Tiếng Việt | English

19/12/2024 - 06:38

Kế thừa và phát huy giá trị nghệ thuật quân sự trong lực lượng vũ trang

Kế thừa, vận dụng nghệ thuật quân sự Việt Nam, kinh nghiệm chiến đấu của quân - dân tỉnh Long An thành những bài học cụ thể, thiết thực vào quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) tại đơn vị là nội dung quan trọng. Qua đó, góp phần giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có nhãn quan sâu sắc trong hoạt động thực tiễn quân sự, nâng cao chất lượng, khả năng thực hiện nhiệm vụ SSCĐ của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh.

Đại tá Trần Đình Hưng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh được sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, được Nhân dân đùm bọc, che chở.

Trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quân - dân Long An đã vận dụng, phát huy nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam, lập những chiến công vang dội, viết nên “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Với tư tưởng chủ đạo “Toàn dân đánh giặc, lấy LLVT nhân dân làm nòng cốt”, ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa chống thực dân Pháp, tổ chức Đảng tại địa phương đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền. Sáng ngày 22/8/1945, hơn 4.000 quần chúng cách mạng, với tầm vông, giáo mác, khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng từ Châu Thành, Thủ Thừa đổ về dinh Tỉnh trưởng. Trước rừng cờ, rừng người, UBND cách mạng lâm thời do đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Chủ tịch ra mắt đồng bào.

Cùng thời điểm trên, những tổ chức tiền thân của LLVT Long An cũng nhanh chóng được thành lập để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. “Tự vệ chiến đấu”, “du kích địa phương” được hình thành để bảo vệ xóm làng. Dù chưa được trang bị nhiều vũ khí nhưng bằng những kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, lực lượng tự vệ, du kích địa phương đã kết hợp phục kích và bẫy chông để làm tiêu hao quân địch.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng bằng quyết tâm chính trị, sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy Đảng, LLVT tỉnh không ngừng phát triển các đại đội, tiểu đoàn chủ lực trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ chỗ đánh nhỏ, lẻ tiêu diệt từng toán, tốp, tiểu đội địch, tiến lên đánh vừa và đánh lớn, tiêu diệt gọn từng đại đội, tiểu đoàn địch.

Với những kinh nghiệm của kháng chiến chống thực dân Pháp, LLVT Long An chủ động xây dựng căn cứ địa trong dân và căn cứ trên địa hình trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hai hình thức này được kết hợp chặt chẽ, tạo nên sức mạnh to lớn trong đánh giặc ngoại xâm, củng cố chính quyền cách mạng.

Nội dung mấu chốt trong xây dựng căn cứ địa là vận động nhân dân bám trụ các địa hình có giá trị quân sự, tạo điều kiện cho LLVT có thể sinh hoạt trong dân, tạo nguồn cung cấp từ nhân dân và khi chiến đấu có thể triển khai được ngay. Căn cứ địa trong dân đã phát huy hiệu quả. Các đội vũ trang ngày càng tỏa rộng, bám sâu vào nhân dân, được nhân dân che chở, nuôi dưỡng.

Đại tá Trần Đình Hưng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại Chốt dân quân biên giới Bình Thạnh

Thực hiện tư tưởng “Chủ động, tích cực tiến công”, “Lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều” về chiến lược; đồng thời, biết tập trung lực lượng nhiều hơn địch một cách hợp lý để đánh thắng địch trong các chiến dịch và các trận chiến đấu, LLVT tỉnh chủ động lựa chọn đối tượng, mục tiêu tác chiến, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không cho địch phát huy sở trường, hạn chế sức mạnh của chúng. LLVT tỉnh thực hiện nhiều trận đánh vang dội làm cho địch hoang mang, lo sợ.

Năm 1960, Đại đội 1 cơ động ra đời (đơn vị tiền thân của Tiểu đoàn 1) đã đánh dấu một bước phát triển mới về nhiệm vụ, khả năng chiến đấu của LLVT Long An. Trận đánh căn cứ Hiệp Hòa (năm 1963) của Đại đội 1 cơ động là minh chứng tiêu biểu cho nét đặc sắc về tác chiến của bộ đội Long An trong kháng chiến bằng cách đánh công đồn kết hợp nhiều lực lượng, nhiều thủ đoạn chiến thuật của cường tập và kỳ tập kết hợp cả tấn công quân sự với tấn công binh vận cùng đấu tranh chính trị quần chúng.

