Tiếng Việt | English

20/06/2022 - 08:39

Hướng đến không còn bạo lực gia đình

Mặc dù công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh Long An những năm gần đây đạt một số kết quả nhất định; số vụ BLGĐ ngày càng giảm nhưng tình trạng này vẫn chưa được đẩy lùi, cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn nữa.

Dạy nghề cho hội viên, phụ nữ để phát triển kinh tế gia đình, góp phần hạn chế bạo lực gia đình xảy ra

Dạy nghề cho hội viên, phụ nữ để phát triển kinh tế gia đình, góp phần hạn chế bạo lực gia đình xảy ra

Những câu chuyện đau lòng

Gần 1 tháng trôi qua, câu chuyện chồng giết vợ, để lại 5 đứa con thơ xảy ra tại xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, làm đau lòng biết bao người mỗi khi nhắc lại. Theo người thân gia đình kể lại, trước đây, chị N.T.H.N. (35 tuổi, ngụ ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) kết hôn lần đầu tiên, hạnh phúc chưa được bao lâu thì chồng bị tai nạn giao thông qua đời. Sau khi chồng mất, chị N. ôm 2 đứa con về ngoại sinh sống, đùm bọc nhau trong hoàn cảnh "thiếu trước, hụt sau".

Vài năm sau, chị N. quyết định "đi thêm bước nữa" với Nguyễn Tấn Phúc (36 tuổi, cùng xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc). Gần 10 năm chung sống bên nhau, chị N. có thêm với Phúc 3 người con. Gần đây, do cuộc sống sinh hoạt thường xuyên phát sinh mâu thuẫn nên cả hai đã ly hôn. Tối ngày 14/5/2022, sau khi nhậu say, Phúc đến nhà tìm chị N. để kiếm chuyện quậy phá. Chị N. yêu cầu Phúc về, khi nào tỉnh thì đến nói chuyện nhưng Phúc liên tục chửi bới rồi dùng dao tấn công, đâm chị N. tử vong. Khi vừa gây án, Phúc bị người dân xung quanh vây bắt, giao cơ quan công an. Vụ việc được Công an huyện Cần Giuộc bàn giao nghi phạm giết người cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục điều tra, làm rõ. Đằng sau bi kịch này là số phận của 5 đứa trẻ nheo nhóc khi mẹ mất, cha phải vào vòng lao lý.

Dù cả 2 đã có gia đình nhưng vì mối tình trên mạng, Bùi Văn Hòa (30 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) bỏ gia đình ở quê, còn N.T.T.V. bồng đứa con gái nhỏ tên T. vừa tròn 2 tuổi từ Quảng Ngãi vào xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, để thuê trọ sống chung. Tối ngày 18/12/2020, sau bữa cơm tối, Hòa cùng mẹ con V. đi ngủ. Bực tức vì bé T. khóc làm mất giấc ngủ nên Hòa nhiều lần đánh, dìm vào nước, đạp bé T. vào tường dẫn đến tử vong. Lo sợ, Hòa kêu V. không được nói sự việc cho bất kỳ ai rồi lấy túi xách đựng thi thể bé T. đem đi giấu.

Sự việc trôi qua được 1 tháng thì V. đi tự thú. Ngày 18-01-2021, ngay sau khi tiếp nhận vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra triệu tập Hòa và ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hòa và V. để điều tra sự việc. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh quyết định tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Hòa mức án tử hình về tội giết người. Riêng bị cáo V., với hành vi che giấu tội phạm, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo V. có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù. Một cái giá xứng đáng cho Hòa và V. và cũng để cảnh tỉnh cho xã hội.

Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, từ khi có Luật Phòng, chống BLGĐ, công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phối hợp truyền thông, giáo dục, vận động cộng đồng tham gia phòng, chống BLGĐ từng bước đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều loại hình hoạt động phong phú. Đặc biệt, công tác hòa giải, tư vấn, can thiệp, bảo vệ, ngăn chặn và đề nghị xử lý các vụ BLGĐ được các địa phương, cơ sở phối hợp thực hiện qua hoạt động của các nhóm phòng, chống BLGĐ, các câu lạc bộ (CLB) gia đình phát triển bền vững và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng ngày càng đạt hiệu quả, góp phần làm giảm số vụ BLGĐ. Cụ thể, năm 2019 xảy ra 102 vụ, năm 2020 xảy ra 77 vụ và năm 2021 xảy ra 34 vụ.

Theo cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, trong đó, chủ yếu là những mâu thuẫn trong gia đình chưa được giải quyết; định kiến giới; đời sống kinh tế túng thiếu; trình độ nhận thức và sự hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp dẫn đến mâu thuẫn, xung đột không thể hàn gắn; các tệ nạn xã hội; lạm dụng rượu, bia làm thay đổi suy nghĩ và mất đi tính tự chủ khiến con người trở nên thô bạo hơn,...

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh - Nguyễn Thụy Thắm cho biết: Thời gian qua, Hội tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền và xây dựng các hoạt động cụ thể, thiết thực về phòng, chống BLGĐ. Hàng năm, Hội đều xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo các cấp Hội cơ sở đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, trong đó có tiêu chí Không có bạo lực gia đình gắn với chủ đề An toàn cho PN và trẻ em do Trung ương Hội phát động; thường xuyên tổ chức tọa đàm, phát tài liệu, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp chi, tổ hội, sinh hoạt CLB; đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội cơ sở xây dựng mô hình, CLB để thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ.

Quan tâm chăm sóc trẻ em

Quan tâm chăm sóc trẻ em

“Thời gian tới, các cấp Hội cơ sở phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của hội viên, PN và người dân trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; gia đình không có bạo lực. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền hỗ trợ hội viên, PN, người dân về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo hành gia đình và Luật Phòng, chống BLGĐ qua Zalo, Facebook. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của hội viên, PN và người dân trong việc phòng, chống BLGĐ; vị thế của PN cũng được nâng lên, trẻ em được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn” - bà Thắm cho biết thêm.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch - Nguyễn Thị Thủy, thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống BLGĐ; thường xuyên tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động phòng, chống BLGĐ. Củng cố, duy trì và vận hành mạng lưới phòng, chống BLGĐ các cấp; cộng tác viên Dân số, Gia đình và Trẻ em ở cộng đồng để tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ và thu thập thông tin về BLGĐ. Ngành tổ chức truyền thông về phòng, chống BLGĐ phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, biên giới; lồng ghép kiến thức phòng, chống BLGĐ vào chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với các cấp học, bậc học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong phòng, chống BLGĐ.

BLGĐ là vấn nạn của xã hội gây tổn thương về tinh thần và thể chất cho nạn nhân, nhất là PN và trẻ em. Để ngăn ngừa, phòng, chống BLGĐ, góp phần bảo vệ các gia đình, cần có sự chung tay, cùng vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan, ban, ngành và toàn xã hội./.

Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện trên địa bàn tỉnh có 203 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 790 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 852 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 617 số đường dây nóng,...

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích