địa phương, chưa có hợp đồng lâu dài với công ty thu mua.
Hỗ trợ phát triển hiệu quả
Để các HTX tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc và hoạt động hiệu quả hơn, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND triển khai Đề án “Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 187 HTX hoạt động hiệu quả và trên 30 HTX điểm ứng dụng công nghệ cao một trong các khâu canh tác, nuôi trồng, bảo quản và hướng đến công nghệ tin học trong quản lý và kinh doanh HTX. Do đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 2 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện và khả năng của các HTX.
Hoạt động của hợp tác xã còn nhiều khó khăn
Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay của các HTX là việc nhân rộng mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy chưa đạt yêu cầu, chưa bảo đảm đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, có phương án cụ thể nhằm hoàn thành chương trình theo kế hoạch. Bên cạnh đó, phải rà soát, đánh giá lại kết quả các mô hình đã thực hiện, đánh giá sự phối hợp để có giải pháp kịp thời.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho rằng, để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề án, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đối với HTX nông nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ quản lý nhà nước, lực lượng hỗ trợ, lực lượng trực tiếp hoạt động ở các HTX; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX, xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ tiếp cận thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, có phương án giải quyết dứt điểm việc giải thể, chuyển đổi sang loại hình khác đối với các HTX yếu kém đã ngừng hoạt động; tạo điều kiện thành lập mới các HTX nông nghiệp và hỗ trợ để hoạt động hiệu quả; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp đến năm 2020 và HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản./.
Lê Huỳnh