Hậu quả từ sự thiếu quan tâm
Gia đình có điều kiện kinh tế nên từ nhỏ Tuấn Anh - một học sinh THCS trên địa bàn TP.Tân An, tỉnh Long An được cha mẹ nuông chiều. Em cũng từng là học sinh ngoan, có sức học khá. Mọi việc phát sinh từ năm học lớp 8 khi Tuấn Anh giao du và kết thân với nhóm bạn bên ngoài, thường xuyên tụ tập, quậy phá, nghiện game. Để có tiền đáp ứng nhu cầu của mình, Tuấn Anh nói dối cha mẹ là phải học thêm nhiều môn rồi học phụ đạo, đóng góp các khoản của lớp để lấy tiền tiêu xài. Kết quả học tập của em ngày một đi xuống nhưng gia đình không hề hay biết. Mọi việc vỡ lỡ khi nhà trường mời phụ huynh đến vì em thường xuyên trốn học, không học bài. Tức giận, cha em nặng lời và sử dụng đến đòn roi nhưng kết quả không khả quan hơn khi hành động tụ tập, quậy phá của Tuấn Anh không giảm.
Một vụ án mạng đau lòng xảy ra vào đêm 08/01/2019 tại khu dân cư phường 6, TP.Tân An làm nhiều người phải suy nghĩ. Do mâu thuẫn cá nhân nên Nguyễn Thành Phát (SN 2004) hẹn Trần Văn Tiến (SN 2001) đến khu dân cư và dùng dao đâm Tiến khiến nạn nhân tử vong. Điều đáng nói là Phát vừa bỏ học, thường xuyên tụ tập cùng đám bạn xấu. Có một gia đình không trọn vẹn, Phát phải sống với bà. Thiếu sự quan tâm của gia đình nên Phát trượt dài trong sai lầm, sớm bỏ học, lêu lổng và giờ đây đang phải đối diện với án tù.
Giữa các con và cha mẹ thường có những khoảng cách nhất định, nhất là khi các con bước vào tuổi vị thành niên, khoảng cách ấy càng lớn bởi cha mẹ luôn muốn con làm theo ý mình, trong khi ở lứa tuổi này, các em muốn thể hiện bản thân và làm theo những gì mình thích. Chính sự khó dung hòa này đôi khi làm phát sinh mâu thuẫn giữa cha mẹ và các con. Thùy Trang (học sinh Trường THPT Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa) từng chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm: “Mẹ chưa bao giờ hiểu em và biết em mong muốn điều gì. 17 tuổi, em có những rung động đầu đời nhưng khi biết em để ý bạn trai cùng lớp, mẹ la mắng, cấm đoán, đến gặp giáo viên, kể với các cô, các dì trong gia đình, khiến em không dám gặp ai. Mình thích một bạn khác giới là sai hả cô?”. Sau khi sự việc xảy ra, từ một cô học trò lanh lợi, Thùy Trang trở nên lầm lì, ít nói và sống khép kín hơn.
Làm bạn cùng con
Sự việc của Thùy Trang được giáo viên chủ nhiệm kịp thời chia sẻ, động viên. Qua những buổi gặp gỡ, trao đổi với gia đình, mẹ em cũng dần hiểu ra, không còn cấm đoán mà quan tâm hơn đến cảm xúc của con. Dần dần, mẹ con trở nên gần gũi hơn.
Giờ đây, Thùy Trang có thể chia sẻ với mẹ về những mối quan hệ bạn bè của mình và về chuyện trường, lớp. Qua đó, gia đình vừa có thể theo sát việc học của con, vừa quản lý được những mối quan hệ bên ngoài để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở khi con sai phạm.
Nói về chuyện làm bạn cùng con, chị Ngọc Bích (phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Con trai tôi năm nay 18 tuổi, có quen cô bạn học cùng lớp. Cô bé ấy cũng thường đến nhà tôi chơi cùng mấy người bạn. Mỗi lần như thế, tôi tổ chức cho các con nấu ăn, vui chơi và dành khoảng không gian riêng nhất định. Cuối tuần, tôi cũng tư vấn cho con đưa bạn gái đến những điểm vui chơi, giải trí lành mạnh như uống trà sữa, ăn mì cay, xem phim, đi siêu thị,...
Hầu hết các địa điểm, tôi đều hướng dẫn và để con lựa chọn. Sinh nhật bạn gái của con, tôi cùng cháu đi chọn quà, đặt hoa và bánh kem nữa. Nhiều người thường nói giữa mẹ và con trai có khoảng cách nhất định nhưng tôi thấy, tôi với con rất gần gũi và chia sẻ được nhiều điều. Tôi còn dự định, khi 2 đứa nhỏ học đại học, sẽ tìm 2 phòng trọ gần nhau và rủ cả nhóm bạn học phổ thông cùng ở chung để tụi nhỏ bầu bạn, chia sẻ với nhau”. Không chỉ gần gũi với con, chị Bích còn khá thân thiết với nhóm bạn của con trai và gia nhập vào group chat của nhóm.
Từ đó, chị kịp thời nắm bắt thông tin về con và nhóm bạn của con, được các thành viên trong nhóm phong làm “quân sư” vì chị kịp thời chia sẻ, tư vấn về tình cảm và những khúc mắc của các bạn trẻ. Chị Bích chia sẻ thêm: “Chơi chung với các bạn của con, tôi thấy mình trẻ hẳn ra. Những tình huống và tình cảm của các con bây giờ giống của mình gần 30 năm về trước. Mình đã trải qua rồi, giờ chia sẻ lại cho các con thôi. Không việc gì phải cấm bọn trẻ yêu đương. Thay vì cấm, hãy định hướng để chúng lấy tình yêu đó làm động lực để phấn đấu”.
Chia sẻ về mẹ mình, Thúy Vi - nhân viên tư vấn luật tại một công ty ở quận 3, TP.HCM, tự hào: “Cha mất khi mình mới 2 tuổi nên cả tuổi thơ của mình chỉ có hình bóng của mẹ. Kể ra cũng mắc cỡ lắm, hồi đó mình để ý Hoàng Huy khi mới học lớp 11, mối tình đơn phương ấy kéo dài gần cả năm, mình chỉ dám chia sẻ với mẹ thôi và mẹ luôn động viên mình. Lần đó, gần cuối năm lớp 12, mình rủ Huy đi ăn kem, có cả mẹ mình, tự nhiên mẹ nói “Con thấy Thúy Vi thế nào chứ con gái cô để ý con lâu rồi đó!”. Lúc đó, mình như muốn “độn thổ” luôn, tay chân run rẩy, ấp úng không nói được câu nào. Vậy đó, tụi mình quen nhau là nhờ mẹ mình. Giờ đây, Huy là ông xã của mình và cả gia đình đang chờ đón thành viên mới. Vợ chồng mình sinh sống ở TP.HCM, mẹ vẫn ở Long An, cuối tuần tụi mình về với mẹ. Bao nhiêu năm nay, mẹ vẫn luôn là người bạn lớn của mình và của cả ông xã nữa. Và mình vẫn kể về mẹ với bạn bè và hay kể câu chuyện mẹ tỏ tình giùm con gái”.
Câu chuyện làm bạn cùng con sẽ còn kéo dài mãi bởi mọi đứa trẻ đều cần những người bạn lớn như cha mẹ để chia sẻ những cảm xúc cũng như kinh nghiệm sống. Và muốn trở thành người bạn thân của con, xin cha mẹ đừng áp đặt và buộc các con làm theo ý mình mà hãy để con phát triển theo ý của con dưới sự giám sát của cha mẹ. Và người lớn ơi, có bao giờ bạn nghĩ sẽ trở thành một người mẹ như chị chị Bích hay mẹ của Thúy Vi chưa?
Phương Trinh