Tiếng Việt | English

17/11/2016 - 10:02

Khi đàn ông “mua - bán”

Ngày xưa, việc “mua - bán” con cá, bó rau,... luôn được xem là công việc của phụ nữ. Ấy vậy mà, giờ đây “mua - bán” không chỉ dành riêng cho phụ nữ, các “đấng mày râu” sẵn sàng bê từng rổ rau, mớ cá,... ngồi ngoài chợ bán từ sáng sớm đến chiều tối nhằm chia sẻ sự vất vả của những “thân cò”. Từ đó, họ trở thành người chồng, người cha tuyệt vời.


Ông Đặng Tài Nguyên lấy hàng cho khách

Đàn ông đi sớm về khuya

Ngày nào cũng vậy, khoảng 4 giờ sáng là anh Huỳnh Ngọc Đà, ở phường 4, TP.Tân An có mặt tại chợ Tân An (phường 2, TP.Tân An) để nhận hàng và cho cá ra từng mâm để bày bán. Anh Đà làm nghề buôn bán cá ở chợ hơn 15 năm nay. Hiện tại, vợ anh buôn bán chung để có tiền lo cho 2 người con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Mơ ước của đôi vợ chồng này là buôn bán đắt hàng để các con có điều kiện đến trường và sau này có nghề nghiệp ổn định, không phải đi buôn gánh bán bưng như anh chị hiện nay.

Anh Đà tâm sự: “Đàn ông buôn bán cũng lắm khó khăn, bởi một vài chị em phụ nữ thường trả giá tới lui. Tuy nhiên, mình buôn bán thiệt tình, nói năng nhỏ nhẹ, cân đúng, cân đủ, không nói thách nên lâu ngày tạo được sự tin tưởng cho khách hàng. Những lúc bán đắt thì không nói gì, có những khi bán ế, đến tối mịt, tôi mới về nhà”.

Đối với những người đàn ông buôn gánh bán bưng, thì việc ăn uống cũng rất đơn giản, không cầu kỳ, chỉ qua loa rồi bán tiếp. Thậm chí, lúc đang ăn mà có khách đến mua hàng, phải bỏ ngang việc ăn uống để phục vụ khách. Một anh tiểu thương buôn bán bắp ở chợ Tân An cho biết: “Buôn bán phải chấp nhận vất vả, ăn cơm lề đường là chuyện thường. Ban đầu khi mới ra buôn bán, tôi cũng cảm thấy rất ngại nhưng mình nghĩ lại, có ăn trộm, ăn cắp của ai đâu mà sợ, miễn mình làm bằng chính sức lao động để có tiền nuôi vợ, nuôi con là được. Trước đây, tôi từng làm nhiều nghề như sửa điện tử, chạy xe ôm,... nhưng thu nhập không nhiều, từ đó, tôi theo vợ chuyển sang nghề buôn bán được 3 năm. Ban ngày, tôi bán ở chợ; ban đêm, bán đồ chơi cho trẻ em ở công viên”.


Anh Huỳnh Ngọc Đà buôn bán ở chợ Tân An nhanh tay làm cá cho khách hàng

Tất cả vì vợ, vì con

“Quýt đây, quýt đây, 30 ngàn một ký, mại vô, mại vô!” - Tiếng rao khàn đục lặp đi, lặp lại liên tục của người đàn ông vang lên giữa buổi chợ trưa trong cái nắng chói chang. Đó là lời rao của anh Trương Ngọc Phúc, quê ở tỉnh Sóc Trăng. Tiếng rao cũng thu hút người mua; thế nhưng, có người vui vẻ mua ngay, có người lựa tới, lựa lui rồi kỳ kèo trả giá. Hơn 10 năm, anh Phúc gắn bó với công việc này. Sau khi lập gia đình, vì hoàn cảnh quá khó khăn, anh lên TP.HCM buôn bán được khoảng 7 năm. Sau đó, việc buôn bán ế ẩm, chi phí nơi thành phố quá cao nên anh "trôi dạt" về buôn bán tại chợ Tân An. Hàng ngày, từ 2 giờ sáng, anh phải lên chợ đầu mối để lấy hàng.

Chị Trần Thị Thu Thủy (vợ anh Phúc) chia sẻ: “Anh ấy giỏi lắm! Những công việc nặng nhọc, anh đều giành làm hết, vì sợ vợ vất vả. Thường ngày, tôi buôn bán ở chợ Tân An, còn anh thì đem hàng xuống đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3 để bán. Hôm nào bán đắt, anh mừng lắm! Tiền bán được, anh đưa hết cho tôi cất chứ không giữ lại đồng nào”.

Ông Đặng Tài Nguyên (53 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) cũng buôn bán ở chợ Tân An. Dù bị tật ở chân nhưng hàng ngày, ông vẫn miệt mài ngồi bào từng cọng rau muống, cái bắp chuối, xay thịt heo mướn để có tiền nuôi con. Theo các tiểu thương buôn bán ở chợ, ông Nguyên nhiều năm liền làm thân “gà trống nuôi con”. Vợ ông bỏ đi vì không chịu được cảnh nghèo khổ, để lại cho ông đứa con trai lúc ấy chưa tròn 1 tuổi. 2 cha con nương tựa nhau sống qua ngày. Hiện tại, ông đang thuê một phòng trọ nhỏ ở phường 7, TP.Tân An. Ông Nguyên tâm sự: “Có một lần xay thịt heo cho khách, tôi bị máy xay cuốn luôn hai ngón tay. Còn việc bào rau muống mà bào vào tay là chuyện thường xuyên xảy ra. Dù khó khăn, vất vả nhưng tôi hết sức cố gắng. Tôi mong sao mình luôn khỏe mạnh để buôn bán, nuôi con”.

Sống bằng nghề mua bán nơi phố phường tuy chưa phải ổn định nhưng trước hết, nó giúp người đàn ông có thể bảo đảm cuộc sống no ấm cho gia đình mình, giúp họ thực hiện được những ước mơ, dù đó chỉ là những ước mơ bình thường trong cuộc sống./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết