Việc Thủ tướng Chính phủ khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 và phụ nữ sinh con thứ hai trước tuổi 35 được sự ủng hộ của nhiều người. Tuy nhiên, từ đây cũng xuất hiện một số thông tin chưa đúng về việc sẽ xử phạt đối với những trường hợp kết hôn sau 30 tuổi. Đến nay, chưa có văn bản nào quy định về việc xử phạt khi kết hôn sau 30 tuổi và kết hôn hay không là quyền tự do của mỗi người, Chính phủ chỉ khuyến khích. Ai cũng biết, trước 30 là độ tuổi lý tưởng để kết hôn và sinh con bởi khi đó mỗi người đã có cuộc sống cơ bản ổn định, chín chắn trong suy nghĩ và hành động. Đây cũng là độ tuổi bảo đảm về sức khỏe sinh sản để có thể sinh con và nuôi, dạy con tốt. Tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện “cần”, điều kiện “đủ” phải là tình yêu. Khi hai người thật sự yêu nhau thì mới có thể bước vào cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và bền vững.
Một số cặp đôi vội vã yêu rồi kết hôn khi mọi thứ chưa “chín”, chưa có kinh nghiệm sống, tài chính chưa ổn định, chưa biết cách dung hòa các mối quan hệ,… nên dễ dẫn đến đổ vỡ. Tuy nhiên, cũng có một số bạn trẻ cứ mải mê chạy theo guồng máy công việc, không có thời gian để yêu và cũng không muốn kết hôn. Trước mắt, đây có thể là sự lựa chọn của những người không muốn vướng bận chuyện gia đình nhưng đến khi lớn tuổi, phải đối diện với sự cô đơn và mất đi ý nghĩa cuộc sống. Chính những suy nghĩ có phần ích kỷ khi chọn cuộc sống độc thân còn làm mất đi sự duy trì nòi giống. Thử nghĩ, nếu ai cũng chọn lối sống độc thân thì mấy mươi năm sau hậu quả thế nào khi thiếu lực lượng lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc?
Với cuộc sống công nghiệp, con người dễ bị cuốn vào guồng máy công việc nhưng dù có thế nào thì đích đến cuối cùng của mỗi người vẫn là hạnh phúc. Và hạnh phúc đó sẽ xuất phát từ mái ấm gia đình, nơi có đầy đủ tình yêu thương và trách nhiệm của mỗi thành viên./.
Diễm Quỳnh