Tiếng Việt | English

26/04/2018 - 05:38

Iran phản đối đề xuất của Mỹ và Pháp về thỏa thuận hạt nhân mới

Ngày 25/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thể hiện sự hoài nghi với tính hợp pháp trong đề xuất của Mỹ và Pháp về một thỏa thuận hạt nhân mới.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Quân đội Iran tại Tehran ngày 18/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên trên hình, nhà lãnh đạo Iran cho rằng Mỹ và Pháp không có quyền và lý do gì để đưa ra quyết định cho thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

Ông Rouhani nhấn mạnh thông qua việc chấp nhận thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 này, Iran đã chứng minh thiện chí với cả thế giới rằng nước cộng hòa Hồi giáo không theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trước đó, sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ngày 24/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một "thỏa thuận mới" củng cố hơn nữa JCPOA và phù hợp với mong muốn của ông Trump, như chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hay ảnh hưởng gia tăng của Iran trong khu vực.

Theo đề xuất của ông Macron, Mỹ và châu Âu sẽ chặn bất kỳ hoạt động hạt nhân nào của Iran cho đến năm 2025, cũng như giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và tạo ra điều kiện phù hợp cho giải pháp chính trị nhằm ngăn ảnh hưởng của Tehran tại Yemen, Syria, Iraq và Liban.

Cũng liên quan JCPOA, ngày 25/4, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố thỏa thuận hạt nhân Iran hiện nay vẫn "đang hoạt động" và cần được bảo vệ. Theo đại diện EU, chuyện gì xảy ra trong tương lai thì sẽ xem xét trong tương lại, song hiện đang tồn tại một thỏa thuận hạt nhân với Iran và thỏa thuận này cần được gìn giữ. 

Theo thỏa thuận ký ngày 14/7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế liên quan chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, ông Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt. Nhà lãnh đạo Mỹ yêu cầu soạn hiệp định bổ sung cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, hoặc soạn thảo một cơ chế khác cho phép loại bỏ quan ngại của Washington bằng các hoạt động cụ thể của Tehran.

Trong khi đó, Iran đã tuyên bố sẽ không đàm phán lại, và sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Hiện các nước EU tham gia ký thỏa thuận đang nỗ lực thuyết phục chính quyền của Tổng thống Trump tiếp tục duy trì JCPOA./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết