Tiếng Việt | English

02/07/2016 - 14:56

Hội chứng ống cổ tay và biện pháp phòng ngừa

Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome) là một trong những chấn thương thầm lặng có liên quan đến công việc nhiều nhất. Hiện nay tại Việt Nam, số người mắc bệnh này cũng khá phổ biến.

Ống cổ tay (Carpal Tunnel) là một con đường hẹp được giới hạn bởi xương cổ tay và dây chằng ngang cổ tay, là nơi các dây thần kinh và gân của bàn tay đi qua. Một trong những dây thần kinh đi qua ống cổ tay là dây thần kinh giữa, nó chạy từ cẳng tay xuống lòng bàn tay, có tác dụng truyền tín hiệu từ não bộ xuống các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón đeo nhẫn.

Hội chứng ống cổ tay là các biểu hiện bệnh lý gây ra do dây thần kinh giữa của lòng bàn tay bị chèn ép. Thần kinh giữa ở mặt lòng cẳng bàn tay chui qua đường hầm ở cổ tay, nằm chung với các gân gập ngón tay, các gân này nằm trong những bao hoạt dịch. Khi các gân này bị viêm gây phù nề to lên và lấn lên rễ thần kinh giữa và rồi thần kinh giữa bị chèn ép gây ra hội chứng ống cổ tay.

Vị trí tê trong hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng chậm chữa trị có thể gây tàn tật do tổn thương thần kinh, teo cơ ở gò ngón cái.

Dấu hiệu của bệnh

Các dấu hiệu điển hình của hội chứng ống cổ tay là: Đau, tê nhức, châm chích ở các ngón tay, đặc biệt các ngón cái, ngón hai, ba và phân nửa ngoài ngón áp út. Cơn đau có thể lan đến cổ tay, lòng bàn tay và cẳng tay. Về đêm, người bệnh trở nên vụng về, nhất là các động tác cầm nắm.

Trường hợp nhẹ, người bệnh cảm thấy tê buốt như bị kim châm ở bàn tay, nếu nặng hơn người bệnh sẽ có cảm giác như bị bỏng rát và nhức nhối ở cẳng tay và cánh tay, tay yếu và tê cứng; khi gõ nhẹ vào nếp gấp lòng cổ tay – bàn tay cảm giác đau tê tăng lên. Hiện nay, xét nghiệm có giá trị trong việc xác định bệnh là đo cơ điện đồ, nó giúp thêm bằng chứng xác định chẩn đoán này.

Nếu không điều trị, bệnh lâu ngày có thể gây teo cơ ở gò ngón tay cái, từ đó khả năng cầm nắm sẽ yếu đi...

Ai dễ mắc bệnh này?

Những người làm công việc đòi hỏi phải cầm nắm hay gập lòng cổ tay thường xuyên như thợ mộc, nhân viên văn phòng, người chơi các môn thể thao như bóng bàn, quần vợt rất dễ mắc hội chứng này.

Người dùng máy vi tính thường xuyên cũng dễ mắc hội chứng này khi cầm nắm con chuột thường xuyên trong tư thế sai khiến sự căng giãn lặp đi lặp lại ở vùng cổ tay gây vi chấn thương.

Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ cao hơn nam giới, nhất là phụ nữ thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có thai, đang dùng thuốc uống tránh thai hoặc những người mắc bệnh mạn tính như viêm khớp, đái tháo đường,...

Điều trị hội chứng ống cổ tay ra sao?

Phần lớn các trường hợp hội chứng ống cổ tay có thể khỏi khi người bệnh thay đổi môi trường làm việc, thay đổi cách sống cho khoa học và hợp lý. Những trường hợp hội chứng ống cổ tay thể nặng phải được điều trị nội khoa tích cực, nếu không chuyển biến thì phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Điều trị bảo tồn bao gồm các việc sau:

-Tránh thực hiện các động tác sai, gập lòng cổ bàn tay lặp đi lặp lại;

-Mang nẹp lòng cẳng bàn tay vào đêm để tránh cổ tay gập;

-Những trường hợp nhẹ dùng thuốc kháng viêm không phải corticoid, trong trường hợp nặng, gây ảnh hưởng đến công việc hay khi đã có dấu hiệu teo cơ ở gò ngón tay cái thì chuyển sang điều trị ngọai khoa bằng việc phẫu thuật giải áp để giải phóng thần kinh giữa.

-Tập luyện bàn tay, ngón tay để sớm phục hồi vận động các ngón, làm nở lại cơ gò cái.

Để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay cần thực hiện các việc sau:

-Trong quá trình làm việc, vận động, chúng ta cần cho các cơ bắp nghỉ ngơi thư giãn, xoa bóp để giúp phục hồi khả năng tuần hoàn, làm tăng lượng máu đến các nhóm cơ vùng vai, cổ...

-Thường xuyên tập thể dục, nhất là với những người mà công việc bắt buộc phải ngồi nhiều, hoặc phải thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại ở cổ tay.

-Cần chọn tư thế hợp lý khi làm việc như chọn ghế ngồi phải vừa tầm, mông cao hơn gối, lưng thẳng hay hơi ngả ra sau, tựa thắt lưng vào lưng ghế, hai chân chấm đất trong tư thế vững vàng nhưng thoải mái. Màn hình máy tính nên đặt ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt một chút. Khi làm việc, những ngón tay có thể cong nhẹ hoặc duỗi ra mà không cần phải vặn cổ tay. Nếu được, nên để cổ tay tựa nhẹ lên tấm thảm chuột có một phần nhô lên bằng gel mềm. Bàn phím tốt nhất nên đặt thẳng hoặc thấp hơn khuỷu tay.

-Trong chế độ ăn cần các loại thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B.

Một sai lầm phổ biến hiện nay là khi bị hội chứng ống cổ tay với các dấu hiệu như cảm giác tê các ngón tay khi đi xe máy hoặc khi thức dậy buổi sáng, hoặc nặng hơn như có thể làm rơi đũa ăn, nhưng người bệnh không nghĩ rằng bị hội chứng ống cổ tay mà cứ nghĩ là bệnh tê thấp, phong thấp nên tự điều trị bằng các loại thuốc tây y lẫn đông y. Thậm chí, nhiều người còn truyền miệng nhau để điều trị bằng những phương pháp hết sức sai lầm. Đến khi bệnh tiến triển nặng, họ mới chịu tìm đến thầy thuốc thì mọi việc đã quá muộn, điều trị rất khó khăn và tốn kém. Do đó cần sớm nhận biết bệnh để điều trị đúng cách, có như thế hiệu quả điều trị mới cao./.

Bác sĩ Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết