Để phụ nữ có thêm “điểm tựa”
Lập gia đình khi tuổi đời còn khá trẻ, lúc đầu hai vợ chồng chị V.T.D., ngụ xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, rất yêu thương nhau. Ở xã biên giới, điều kiện sống tuy vất vả nhưng cả hai đều chịu khó làm ăn, chăm lo cuộc sống gia đình. Thế nhưng, khi anh H. - chồng chị D. bị tai nạn, anh thay đổi tính tình. Từ người chồng, người cha hiền lành, có trách nhiệm, anh trở nên “la cà” nhậu nhẹt. Sau mỗi cuộc nhậu, anh đập phá đồ đạc và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chị D. Chị D. nhiều lần nhẫn nhịn chồng nhưng vẫn không lay chuyển được tình thế. Mỗi lần tham gia sinh hoạt PN tại địa phương, chị đều giấu nhẹm chuyện bị chồng bạo hành. Sau một lần bị chồng đánh đến “thừa sống, thiếu chết”, chị tìm đến “địa chỉ tin cậy” là nhà hội viên PN gần đó để lánh nạn.
Tại đây, chị được các chị giúp đỡ và cho “ở nhờ”. Sau đó, chị được những người ở đây đưa về nhà và gặp anh H. Nhận thấy hai người còn yêu thương nhau và có cơ hội quay về với nhau, mọi người khuyên nhủ, giúp hai người hàn gắn tình cảm vợ chồng.
Phụ nữ cơ sở tham gia sinh hoạt pháp luật
Một buổi tối tại điểm sinh hoạt chuyên đề về pháp luật thuộc Tổ PN ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc thu hút đông hội viên, PN tham gia. Ngoài PN, tại đây còn có sự tham gia của công an, y tế, văn hóa, lao động,... Bên cạnh thông tin về tình hình KT-XH, an ninh, trật tự ở địa phương trong thời gian gần đây, PN dự cuộc sinh hoạt còn được tư vấn, giải đáp thắc mắc về những vấn đề liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ,... Đặc biệt, những thành viên trong “địa chỉ tin cậy” còn dẫn ra những vụ việc liên quan đến BLGĐ ở ấp, chỉ ra hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, đưa ra hướng giải quyết.
Tại xã Mỹ Lộc có 1 “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, được đặt tại nhà của bà Phạm Thị Tuyết Mai - Trưởng ấp Lộc Trung, với khoảng 15 thành viên. Ở địa phương, bà Mai là người “thích lo chuyện bao đồng”, hòa giải thành nhiều vụ BLGĐ. Bà Mai nói: “Là PN nên tôi hiểu, cảm thông với họ. PN thường hy sinh vì chồng, con. Đôi khi họ bị bạo hành nhưng chính bản thân họ không hay biết rồi lại im lặng. Có lần, tôi tiếp xúc với một trường hợp, vợ chồng này thường xuyên cãi vã... nhưng rồi đâu lại vào đó. Một ngày, người vợ bị rượt đuổi, vội chạy đến nhà tôi để “lánh nạn”. Tôi cho ở lại một đêm để cùng tâm sự. Đến hôm sau, người chồng hối lỗi, hứa khắc phục và không để xảy ra tình trạng tương tự nữa. Tôi thấy rằng, mình may mắn được nhiều người tín nhiệm nên trong khả năng cho phép, tôi muốn giúp PN xây dựng gia đình, để vợ chồng, các con của họ cùng chung sống trong một mái nhà ấm êm, hạnh phúc”.
Tại những buổi sinh hoạt của phụ nữ Mỹ Lộc thường lồng ghép nội dung liên quan đến bạo lực gia đình
Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam xã Mỹ Lộc - Đặng Thị Mỹ Phương thông tin, hàng năm, “địa chỉ tin cậy” này giải quyết từ 4-5 vụ việc liên quan đến BLGĐ, đa số người bị bạo hành là PN. Không biết tự bao giờ, gia đình bà Mai là nơi được những nạn nhân BLGĐ đến “trút nỗi lòng”. Chị Phương cho rằng, sự lên tiếng và ủng hộ của cộng đồng sẽ là động lực để nạn nhân tìm đến sự hỗ trợ và dũng cảm đứng lên để đấu tranh chống lại nạn bạo hành, xâm hại.
