Tiếng Việt | English

27/11/2017 - 05:07

Ireland cảnh báo lập trường 'cứng rắn' sau khi nước Anh rời EU

Ireland khẳng định sẽ "duy trì lập trường cứng rắn" về cảnh báo phủ quyết các cuộc đàm phán thương mại sau Brexit trừ phi London đảm bảo về đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Thủ tướng Anh Theresa May (phải) và Thủ tướng Ireland Leo Varadkar trong cuộc gặp tại London, Anh ngày 19/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy viên Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Liên minh châu Âu (EU) của Ireland Phil Hogan ngày 26/11 khẳng định Dublin sẽ "duy trì lập trường cứng rắn" về cảnh báo phủ quyết các cuộc đàm phán thương mại sau khi Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, trừ phi London đảm bảo về đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Trả lời phỏng vấn tờ Observer, quan chức trên nêu rõ Anh, hoặc ít nhất là Bắc Ireland vẫn nên nằm trong thị trường chung và liên minh hải quan của EU để tránh một đường biên giới cứng phân chia hòn đảo này.

Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Anh sẽ rời khỏi thị trường chung và liên minh hải quan của châu Âu sau Brexit.

Do đó, Dublin muốn có được sự đảm bảo trên giấy tờ rằng sẽ không có đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.

Về phần mình, EU nhấn mạnh cần phải đạt được tiến bộ nhất định về biên giới Ireland, cùng với hai vấn đề then chốt khác, trước khi các nhà lãnh đạo EU có thể thông qua việc mở màn đàm phán thương mại trong năm tới tại hội nghị EU, dự kiến diễn ra vào ngày 14-15/12 tới.

Giới chức tại Dublin và Brussels đều cho rằng cách tốt nhất để tránh đường biên giới cứng, có thể dẫn đến kiểm soát hộ chiếu và hải quan, là giữ nguyên quy định giống nhau giữa phía khu vực phía Bắc và phía Nam, song đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) đang ủng hộ chính phủ của bà May sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào khiến vùng này này vận hành khác với những quy định của phần còn lại thuộc Vương quốc Anh.

Lãnh đạo DUP Arlene Foster nhấn mạnh đảng này sẽ không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào tạo ra ràn cản thương mại giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh, hoặc bất kỳ đề xuất nào về việc Bắc Ireland là khu vực duy nhất thuộc Anh phải áp dụng quy định của EU.

Lãnh đạo phe Bảo thủ Scotland Ruth Davidson nhận định biên giới Ireland là một trong những vấn đề nhức nhối nhất trong các cuộc đàm phán Brexit.

Theo bà, bất kỳ sự trì hoãn trong việc chuyển sang giai đoạn đàm phán thương mại sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp.

Bà cảnh báo nếu không chuyển sang được giai đoạn tiếp theo trong 2 tuần tới thì sẽ không còn thời gian để giành lấy vị trí thuận lợi vào giai đoạn thỏa thuận chuyển tiếp sẽ diễn ra.

Trước đó, hôm 10/11, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã ra tối hậu thư yêu cầu Anh trong 2 tuần phải đưa ra các nhượng bộ về thỏa thuận "ly hôn" nếu muốn bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán song phương trong tháng 12 tới.

Theo ông, việc Anh tăng đề nghị chi trả cho "hóa đơn rời EU" - mà các quan chức cấp cao EU đưa ra ở mức 60 tỷ euro (tương đương 70 tỷ USD), có ý nghĩa "sống còn" trong đàm phán giữa hai bên.

Đây là một trong 3 vấn đề then chốt mà EU yêu cầu đạt được tiến bộ đáng kể để chấp nhận mở ra giai đoạn đàm phán thứ hai về mối quan hệ thương mại song phương hậu Brexit.

Các vấn đề này bao gồm quyền của các công dân châu Âu sinh sống và làm việc tại Anh, vấn đề thanh toán "các hóa đơn" Brexit và biên giới tương lai giữa Ireland với vùng Bắc Ireland của Anh./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết