Tiếng Việt | English

17/03/2020 - 12:25

Hướng nghiệp, tuyển sinh: Không nên chọn nghề chỉ vì hợp xu hướng

Việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mỗi học sinh cần tuân theo tiêu chí lần lượt là năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, điều kiện kinh tế từng gia đình.

Hướng dẫn cho học sinh học nghề may tại Nhà xã hội Long Hải. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Việc nghỉ học dài ngày đang phần nào làm ảnh hưởng, xáo trộn nền nếp học tập của học sinh, nhất là học sinh cuối cấp bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trong cả nước.

Song ở thời điểm này, đây là biện pháp rất cần thiết nhằm bảo đảm sức khỏe cũng như ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Nhằm giúp học sinh cuối cấp trong những ngày nghỉ tích cực phát huy tinh thần tự học, tìm hiểu để lựa chọn trường, ngành học cho hướng đi sắp tới, thông qua các kênh tư vấn trực tuyến, các chuyên gia, nhà giáo đã cung cấp nhiều thông tin, tư vấn, nêu ý kiến mang tính gợi mở cho các em.

Ưu tiên tiêu chí sở thích, năng lực

Chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực Trần Anh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc học tập ở trường bị gián đoạn là một khó khăn song cần thiết trong thời điểm này.

Không đến trường, không đi học thêm cũng là dịp để học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có thời gian tìm hiểu, dự định các trường, ngành học cho hướng đi sắp tới qua các kênh tư vấn trực tuyến, qua các phương tiện truyền thông.

Theo ông Trần Anh Tuấn, việc chọn nghề, con đường học tập cho tương lai của mỗi học sinh cần tuân theo tiêu chí lần lượt là năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động và khả năng, điều kiện kinh tế của từng gia đình. Bởi vì, nếu có đủ năng lực đáp ứng và sự say mê theo đuổi ngành học và nghề nghiệp dự định thì dù trên con đường học tập hay thậm chí cả trong quá trình tham gia thị trường lao động, nếu có gặp những khó khăn, trở ngại, các em sẽ nỗ lực để vượt qua thay vì buông xuôi.

Bên cạnh đó, không phải sau khi tốt nghiệp bậc Trung học phổ thông học sinh mới có những quyết định về hướng học tập, mà ngay cả các em học sinh lớp 9, việc hướng nghiệp, dự định cho nghề nghiệp tương lai cũng cần được quan tâm. Bởi vì, sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở, có em sẽ tiếp tục học Trung học phổ thông ở các trường công lập, dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc cũng có thể đi học nghề kết hợp với học văn hóa ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước.

Hiện nay, các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trong cả nước đang đào tạo khoảng trên 1.100 nghề ở bậc trung cấp và cao đẳng, gần 600 nghề bậc đại học. Do đó, mỗi học sinh có thể tìm hiểu, cân nhắc để quyết định chọn hướng tiếp tục học văn hóa hoặc học nghề kết hợp với học văn ngay sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở.

Thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực rất đa dạng, đa trình độ, do đó mỗi học sinh có thể yên tâm chọn ngành, trường học phù hợp sở thích, năng lực. Bằng cấp mà các em có được phải đi đôi với giá trị nghề nghiệp thì các em mới có thể đứng vững trong thị trường lao động.

Đặc biệt, ông Trần Anh Tuấn cho biết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, qua các kênh tư vấn trực tuyến, một số học sinh cuối cấp tỏ ra băn khăn nếu chọn đăng ký vào khối các ngành như dịch vụ, du lịch, vì hiện các ngành này đang gặp khó khăn tới mức gần như “đóng băng.”

Song qua việc tư vấn, các chuyên gia, giáo viên đã giải đáp để các em hiểu đây chỉ là tình huống tạm thời. Dịch bệnh chắc chắn sẽ bị đẩy lùi, các ngành dịch vụ, du lịch sẽ hồi phục trở lại và tiếp tục cần nguồn nhân lực ở các trình độ.