Cần nâng cao nhận thức cộng đồng
Sau gần 15 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 (có hiệu lực ngày 01/7/2008), tình trạng BLGĐ ở Việt Nam có xu hướng giảm đáng kể theo từng năm cả về số vụ và mức độ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, một số địa phương vẫn xảy ra các vụ BLGĐ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với PN và trẻ em,...
Tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho phụ nữ thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp PN Việt Nam tỉnh - Đỗ Thị Kim Thắm, nguyên nhân cơ bản của bạo lực giới là bất bình đẳng giới, cùng với thái độ và tư tưởng cho rằng PN có thân phận thấp kém so với nam giới, thiếu tôn trọng quyền của PN và tư tưởng luôn muốn kiểm soát cuộc sống của họ. Nhiều PN còn e ngại hoặc cho rằng việc bị bạo hành là chuyện của gia đình, gia đình tự giải quyết và để bảo vệ uy tín của người chồng, người thân nên chưa mạnh dạn lên tiếng với các cấp chính quyền địa phương để được sự hỗ trợ. Ở góc độ xã hội, các tệ nạn xã hội, thông tin xấu, độc trên Internet đã hình thành nên tâm lý bạo lực ở một bộ phận người dân, nhất là các gia đình lao động có thu nhập không ổn định,... Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân thờ ơ trước những vụ BLGĐ diễn ra xung quanh. Để chấm dứt hành vi bạo lực, bà đề nghị PN cần lên tiếng, xử lý khi bị bạo lực.
“Một người lên tiếng, hai người lên tiếng sẽ khiến câu chuyện được lan tỏa đến nhiều người. Đó là cách chúng ta góp phần đấu tranh phòng, chống BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới” - bà Thắm nói.
Đồng thời, các cấp chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng bảo vệ hạnh phúc gia đình cho tất cả thành viên trong gia đình, cộng đồng; tuyên truyền pháp luật, Luật Phòng, chống BLGĐ cho người dân, PN, trẻ em, nam giới.
Phụ nữ tham gia các hoạt động cộng đồng để được sẻ chia, hỗ trợ, góp phần hạn chế bạo lực gia đình
Suốt thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho PN, trong đó có phòng, chống BLGĐ. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Hội triển khai góp ý đối với dự án Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi). Tình hình BLGĐ xảy ra ảnh hưởng lớn đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, cản trở sự nghiệp tiến bộ, phát triển của PN và bình đẳng giới mà Việt Nam đang cố gắng phấn đấu thực hiện.
Trong đó, quy định của luật còn thiếu, chưa đầy đủ; điều kiện xử lý vụ việc BLGĐ phức tạp, biện pháp bảo vệ nạn nhân chưa phát huy hiệu quả; quy định về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực BLGĐ chưa cụ thể; công tác giáo dục, truyền thông chưa hiệu quả;... Vì vậy, việc sửa đổi luật nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ là thực sự rất cần thiết./.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp PN Việt Nam tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ tư vấn cho PN về kiến thức luật pháp, khai sinh cho trẻ em, tạm trú, tập huấn kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội, kiến thức về chăm sóc trẻ em, hôn nhân và gia đình, an toàn thực phẩm,... Hội tổ chức kết nối để PN đoàn kết chia sẻ thông tin, xây dựng mô hình an toàn cho PN và trẻ em tại cộng đồng. Song song đó, Hội cũng đưa hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật, trong đó có vấn đề BLGĐ về với PN vùng biên giới thông qua chương trình “Đồng hành cùng PN biên cương. |
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 360 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc với hơn 10.600 thành viên; 639 “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng; 311 câu lạc bộ Không sinh con thứ 3 trở lên và nhiều mô hình ở cơ sở liên quan đến phòng, chống BLGĐ. Những mô hình này ít nhiều góp phần hạn chế tình trạng BLGĐ trong thời gian gần đây. |
Song Nhi