Tiếng Việt | English

25/07/2017 - 05:30

Hy sinh thầm lặng

Dù thời chiến hay thời bình, họ luôn là những phụ nữ bình thường, nhưng đằng sau sự dịu dàng thường thấy là một nghị lực hơn người để có thể làm tròn vai trò hậu phương vững chắc.

Những năm tháng gian nan lùi xa, nhưng mẹ Nguyễn Thị Bông vẫn rất trầm ngâm khi nghĩ về quá khứ

"Đâu chỉ trong chiến tranh mới có
những người mẹ, người vợ anh hùng, ngay cả khi đất nước bình yên, vẫn có rất nhiều người phụ nữ đang ngày đêm một mình vật lộn cùng biết bao khó khăn để chồng yên tâm công tác.
"

Hy sinh thầm lặng

Nhìn những tháng ngày an hưởng tuổi già của mẹ Nguyễn Thị Bông ở xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An ít ai biết mẹ từng có những ngày tuổi trẻ đầy nước mắt và kiên cường. Mẹ Bông là Mẹ Việt Nam Anh hùng, có chồng và 1 con là liệt sĩ, bản thân mẹ cũng từng bị địch bắt và tra tấn. 

Những ngày đó, người thiếu phụ Nguyễn Thị Bông một nách 5 con, vừa lo cho con, vừa làm liên lạc, tiếp tế cho cách mạng. Con trai lớn mới 3 tuổi, chồng mẹ thoát ly, hoạt động bí mật, nên dù ở gần nhà nhưng những lần về thăm nhà đều bí mật và vội vã. Bao nhiêu khó khăn, vất vả chồng chất lên đôi vai người vợ.

Mẹ Bông kể, lúc đó, con còn nhỏ, nhà nghèo, mẹ phải gửi con, đi làm thuê đủ việc để trang trải cuộc sống. Tranh thủ lúc nghỉ trưa, mẹ làm nhiệm vụ đưa thư, phục vụ cách mạng.

Mẹ nhớ lại: “Hồi đó, mẹ đi cấy mướn. Tranh thủ đi thật sớm để kịp người ta, lúc họ nghỉ trưa thì mình băng đồng đi chuyển thư rồi về làm buổi chiều. Chứ bỏ việc để đi thì không được”.

Đó là những ngày tháng chẳng có chút thời gian cho mình, tất cả dành cho các con và cách mạng. Thỉnh thoảng, có cán bộ ghé lại nhà, mẹ tiếp tế cơm, gạo, thức ăn, thuốc hút,... và trở thành hậu phương vững chắc cho chồng cũng như những cán bộ, chiến sĩ đang hoạt động bí mật.

Để đảm nhiệm được trọn vẹn nhiệm vụ cách mạng giao cũng như nuôi dạy các con, mẹ Bông không quản vất vả, gian lao. Khó khăn, vất vả là vậy, mẹ vẫn giữ vững niềm tin để chồng yên tâm công tác. Thỉnh thoảng, chồng bí mật ghé thăm nhà cùng vợ con. Mẹ bảo, như thế vẫn hơn những người có chồng đi mặt trận, biền biệt bao năm chẳng thấy về nhà.

Mẹ nhớ có lần giận chồng đến bật khóc khi biết ông vừa bình phục sau khi bị thương “thập tử nhất sinh”. Mẹ nói khi đôi mắt vẫn nhìn xa xăm: “Cách có bao xa mà ông ấy bị thương, không ai cho mình biết. Họ chuyển lên quân y luôn. Tới chừng ông ấy về thăm nhà thì mẹ mới biết. Tức mình lắm!”.

Chúng tôi có thể hiểu nỗi “tức mình” của mẹ. Bởi lẽ, trong sâu thẳm của người đàn bà mạnh mẽ ấy, điều quan trọng nhất vẫn là gia đình, là chồng, là con của mình.

Ngày chồng hy sinh, mẹ đang mang thai người con út. Mẹ nói, lúc đó mẹ không khóc, để chu toàn mọi việc cho chồng. Nhưng hôm nay, khi nhắc lại chuyện xưa, chúng tôi thấy nước mắt mẹ lưng tròng.
Và nỗi đau đó vẫn theo mẹ mãi đến sau này. Rồi con trai mẹ lại hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ khi đất nước đã yên tiếng súng! Mẹ quyết định dọn nhà đi, như để trốn quá khứ với bao kỷ niệm.

Rồi những người con còn lại cũng lần lượt lớn lên, có cuộc sống ổn định. Nối nghiệp gia đình, các anh, các chị cũng đang góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. Giờ đây, cuộc sống của mẹ Bông an vui bên con, cháu nhưng thỉnh thoảng, mẹ vẫn ngồi lặng hàng giờ để nhớ chuyện... ngày xưa!