Đào tạo tiếng Nhật cho các lao động tại Học viện đào tạo hướng nghiệp của Công ty JHL Group. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Với góc nhìn của một nhà giáo, đồng thời cũng một chuyên gia tâm lý, Tiến sỹ Lê Minh Công, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ dù chọn học ở trường nào, ngành nào, mỗi học sinh cũng cần lưu ý đừng chọn chỉ vì chạy theo xu hướng, vì ngành đó đang “hot,” là niềm tự hào, khát khao của nhiều người. Mỗi học sinh nên tự tìm hiểu xem bản thân có phù hợp và yêu thích ngành học đó hay không.

Tiến sỹ Lê Minh Công cũng lưu ý một số học sinh trong quá trình chọn ngành, chuẩn bị đăng ký xét tuyển đã xảy ra mâu thuẫn với phụ huynh. Trong những trường hợp này, các em nên bình tĩnh, hiểu rằng cha mẹ lo lắng, thương yêu nên mới có ý kiến.

Các em nên có sự trình bày hợp lý, còn phụ huynh cũng nên lắng nghe, tôn trọng sự say mê dựa trên năng lực, khả năng của con em mình.

Giữ vững tinh thần học tập

Theo các giáo viên, nhiều học sinh lớp cuối cấp băn khoăn vì kỳ nghỉ kéo dài ảnh hưởng đến việc hoàn tất nhiệm vụ năm học, cũng như đăng ký nguyện vọng xét tuyển hoặc thi tuyển vào lớp 10, hay các trường cao đẳng, đại học.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Điều quan trọng lúc này là mỗi học sinh cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan y tế về các biện pháp phòng bệnh, giữ vững tinh thần học tập, theo sát lịch học trực tuyến của trường, duy trì nền nếp để sẵn sàng bắt nhịp với việc học tập khi trở lại trường.

Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh), cho biết dù đang phải nghỉ học dài ngày, song các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đại diện ban cha mẹ học sinh của trường thường xuyên liên lạc với học sinh, động viên và nhắc nhở các em hơn lúc nào hết cần phát huy tinh thần tự học, học trực tuyến tại nhà dưới sự hướng dẫn của thầy cô, tích cực rèn luyện sức khỏe.

Các em cũng mạnh dạn trao đổi với thầy cô, các chuyên gia để được giải đáp thắc mắc liên quan đến việc học tập, lựa chọn trường, ngành học cho giai đoạn sắp tới.

Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Ban Giám hiệu một số trường như Trung học phổ thông Thủ Đức, Trung học phổ thông Gia Định, cho biết trong thời gian tạm nghỉ học phòng tránh dịch bệnh COVID-19, bằng nhiều hình thức, giáo viên của trường đã kịp thời thông tin đến học sinh về các chương trình trực tuyến tư vấn tuyển sinh của nhiều trường đại học, cao đẳng để các em học sinh thuận lợi theo dõi và có những dự định đăng ký phù hợp sau khi trở lại trường tiếp tục học tập.

Theo Tiến sỹ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, với việc lựa chọn ngành, trường học cho giai đoạn tiếp theo, các em học sinh lớp 9, lớp 12 không nên quá lo lắng, bởi thực tế có rất nhiều con đường, lối đi khác nhau phù hợp với mỗi em.

Trong thời gian này, dù không đến trường nhưng các em cũng không nên chủ quan, mà cần duy trì động lực học tập, thường xuyên ôn bài, theo dõi các buổi hướng dẫn, giảng dạy trực tuyến của thầy cô, rèn luyện sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và tìm hiểu, cập nhật thông tin liên quan đến hướng nghiệp, tuyển sinh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Khối ngành khoa học xã hội và nhân văn Đại học Duy TânKhám phá script trong công việcHiểu rõ deadline và tầm quan trọng
Liên kết hữu ích