Đại biểu tham dự hội nghị
Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An - Lê Thị Mỹ Hiền; đại diện các sở, ban, ngành, Hội, Hiệp hội; đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhận định, năm 2024 được dự báo kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi kinh tế thế giới chưa phục hồi mạnh. Do đó, ngành Ngân hàng cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Đặc biệt, ngân hàng chú trọng tín dụng vào các ngành kinh tế là các động lực tăng trưởng mới của tỉnh như kinh tế xanh, kinh tế số; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống, tiêu dùng hợp pháp, chính đáng, bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế "tín dụng đen”.
Đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần tăng cường tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi cho từng đối tượng; khuyến khích tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với chi phí hợp lý; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đối với doanh nghiệp, ông chia sẻ những khó khăn thực tại, thời gian tới cần tăng cường nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành; tái cơ cấu hoạt động bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả, minh bạch để các tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
Doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đa số doanh nghiệp cho rằng, hầu hết ngân hàng đều minh bạch trong hoạt động, truyền thông rõ ràng, đầy đủ, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng đến doanh nghiệp. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách tín dụng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, tiếp cận dễ dàng, thuận lợi.
Ngoài ra, doanh nghiệp chia sẻ các vấn đề đang gặp phải khi tiếp cận nguồn vốn: Khi thẩm định giá trị tài sản cho vay, ngân hàng thường thẩm định thấp hơn với giá thị trường do đó ảnh hưởng đến mức vay của doanh nghiệp; ngân hàng không nên áp dụng biện pháp bắt buộc khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay tiền, cần thực hiện trên tinh thần khách hàng tự nguyện; nâng cao hạn mức tín dụng để doanh nghiệp dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất;... Với các kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An và một số tổ chức tín dụng có giải đáp cụ thể, rõ ràng đến từng trường hợp.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Long An, đến cuối quí I/2024, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt 136.630 tỉ đồng, tăng 2,65% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 59,32% trên tổng dư nợ cho vay.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ tăng 2,65% so với cuối năm 2023 nhưng tăng cao hơn so với bình quân tín dụng nền kinh tế cả nước. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn hiện nay ở mức 1,54% (cuối năm 2023 là 1,23%), nhưng vẫn bảo đảm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước là đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 3%./.
Mai Hương - Thái Bạch