Mạnh mẽ, kiên cường

Đâu chỉ trong chiến tranh mới có những người mẹ, người vợ anh hùng, ngay cả khi đất nước bình yên, vẫn có rất nhiều người phụ nữ đang ngày đêm một mình vật lộn cùng biết bao khó khăn để chồng yên tâm công tác.

Đó có thể là cô gái trẻ ở Hà Nội, sau ngày cưới lặng lẽ “phòng không chiếc bóng” khi chồng nhận nhiệm vụ ở vùng biên giới miền Nam. Cũng có người, đơn vị nơi chồng đóng quân cách nhà chừng vài ba cây số nhưng chẳng có nhiều cơ hội gặp nhau. Bao nhiêu vất vả chất hết lên đôi vai người làm vợ, làm mẹ.

Dù đối mặt với trùng trùng khó khăn trước mắt, Ngọc Quỳnh vẫn động viên chồng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giaoChúng tôi đến gặp Ngọc Quỳnh - vợ của hạ sĩ Lý Kim Tài, đang phục vụ tại Tiểu đoàn 1, huyện Thạnh Hóa. Quỳnh năm nay 23 tuổi, con trai vừa tròn tuổi, chồng Quỳnh phục vụ quân đội được hơn 1 năm, đơn vị gần nhà.

Trò chuyện với Quỳnh, chúng tôi biết rõ, để Tài có thể yên tâm làm nhiệm vụ, Quỳnh mạnh mẽ một mình đối diện với trùng trùng khó khăn. Sau ngày cưới chừng 3 tháng, Tài nhập ngũ, cô dâu mới ở lại nhà chồng chờ đợi niềm vui đang được ươm mầm. Con trai ra đời sau lần “đi biển mồ côi” là niềm hy vọng để Quỳnh thêm mạnh mẽ trong những lúc chồng không có ở bên.

Nhưng bé Đăng Khoa lại có thể trạng yếu, sau sinh chẳng bao lâu, Quỳnh bồng bế con lên bệnh viện và lưu lại đó suốt gần 1 tháng vì bé vị nhiễm trùng huyết, viêm não. Làm mẹ trẻ, không có chồng bên cạnh, con lại bệnh sau sinh chẳng bao lâu nên khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhưng Quỳnh nói: “Lúc đó có cha mẹ hai bên giúp đỡ. May mà cháu không sao. Bây giờ, thấy cháu vui vẻ, phát triển bình thường là em vui nhất rồi!”.

Mọi thứ vẫn chưa dừng lại, cô gái 23 tuổi phát hiện mình mắc bệnh ung thư. Mọi kế hoạch cho tương lai tạm thời dừng lại. Lúc đó, có lẽ là thời khắc người phụ nữ cần nhất sự an ủi, động viên từ phía chồng nhưng... Tài vẫn đang làm nhiệm vụ. Đơn vị cách nhà không xa nhưng “kỷ luật vẫn là kỷ luật”. Thỉnh thoảng, Tài được cấp trên tạo điều kiện về thăm gia đình. Với Quỳnh, đó là hạnh phúc!

Mặc dù bản thân đang phải “vật lộn” với nỗi đau thể xác, thiếu thốn về tinh thần, Quỳnh vẫn động viên Tài hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi ngày, đôi vợ chồng trẻ vẫn gọi điện thoại cho nhau.

Quỳnh kể: “Mỗi tối, anh Tài đều tranh thủ điện về hỏi thăm. Ban ngày ảnh bận lắm! Em cũng không muốn làm phiền, để ảnh yên tâm công tác. Thấy ảnh thích được sống trong môi trường quân ngũ nên em cứ hỏi về kế hoạch nỗ lực phục vụ lâu dài”.

Chúng tôi thắc mắc vì Quỳnh vẫn muốn động viên chồng phục vụ lâu dài mặc dù hoàn cảnh gia đình đang khó khăn. Cha Quỳnh cho chúng tôi hay: “Nó thích làm công an với bộ đội lắm! Nhưng là con gái nên cũng khó”.

Thì ra, đó là lý do Ngọc Quỳnh vẫn nỗ lực từng ngày để chồng có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Giờ đây, khi bạn đọc đọc những dòng này thì người vợ trẻ Ngọc Quỳnh vẫn đang cùng gia đình khắc phục khó khăn, giữ vững “hậu phương” để hạ sĩ Lý Kim Tài yên tâm làm nhiệm vụ. Chúng tôi mong rằng, với những tiến bộ của ngành Y và niềm tin của người vợ trẻ, Quỳnh sẽ nhanh khỏi bệnh để tiếp tục vững vàng làm hậu phương vững chắc cho chồng./.

Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết