Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

IS chu cấp tiền cho tuần trăng mật của chiến binh Hồi giáo

Khi kết hôn, chiến binh IS được cấp 1.500 USD để lo nhà cửa và tận hưởng tuần “trăng mật” lãng mạn. Khi sinh con, y được nhận thêm 400 USD nữa.

Tuần trăng mật của lính IS là một kỳ nghỉ ngắn chỉ dành cho tình yêu, không phải ra trận. Tại “thủ đô” Raqqa của Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, chiến binh Syria Abu Bilal al-Homsi được gặp mặt cô dâu người Tunisia lần đầu tiên sau nhiều tháng chat chit trên mạng. Họ làm lễ cưới, rồi trong những ngày sau đó 2 người cùng đi ăn đồ nướng tại các nhà hàng Raqqa, tản bộ bên dòng sông Euphrates và thưởng thức món kem lạnh.

Một chiến binh IS cầm AK thư giãn bên bờ sông Euphrates (ảnh: website chiến binh Hồi giáo)

Làm được những điều này là nhờ al-Homsi nhận được từ tổ chức IS khoản tiền thưởng cho việc cưới vợ là 1.500 USD để anh ta và vợ bắt đầu cuộc sống gia đình riêng cũng như đi nghỉ trăng mật.

Sào huyệt của khủng bố tàn bạo

Al-Homsi nói về thành phố Raqqa vốn là tỉnh lỵ ven sông: “Nó có mọi thứ cần thiết cho một đám cưới”.

Trong quãng thời gian 18 tháng kể từ khi IS chiếm được thành phố này, nơi đây đã phải chứng kiến cảnh các chiến binh IS chặt đầu đối thủ hay ném đá đến chết những người bị kết tội ngoại tình ngay tại quảng trường chính của thành phố. Các chiến binh gác tại các chốt kiểm soát trong thành phố giám sát kỹ càng những người qua đường để dò tìm bất cứ dấu hiệu nào chúng cho là vi phạm luật Sharia (luật Hồi giáo). Các dấu hiệu có khi rất vặt vãnh như gel tóc hay để râu không đúng kiểu.

Nhà một số chỉ huy IS có chứa đàn bà con gái thuộc bộ tộc Yazidi bị bắt cóc ở Iraq và đem về đây làm nô lệ tình dục.

Nhóm IS khét tiếng về các tội ác mà chúng phạm phải khi chiếm nhiều vùng lãnh thổ của Syria và nước láng giềng Iraq. Nhưng đối với những người ủng hộ IS thì tổ chức này đang triển khai một dự án tham vọng: Xây dựng một quốc gia mới cai quản bằng “Luật của Allah”, theo như cách gọi của các phần tử cực đoan. Quốc gia này sẽ gồm những người Hồi giáo trên khắp thế giới đã tẩy bỏ các quốc tịch của mình và tự thống nhất với nhau trong “Caliphate”.

Để đạt được điều đó, tổ chức IS đã lập ra một hệ thống phúc lợi hào phóng để ổn định cuộc sống của hàng ngàn chiến binh jihad – cả nam lẫn nữ, những kẻ đã đổ tới lãnh thổ của IS từ thế giới Arab, từ châu Âu, Trung Á và cả Mỹ. Kể từ khi thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố vào mùa hè năm 2014 về sự ra đời của một Caliphate, gã này mời gọi không chỉ các chiến binh mà còn cả các bác sĩ, kỹ sư, nhà quản trị và các chuyên gia tới đây.

Sử dụng bí danh, al-Homsi nói: “Vấn đề không chỉ là chuyện chiến đấu. Còn có các thể chế. Có dân thường và các vùng lãnh thổ rộng lớn. Tổ chức phải giúp những người từ các nước khác đến xây dựng gia đình riêng. Đây là các nhân tố cấu thành một nhà nước có trách nhiệm chăm nom các chủ thể của mình”. Al-Homsi nói chuyện với hãng thông tấn AP qua mạng Skype trong một loạt phỏng vấn giúp công chúng có cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống riêng tư của một chiến binh IS.

Có thể dễ nhận ra tầng lớp có thế lực mới nổi lên ở Raqqa - thành phố lớn nhất Syria bị các phần tử cực đoan chiếm đóng.

Các ngôi nhà và căn hộ sang trọng, từng thuộc về các quan chức thuộc chính quyền al-Assad nay đã bị tầng lớp IS mới cầm quyền - đặc biệt là các tư lệnh cấp cao người Iraq - chiếm giữ. Thông tin này do một thành viên dùng bí danh Abu Ibrahim al-Raqqawi thuộc nhóm truyền thông chống IS ở Raqqa cung cấp.

Một khu bảo tồn thiên nhiên gần đó dùng để bảo vệ hươu đã bị biến thành một khu vực quân sự. Dân thường bị cấm lai vãng tới đây. Các tư lệnh quân sự cấp cao được tổ chức IS thanh toán tiền xăng xe. Các chiến binh IS không bị tính phí nhập viện tai các bệnh viện trong thành phố như đối với các đối tượng khác. IS đã lập một trường mẫu giáo sử dụng tiếng Anh dành cho con em các chiến binh Jihad nói tiếng Anh. Chúng cũng cung cấp dịch vụ xe bus từ Raqqa đi các vùng lãnh thổ IS chiếm đóng ở Iraq và Syria.

Siêu thị đầy ắp hàng, đủ mọi thứ

Raqqa nằm ở trung tâm vùng IS kiểm soát nên ít bị ảnh hưởng bởi chiến sự ở xung quanh lãnh thổ IS. Các siêu thị của Raqqa đầy hàng hóa, mặc dù theo al-Raqqaw chỉ các chiến binh IS mới có thể mua các xa xỉ phẩm nhập ngoại như là hàng Nutella. Các nhân vật IS cấp cao cũng sở hữu hầu hết các quán café internet trong thành phố, và bán quyền truy cập internet cho các cư dân theo megabyte.

Một chiến binh IS (phải) nói chuyện với một người bán nước hoa đường phố (ảnh: website chiến binh)

Al-Raqqawi nói: “Thành phố ổn định, có tất cả các dịch vụ và tất cả những thứ cần thiết, không như vùng nông thôn mà IS kiểm soát”. “Raqqa bây giờ giống như New York mới” của vương quốc Hồi giáo.

Giúp đỡ các tay súng kết hôn là ưu tiên hàng đầu. Ngoài khoản lương thông thường, mỗi chiến binh ngoại nhận thêm 500 USD khi lập gia đình, số tiền đó coi như để giúp chúng xây tổ ấm.

Aymenn al-Tamimi, một chuyên gia về các nhóm nổi dậy, cho biết khi IS chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq vào giữa năm 2014, một trong những điều đầu tiên mà các chiến binh thực hiện là lập ra một tòa án Hồi giáo. Nhiệm vụ của tòa này không chỉ là để tuyên các bản án theo phiên bản luật Sharia hà khắc của các phiến quân IS, mà còn thay mặt IS “chính thức công nhận các hôn nhân”.

Sở dĩ gã trai al-Homsi 28 tuổi nhận được khoản tiền thưởng rất lớn là vì đám cưới của y (diễn ra hồi tháng 4) đã mang tới cho IS một tân binh rất hữu ích, đó là vợ y, kẻ dùng bí danh là Umm Bilal. Ả này là một bác sĩ, nói được 4 thứ tiếng. Gã chồng cho biết vợ mình sẽ phục vụ Caliphate.

AP đã trao đổi với al-Homsi liên tục trong 3 năm qua, khi y khởi đầu làm một nhà hoạt động chuyên phản ánh về chiến sự ở thành phố quê nhà Homs thuộc miền trung Syria. Là một chuyên gia công nghệ thông tin trước khi nội chiến Syria nổ ra, al-Homsi đã đưa tin đều đặn trên truyền thông xã hội về cuộc bao vây thành phố Homs do quân đội Assad tiến hành trong 2 năm.

Y luôn là một kẻ Hồi giáo cực đoan siêu bảo thủ. Tâm sự với AP, y cho biết y đã ủng hộ IS từ năm 2013. Chính việc bị kẹt trong thành phố Homs bị bao vây đã biến hắn từ một nhà hoạt động trở thành một chiến binh. Khi cuộc bao vây kết thúc bằng một hòa ước vào tháng 5/2014, al-Homsi ngày càng cứng rắn hơn và kể từ đó đã gia nhập nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Quen nhau qua mạng xã hội

Chính thông qua hoạt động truyền thông xã hội mà y gặp được vợ mình. Từ Tunisia cô gái này đã ngưỡng mộ các “comment” cũng như các thông báo ngắn gọn của y trên mạng.

Khẽ mỉm cười, al-Homsi nói: “Cô ấy là một người theo dõi tin tức của tôi trước đây, trong quá trình chúng tôi bị bao vây.”