Bên cạnh đó, LLVT tỉnh còn gây tiếng vang bởi chiến thuật đánh bồi, đánh nhồi. Mỗi lần tổ chức trận đánh tiêu diệt quân địch, các đơn vị của LLVT tỉnh tổ chức đánh lần 1 rồi nhanh chóng rút quân. Khi địch chưa kịp hoàn hồn, củng cố lại lực lượng, đơn vị lại tiếp tục quay lại đánh lần 2, lần 3 khiến địch không kịp trở tay. Đây cũng là cách đánh độc đáo khiến quân địch phải khiếp sợ. Bộ đội chủ lực và bộ đội các địa phương đều áp dụng cách đánh này.

Cách đánh bồi, đánh nhồi đã trở thành biện pháp cơ bản để mở rộng vùng giải phóng ở Long An. Nhờ đó, sĩ khí chiến đấu của các chiến sĩ không ngừng được nâng cao, nhân dân càng tin tưởng vào cách mạng.

Với lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, vận dụng linh hoạt các phương thức tác chiến, sử dụng sáng tạo trong cách đánh phù hợp với tình hình thực tế, quân, dân Long An đã góp phần vào thành công của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn hiện nay, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về xây dựng khu vực phòng thủ; chủ trương xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” theo tinh thần Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị (khóa XIII), Nghị quyết số 230 của Quân ủy Trung ương và Kế hoạch số 1228 của Bộ Quốc phòng, những năm qua, việc nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của LLVT tỉnh, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, LLVT tỉnh đẩy mạnh tổng kết kinh nghiệm, truyền thống các đơn vị trong LLVT thành những bài học cụ thể, thiết thực giáo dục cho đơn vị, từng bước phát triển phù hợp với điều kiện tác chiến mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Qua đó, chỉ huy các cơ quan, đơn vị có tư duy sáng tạo và nhãn quan quân sự sâu sắc, phẩm chất, năng lực tốt, nắm được kinh nghiệm và bài học lịch sử để hiểu rõ những vấn đề lý luận quân sự hiện đại.

Lực lượng vũ trang huyện Bến Lức thực hành diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ

Với phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, quá trình huấn luyện cho bộ đội luôn chú trọng truyền thụ ý chí, lòng quyết tâm, tin tưởng vào vũ khí trang bị trong biên chế. Các nội dung huấn luyện được thực hiện từ cơ bản đến chuyên sâu cho các đối tượng bộ đội, dân quân, dự bị động viên.

Đặc biệt, qua diễn tập chiến đấu, diễn tập khu vực phòng thủ xã, huyện, tỉnh rèn luyện cho bộ đội những cách đánh sát với địa bàn sông nước, nâng cao năng lực xử lý của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương khi chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng.

LLVT tỉnh chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng các công trình nhân cốt, công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ; kết hợp lưỡng dụng các công trình phục vụ phát triển KT-XH với quốc phòng - an ninh. Qua đó, tạo lập hệ thống công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc.

Phát huy tốt vai trò của nhân dân trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, lực lượng chính trị nòng cốt tại cơ sở được LLVT tỉnh xây dựng rộng khắp với nhiều đối tượng khác nhau; đồng thời, tạo lập thành lũy vững chắc trên tuyến biên giới với những cụm, điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, đồn, trạm biên phòng.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay là cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược; cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống, nghệ thuật quân sự Việt Nam, đòi hỏi phải có tài thao lược, mưu kế, thế trận, vận dụng phương châm kết hợp truyền thống với hiện đại trong sử dụng nghệ thuật quân sự. Vì vậy, việc phát huy các giá trị nghệ thuật quân sự của cha ông góp phần tạo ra thế và lực trong phát huy sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Đại tá Trần Đình Hưng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chia sẻ bài viết