Đồng hành cùng nông dân
Tại huyện Châu Thành, HTX Thanh long Tầm Vu là một trong những HTX được ra đời khá sớm và hoạt động có hiệu quả. Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An cho biết, HTX được thành lập từ năm 2008, ban đầu chỉ có 13 thành viên tham gia với diện tích 13ha, đến nay HTX đã có hơn 40 thành viên sản xuất diện tích hơn 50ha và hàng trăm hộ liên kết. Phần lớn diện tích trồng thanh long của HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Vừa qua, HTX còn đầu tư xây dựng nhà kho hơn 5.500m2 để chế biến, đóng gói thanh long xuất khẩu; xây dựng kho lạnh bảo quản thanh long với sức chứa 500 tấn. Mỗi năm, hàng ngàn tấn thanh long của HTX được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó, 50% xuất đi Trung Quốc, số còn lại xuất sang Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất,… Nhờ đó mà doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước.
Nông dân chăm sóc thanh long chuẩn bị sản xuất vụ mới
Theo ông An, 2 năm gần đây, khi thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc gặp trục trặc do liên quan tới dịch Covid-19 khiến người trồng thanh long điêu đứng. Tuy nhiên, thành viên của HTX Thanh long Tầm Vu vẫn có lợi nhuận ổn định. Từ khi ra đời đến nay, HTX luôn bảo đảm lợi ích hài hòa giữa HTX và thành viên tham gia, phía HTX có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư, vốn cho nhà vườn để trồng cây thanh long và thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Về phía nhà vườn phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP,... để bảo đảm trái thanh long đạt an toàn sinh học, không có dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
“Thời gian gần đây, dù giá trái thanh long có dao động theo mùa, dịch bệnh tác động hay những biến động bất lợi của thị trường Trung Quốc nhưng từ lâu, HTX đã ít phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà đa dạng hóa thị trường, nâng chất lượng nông sản, xuất khẩu sang nhiều nước: Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Để thành viên yên tâm, HTX ký hợp đồng mua hết sản phẩm với giá sàn 10.000 đồng/kg, bảo đảm nông dân có lãi, khi giá thị trường cao hơn giá sàn, HTX sẽ mua cao hơn giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg” - ông An khẳng định.
Tương tự, tại HTX Thanh long Thanh Phú Long, hầu hết thành viên đã canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, một số hộ nâng cấp lên GlobalGAP. Trước biến động của thị trường, ngay thời điểm xảy ra dịch Covid-19, từ HTX hàng đầu xuất khẩu, HTX mạnh dạn chuyển sang thị trường nội địa. Nhờ nắm bắt nhanh thị trường, hiện HTX là địa điểm tin cậy cung cấp thanh long cho hơn 2.000 điểm cửa hàng Bách hóa xanh và có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn, nhỏ ở địa phương, giúp các thành viên yên tâm sản xuất, ổn định kinh tế.
Theo Giám đốc HTX Thanh long Thanh Phú Long - Nguyễn Văn Hoàng, nhiều năm qua, cây thanh long ruột đỏ mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho thành viên HTX và các nhà vườn tại địa phương. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hécta, nông dân đạt lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng/năm. Tuy vậy, phần lớn đầu ra của loại nông sản này phụ thuộc vào thị trường một số nước. Một khi thị trường nước ngoài biến động, người dân không kịp trở tay sẽ dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa. Điệp khúc “được mùa, rớt giá” cứ làm khó nông dân.
Để cây thanh long phát triển bền vững
Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh thông tin: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10% HTX đã làm chủ được thị trường, trong đó, HTX Thanh long Thanh Phú Long đang làm chủ thị trường nội địa rất tốt khi liên kết với siêu thị Big C và Bách hóa xanh thu mua ổn định thanh long cho nông dân. Đơn cử như đợt dịch vừa rồi, qua thống kê, mỗi ngày, HTX thu mua gần 20 tấn thanh long. Có thể nói, HTX Thanh long Tầm Vu và HTX Thanh long Thanh Phú Long đang là những HTX "đầu tàu" tại địa phương và là địa điểm để các HTX khác đến học hỏi, nhân rộng, nâng tầm thanh long Châu Thành nói riêng, tỉnh Long An nói chung”.
Nhiều hợp tác xã thanh long vẫn hoạt động hiệu quả nhờ làm chủ được thị trường
Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải, qua rà soát, thống kê ban đầu, trên địa bàn huyện hiện có hơn 8.900ha thanh long. Trước tình hình giá cả thanh long bấp bênh, xuống thấp, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn,... dự báo diện tích trồng thanh long có khả năng tiếp tục giảm. “Diện tích thanh long đang có xu hướng giảm gần đây là có thật nhưng không có chuyện người dân ồ ạt phá bỏ” - ông Nguyễn Văn Khải khẳng định. Cũng theo ông Khải, thời gian gần đây, một số diện tích thanh long đã già cỗi (7 - 8 năm tuổi), năng suất, chất lượng trái giảm nên người dân chặt bỏ để tái canh, phần rất nhỏ chuyển sang cây trồng khác. Đây là một vấn đề đang đặt ra để địa phương, ngành chức năng quan tâm, giải quyết nhằm bảo đảm sản xuất ổn định, bền vững cho nông dân.
Để phát triển bền vững, địa phương và ngành chức năng của tỉnh khuyến khích người trồng thanh long sản xuất theo quy trình sạch, nâng cao chất lượng, giá trị của trái thanh long để tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng với tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, địa phương sẽ tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh.
“Địa phương sẽ thống kê, nắm chắc diện tích sản xuất, số lượng người dân sản xuất thanh long, từ đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ, lẻ, tự phát,... từng bước nâng cao giá trị trái thanh long với mục tiêu chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch” - ông Khải nhấn mạnh./.
Minh Tuệ