Tiếng Việt | English

23/09/2019 - 08:39

Hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững

Những con đường sạch đẹp, khang trang trải dài đến tận xóm, ấp; nhiều cây cầu, hệ thống điện, trường học, nhà văn hóa, trụ sở làm việc,… được xây mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên,... là minh chứng rõ nét cho quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của tỉnh Long An suốt nhiều năm qua.

Cầu nông thôn được ông Nguyễn Văn Mến hỗ trợ xây dựng

Nông thôn “thay áo mới”

Chiều cuối tuần, thong dong trên đường quê Tân Trụ, chúng tôi rẽ vào ấp Bình An, xã Bình Lãng với con đường đal có hàng phượng nối dài bên cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Mến, người được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2018 vì có thành tích đóng góp kinh phí thực hiện công tác xã hội. Ông từng đóng góp 130 triệu đồng xây cầu giao thông nông thôn (GTNT). Ông Mến nói: “Trước đây, cây cầu trong xóm nhỏ, hẹp, xe chạy rất bất tiện. Hưởng ứng chương trình XDNTM, gia đình tôi tự nguyện góp tiền làm cầu, tạo điều kiện cho người dân đi lại”. 

Cùng suy nghĩ như ông Mến có ông Trần Văn Tôi, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh. Ông Tôi là người tích cực tham gia hiến đất làm đường GTNT. Trong số đó, có 3.000m2 đất ruộng được hiến làm đê bao lửng. Ngoài ra, ông còn vận động người dân góp tiền lắp đặt hệ thống chiếu sáng vào ban đêm trên tuyến GTNT ấp Tân Chánh B và hỗ trợ làm cầu,... Ông chia sẻ, năm 2010, Nhơn Ninh là một trong những xã đầu tiên của huyện được chọn làm điểm XDNTM. Nơi đây là vùng trũng của khu vực Đồng Tháp Mười, thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ. Vì vậy, hạ tầng giao thông kém. Từ khi được công nhận danh hiệu xã NTM, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. ‘‘Trước đây, người dân chưa biết nhiều về chủ trương XDNTM nên còn bỡ ngỡ. Sau khi được giải thích thông suốt, tôi cùng mọi người chung tay thực hiện. Trong điều kiện cho phép, gia đình tôi cũng muốn đóng góp một phần để cùng chính quyền địa phương tham gia phong trào. Tôi nghĩ rằng, đây là chương trình ý nghĩa, mang lại nhiều điều có ích cho người dân vùng nông thôn” - ông Tôi cho hay. 

Hệ thống trường học được đầu tư, góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Hệ thống trường học được đầu tư, góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phan Văn Liêm, qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, làng quê như khoác lên mình “chiếc áo mới”. Chương trình ngày càng đi vào chiều sâu, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt với kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, số hộ nghèo giảm nhanh. Các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao ngày càng phong phú và được chú trọng, mức hưởng thụ về văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên. XDNTM huy động được sự tham gia của toàn xã hội, trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội phát động nhiều phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả và có nhiều đổi mới. An ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được củng cố và tăng cường,…

Đi vào thực chất

Năm 2010, toàn tỉnh chưa có xã đạt trên 14 tiêu chí (TC), còn 67/166 xã chỉ mới đạt từ 2-5 TC. Đến nay, toàn tỉnh có 77 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 46,4%. Nếu như năm 2010, số TC đạt bình quân/xã của tỉnh chỉ 6 TC, đến nay tăng lên 15,62 TC/xã; không còn xã đạt dưới 9 TC; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn khoảng 45 triệu đồng/năm.

Trạm cấp nước cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn

Riêng về xã đạt chuẩn NTM nâng cao, dự kiến đến cuối năm 2019, có 2 xã Hòa Phú (huyện Châu Thành) và Phước Hậu (huyện Cần Giuộc) sẽ đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay, tỉnh đã thẩm tra và hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương thẩm định, công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM và TP.Tân An hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Bên cạnh kết quả đã đạt, XDNTM trong tỉnh thời gian qua cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Đó là chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản chưa cao. Liên kết, hợp tác phát triển chậm và thiếu bền vững. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp; khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn còn cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn diễn biến phức tạp. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn;…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho rằng, XDNTM là cả một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thời gian tới, XDNTM trong tỉnh phải bảo đảm “Hiệu quả, toàn diện và bền vững”, phải đi vào thực chất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. 

Nhiều tuyến đường nông thôn được xây mới từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Chương trình XDNTM là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Do đó, ông yêu cầu các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình trong XDNTM và chủ động tham gia cùng chính quyền thực hiện. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương, phải cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách của tỉnh ngay trong năm 2020 để làm cơ sở triển khai thực hiện cho giai đoạn 2021-2030. Tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH ở nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và gắn với phát triển đô thị. Tập trung giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn “xanh, sạch, đẹp”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong XDNTM; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với XDNTM./.

Mục tiêu phấn đấu của tỉnh: Lũy kế đến cuối năm 2020 có trên 83 xã đạt chuẩn NTM, chiếm trên 50% tổng số xã toàn tỉnh. Bình quân số TC đạt/xã: Từ 16,5-17 TC/xã; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng/năm; hộ dân sử dụng nước sạch đạt từ 45% trở lên.

 

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích