Thanh niên tự tạo việc làm thông qua chăn nuôi bò
Tạo việc làm cho thanh niên nông thôn
Huyện đoàn Tân Thạnh là một trong những đơn vị làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn. Bí thư Huyện đoàn Tân Thạnh - Tô Thành Quốc chia sẻ: Huyện đoàn xác định công tác tuyên truyền, vận động để tạo nên sự đồng thuận cao trong đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong việc thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn. Vì vậy, Huyện đoàn phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tuyên truyền về chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên thông qua việc cấp phát tài liệu, mở lớp dạy nghề phù hợp với địa phương. Theo đó, năm 2015, Huyện đoàn giải quyết việc làm được 1.235/1.500 lao động, đạt 82,3% kế hoạch.
Bên cạnh đó, Huyện đoàn còn phối hợp Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức tập huấn điều tra, cập nhật thông tin biến động cơ sở dữ liệu thị trường lao động cho 13 xã, thị trấn. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Long An tổ chức phiên giao dịch việc làm tại huyện và đã giới thiệu việc làm cho 170 thanh niên. Phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện thẩm định và giải ngân 13,5 tỉ đồng hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Nhờ nguồn vốn vay này mà Đoàn xã Bắc Hòa đã thành lập được mô hình “Tổ thanh niên chăn nuôi bò thịt, sinh sản” mang lại hiệu quả thiết thực.
Đoàn viên Nguyễn Thanh Tân, ngụ ấp Thận Cận, xã Bắc Hòa bày tỏ: “Tham gia vào tổ tôi có điều kiện học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi. Từ đó, không chỉ tạo sự đoàn kết giữa các ĐVTN với nhau mà còn giúp tôi phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Mong rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Được biết, anh Tân bắt đầu chăn nuôi bò từ năm 2013. Được sự hỗ trợ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò giống về nuôi. Đến nay, bò mẹ đã sinh sản được 2 bò con. Theo anh Tân, mỗi con bò giống nuôi trong vòng 18 tháng thì có thể xuất chuồng, anh dự định tiếp tục phát triển đàn và bán bò giống.
Bên cạnh công tác hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên thì công tác đào tạo nghề cho thanh niên cũng được huyện chú trọng thực hiện. Năm 2015, huyện đã mở 17 lớp, như lớp kỹ thuật trồng nấm bào ngư; lớp đan nhựa; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, gà, cá lóc; lớp làm hoa vải; may công nghiệp,... thu hút 500/536 học viên tham gia, đạt 93,2% kế hoạch. Các lớp nghề đã mở gắn với giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn.
Phiên sàn giao dịch việc làm tạo điều kiện để doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ người lao động để tư vấn và giới thiệu việc làm
Kết nối cung - cầu thị trường lao động
Đối với các huyện công nghiệp thì công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm luôn được chú trọng thực hiện thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, TTDVVL Long An. Năm 2015, Huyện đoàn Bến Lức phối hợp TTDVVL Long An tổ chức tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho 3.200 thanh niên. Theo đó, có 1.250 ĐVTN được dạy nghề và 320 ĐVTN được giải quyết việc làm.
Ngoài ra, Huyện đoàn phối hợp trung tâm cấp phát các tờ rơi về thông tin thị trường lao động kết hợp với thông tin trên mạng internet để ĐVTN tìm kiếm việc làm và các thông tin phục vụ việc kinh doanh, sản xuất. Đồng thời, phối hợp tổ chức phiên sàn giao dịch việc làm vào ngày 5 và 15 tây hàng tháng; tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến qua màn ảnh tại trung tâm.
Em Lê Thị Thu Thảo, SN 1993, hiện đang làm việc tại Cty TNHH cơ khí Hồng Ký, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp, em phân vân không biết đi đâu để nộp hồ sơ, được Huyện đoàn hướng dẫn đến TTDVVL Long An để được tư vấn. Nhờ vậy mà em tìm được việc làm với thu nhập bước đầu khá ổn định. TTDVVL Long An là địa điểm đáng tin cậy, vì vậy, các bạn khi ra trường hoặc lao động phổ thông cần tìm việc thì nên đến đây để tìm hiểu, được tư vấn và giới thiệu việc làm phù hớp với ngành nghề được đào tạo, phù hợp với khả năng của mình”.
Giám đốc TTDVVL Long An-Nguyễn Hữu Sơn cho biết: Trung tâm chú trọng khảo sát, tìm hiểu thị trường lao động, luôn tạo mối quan hệ mật thiết với các Cty, doanh nghiệp để trao đổi, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề của các Cty, doanh nghiệp. Từ đó, có định hướng đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động phù hợp nhu cầu tuyển dụng của các Cty, doanh nghiệp. Ngoài ra, trung tâm còn thông tin yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, để người lao động tự học, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Mỗi năm trung tâm tư vấn cho hơn 60.000 lượt lao động; giới thiệu việc làm trực tiếp cho trên 5.400 người, trong đó có việc làm ổn định đạt trên 80%. Qua thống kê, tổng hợp, trong năm 2015, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp qua trung tâm tăng so với năm 2014. Năm qua, có 424 doanh nghiệp/1.826 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động qua trung tâm và các chi nhánh thuộc trung tâm, với tổng số trên 68.000 việc làm, tăng 28% so với năm 2014.
Có thể nói, nhận thức của các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hỗ trợ thanh niên hướng nghiệp, học nghề và giải quyết việc làm. Từ đó, công tác phối hợp tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm cho thanh niên được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao ý thức vươn lên trên con đường lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng của thanh niên cũng như góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh tỉnh nhà.
Hàng năm, Tỉnh đoàn tổ chức 2 đến 3 đợt tuyên truyền cao điểm tại các huyện, thị xã, thành phố và các điểm trường trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên, học sinh về học nghề lập nghiệp. Đồng thời, phối hợp tổ chức thường xuyên được khoảng 50 chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 50.000 lượt học sinh; chỉ đạo các cơ sở Đoàn trong tỉnh tổ chức trên 270 buổi “tư vấn định hướng chọn trường, chọn nghề cho học sinh”, đã thu hút gần 55.000 lượt em tham gia. Từ năm 2009 đến nay, các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức trên 1.900 lớp dạy nghề cho gần 50.000 thanh niên, người lao động; phối hợp tổ chức 84 hoạt động giao dịch việc làm cho hơn 110.000 lượt thanh niên, người lao động tham gia và tư vấn, giới thiệu cho hơn 95.000 lượt thanh niên, người lao động tìm được việc làm. Theo đó, có 56.000 thanh niên, người lao động có việc làm ổn định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.881 tổ hợp tác, câu lạc bộ, với trên 51.000 thanh niên và 65 hợp tác xã đang hoạt động với trên 39.000 xã viên, trong đó có gần 37.000 thanh niên. |
Ngọc Mận