.jpg)
Ảnh minh hoạ: Tiền Phong
Bác Hồ khẳng định: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Là người con đất Việt, phải biết tường tận “gốc tích” dân tộc, đất nước mình. Những bài học từ môn Lịch sử mang sứ mệnh cao cả này. Do đó, muốn người Việt Nam không bị “mất gốc”, nhất thiết phải giữ cho bằng được môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Vấn đề đặt ra chính là đổi mới phương pháp dạy để học sinh dễ tiếp thu và cảm thấy hứng thú khi học môn học này.
Dân tộc, đất nước ta có được như ngày hôm nay, phải trải qua biết bao “trăm cay, ngàn đắng”. Các thế hệ hôm nay và mai sau cần phải biết và biết rõ để sống sao cho xứng đáng với tiền nhân. Những bài học về lịch sử nước nhà càng làm chúng ta tự hào hơn về ý chí quyết chiến trước kẻ thù, giữ gìn từng tấc đất, mét biển của ông cha.
Sông Bạch Đằng vẫn còn ghi rõ chiến công của tiền nhân chống quNam Hán; lời hô vang quyết đánh từ Hội nghị Diên Hồng trau truyền đến ngày nay về ý chí không khuất phục trước kẻ thù và tinh thần đại đoàn kết; sự hy sinh của biết bao người con ưu tú của quê hương trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn được ngàn đời ghi nhớ,... Dân tộc ta với bề dày mấy ngàn năm văn hiến, con người Việt Nam được biết đến với truyền thống giàu lòng yêu nước và đầy tính nhân văn, nhân văn ngay cả với kẻ thù khi chúng thua trận. Qua từng bài học lịch sử, học sinh được giáo dục những bản sắc ấy, góp phần lớn trong việc hình thành nhân cách và phẩm giá con người.
Hiện nay, có không ít bạn trẻ sống vọng ngoại, lai căng, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc,... Từ đó, yêu cầu đặt ra cần tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử trong thế hệ trẻ. Để không còn những bài thi môn Lịch sử có điểm 0, không còn những lỗ hổng về kiến thức lịch sử trong học sinh như kiểu “Quang Trung và Nguyễn Huệ là anh em”, cần có sự đổi mới trong cách biên soạn sách giáo khoa cũng như phương pháp dạy của giáo viên.
Lịch sử, môn học dạy làm người, cần được “đấu tranh đến cùng để giữ lại” như lời GS Phan Huy Lê, một nhà sử học lớn của nước nhà, để các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau không “mất gốc”./.
Khánh Tâm