Sau khi giao tiếp với cô gái này qua mạng Skype và internet, al-Homsi biết thêm anh trai của ả đã gia nhập Nhà nước Hồi giáo tự xưng và đã ở thành phố Deir al-Zour miền đông Syria.

Theo tục lệ, al-Homsi xin phép anh trai của cô gái Tunisia để được “cưới em”.

Cô dâu tương lai 24 tuổi đã đi từ Algeria sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó sang Syria cùng một nhóm phụ nữ gia nhập IS. Tại đây, các phụ nữ được bố trí ở tại một nhà khách dành cho nữ giới, đây cũng là trụ sở của “Lực lượng cảnh sát nữ IS có tên Đội Khansa”.

Al-Raqqawi, nhà hoạt động truyền thông chống IS cho biết: “Đấy là một nơi sang trọng, có vườn, điều hòa, đồ đạc đẹp đẽ, như căn hộ ở châu Âu vậy”. Nhờ đó những người di cư sang đây không cảm thấy lạc lõng. Giống nhiều người khác trong nhóm truyền thông của mình, al-Raqqawi sử dụng mật danh để bảo đảm an ninh cho bản thân và không nói rõ khu vực mình đang ở.

Trong khi đó, hồi tháng 4, al-Homsi đã thực hiện chuyến đi mạo hiểm dài 250km từ Homs tới Raqqa để hội ngộ với người đẹp. Y mang theo lời giới thiệu của tư lệnh địa phương để chứng minh tư cách thành viên của mình trong lực lượng IS.

Đây là một trường hợp kết hôn hiếm hoi giữa một chiến binh nam người Syria – một “ansari” theo cách gọi của IS, với một người nước ngoài nhập cư, hay còn gọi là “muhajira”.

Các thuật ngữ Arab này gợi nhắc tới thời kỳ Nhà tiên tri Mohammad xưa khi ông này rời bỏ thành phố quê hương Mecca chạy tới thành phố Medina để trốn các đối thủ của mình. Những người Mecca đi theo ủng hộ ông được gọi là muhajireen tức “người di cư”, còn những cư dân Medina đón chào họ thì được gọi là các ansari hay “người ủng hộ”.

Thường thường phụ nữ ngoại quốc sẽ kết hôn với các chiến binh ngoại quốc bên trong lực lượng IS. Al-Homsi nhớ lại trường hợp một chiến binh jihad người Pháp chuẩn bị cưới một phụ nữ Pháp tới gia nhập IS. Gã này tử trận nhưng trong di chúc, gã yêu cầu nếu cái chết xảy đến với mình thì vị hôn thê của mình sẽ lấy người bạn Thụy Sĩ của y. Và cô ả đó đã gật đầu đồng ý.

Nhiều phụ cấp

Trong vài ngày trăng mật, al-Homsi và tân nương cùng tận hưởng sự yên bình, những cuộc tản bộ bên bờ sông, và nhà hàng tại Raqqa. Trong thời gian ở đó, hai người cùng ở trong một căn hộ mà al-Homsi mượn của bạn.

Sau đó cặp vợ chồng này cùng quay về vùng nông thôn quanh Homs, nơi các chiến binh IS đang bám trụ trước lực lượng của Tổng thống Assad và các lực lượng nổi loạn đối lập.

Tại vùng thôn quê, al-Homsi đã sử dụng tiền thưởng để chuẩn bị nhà cửa cho cô dâu mới cùng 4 con mèo của y. Cặp đôi sắp có em bé và hy vọng sẽ nhận thêm một khoản tiền nữa cho ca sinh này, vì nhóm IS có thể cấp tới 400 USD tiền thưởng cho mỗi em bé được sinh ra.

Hiện thời, IS trợ cấp cho y 50 USD mỗi tháng, và vợ y cũng được nhận một khoản trợ cấp tương tự. Số tiền này, theo al-Homsi, chỉ để “giải trí” thôi.

Mọi thứ khác đều được thanh toán: Phụ cấp đồng phục và quần áo, thiết bị vệ sinh nhà cửa, và lương thực mỗi tháng trị giá 65 USD.

Al-Homsi tuyên bố, nhiệm vụ của “nhà nước” là chăm sóc gia đình chiến binh khi y đi đánh trận để mở rộng vương quốc Hồi giáo IS. Ngay sau khi trả lời phỏng vấn của AP, y đã quay trở lại chiến trường cùng với các “đồng đội” đã chiếm được thành cổ Palmyra của Syria vào đầu tháng 5./.

Trung Hiếu/VOV (dịch từ AP)

Chia sẻ bài viết