Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ, Long An thực hiện Chiến lược Quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2015 trên các lĩnh vực chính trị, lao động - việc làm, y tế, giáo dục, văn hóa - thông tin và trong đời sống gia đình. Qua đó, việc bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái ngày càng giảm trên các lĩnh vực, có chăng chỉ còn xảy ra trong đời sống gia đình. Để tiếp tục xóa bỏ bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái, trước hết, gia đình phải là nơi am hiểu và thực hiện tốt BĐG.
Gia đình bình đẳng, bạo lực không xảy ra!
Trời chưa sáng, ông Lê Văn Bé Sáu, 59 tuổi, ngụ ấp 6, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An thức dậy dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua thực phẩm và phụ vợ bán thức ăn sáng. Khi việc nhà hoàn tất, ông đến UBND xã Tân Phước Tây làm nhiệm vụ của một cán bộ đài truyền thanh. Vì tính siêng năng, thương vợ, thương con nên mỗi khi nhắc đến chồng, bà Cao Thị Lạo - vợ ông Bé Sáu không ngớt lời khen: “Ông xã tôi là Nam giới điểm 10 cấp tỉnh. Ở nhà, vợ con lúc nào cũng được ông quan tâm chăm sóc chu đáo. Việc trong nhà dù nhẹ nhàng hay nặng nhọc, ông đều gánh vác và sẻ chia”.
Trong gia đình, các con của ông rất “thần tượng” cha. Từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, 2 con luôn được ông dạy dỗ, chăm lo chu đáo. Trong cách dạy con, ông chưa bao giờ dùng roi đòn mà chỉ nói nhẹ nhàng để con hiểu, ghi nhớ những điều cha dạy. Khoảng thời gian các con cắp sách đến trường là lúc kinh tế gia đình rất khó khăn nhưng ông Bé Sáu vẫn cố gắng làm lụng để nuôi con học hành đến nơi, đến chốn.
Riêng với con gái, trong khi nhiều người vẫn nghĩ, con gái không cần học nhiều nhưng ông Bé Sáu lại khác. Ông bộc bạch: “Con gái cũng phải được học hành như con trai. Bởi, trai hay gái cũng cần có con chữ, có cái nghề để lo cuộc sống tương lai. Hơn nữa, con gái có học, có kiến thức, nghề nghiệp thì khi lấy chồng sẽ được tôn trọng hơn”.
Khi thực hiện tốt bình đẳng giới, gia đình sẽ ấm no, tiến bộ và hạnh phúc (Trong ảnh: Gia đình ông Lê Văn Bé Sáu - nam giới điểm 10 cấp tỉnh hạnh phúc bên nhau)
Cũng như ông Bé Sáu, ông Phan Văn Bỉ, 58 tuổi, ở ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho những người phụ nữ trong gia đình tham gia công tác xã hội và học tập. Từ lúc khó khăn đến khi cuộc sống ổn định, chuyện nhỏ hay lớn trong nhà, hai vợ chồng đều bàn bạc, thống nhất.
“Chồng tôi không bao giờ gia trưởng. Nhiều người cứ nói phụ nữ không nên tham gia vào những việc lớn, trọng đại trong nhà. Nhưng đối với gia đình tôi, chồng không tự ý quyết định, luôn chia sẻ và hỏi ý kiến vợ dù làm bất cứ việc gì. Những lúc ấy, tôi cảm nhận được vai trò của phụ nữ trong gia đình. Hơn nữa, vì sống tôn trọng và biết chia sẻ cùng nhau nên vợ chồng tôi ít xảy ra cãi vã” - bà Lê Thị Bạch Tuyết, vợ ông Bỉ chia sẻ.
Với phương châm sống “Đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn” nên mọi khó khăn trong cuộc sống, vợ chồng ông đều vượt qua. Nếu lúc bắt đầu khởi nghiệp, vợ chồng không tấc đất sản xuất thì bây giờ, ông Bỉ có trong tay 2ha đất ruộng, trồng 2 vụ lúa/năm. Không những kinh tế gia đình ổn định hơn trước, vợ chồng ông còn phấn khởi khi con trai, con gái đều được học hành tử tế.
Hiện tại, con trai của ông có gia đình riêng, sống ở tỉnh Bình Dương, con gái tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM. Những năm gần đây, thấy vợ mải lo chuyện ruộng đồng, nhà cửa nên ông động viên bà tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ để gặp gỡ, trò chuyện, tiếp thu và học hỏi nhiều kiến thức từ chị em. “Khi chồng động viên tôi sinh hoạt Hội Chữ thập đỏ và Hội Phụ nữ, tôi thấy cần thiết nên tham gia. Hàng tháng, chị em đều họp tại nhà tôi. Những lúc ấy, chồng tôi chẳng ngại ngần lo việc nhà để tôi cùng các chị em họp với nhau”.
Pháp luật về Bình đẳng giới, Phòng chống Bạo lực gia đình chủ yếu được tuyên truyền lồng ghép vào sinh hoạt chi, tổ, hội của tổ chức đoàn thể
Chính vì thực hiện tốt BĐG trong gia đình nên bạo lực không xảy ra. Và, BĐG trong gia đình góp phần cho việc BĐG ngoài cộng đồng, xã hội ngày càng lan tỏa. Qua đó, vai trò, vị thế phụ nữ ngày càng được nâng cao.
Từng bước xóa bỏ bạo hành phụ nữ, trẻ em
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Long An có 192/192 xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay, tỉnh có hơn 680 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với gần 4.500 thành viên, hơn 710 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, có hơn 10.600 thành viên và trên 900 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm giúp đỡ, hỗ trợ những nạn nhân bị bạo hành trong xã hội.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Phòng, chống bạo lực gia đình các cấp hoạt động hiệu quả, góp phần làm giảm số vụ bạo lực gia đình trong năm 2014 là 119 vụ xuống còn 100 vụ trong năm 2015 và 26 vụ được phát hiện trong 6 tháng năm 2016.
Đặc biệt, mô hình “Nam giới điểm 10” - nền tảng vững chắc thực hiện BĐG trong gia đình và ngoài xã hội luôn được duy trì và nhân rộng ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Mô hình tác động đến nhận thức và hành động của mọi người trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, được tham gia giải trí, chia sẻ công việc gia đình, cải thiện điều kiện sống và làm việc của phụ nữ. Những nam giới điểm 10 là những người luôn tạo điều kiện phát triển cho phụ nữ tại đơn vị. Ở gia đình, nam giới điểm 10 tạo điều kiện cho vợ tham gia công tác xã hội, nuôi dạy, quan tâm con cái thật tốt mà không phân biệt con trai hay con gái”.
Việc thực hiện Luật Bình đẳng giới và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của tỉnh đi vào đời sống, làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng xã hội, giảm dần nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em. Từ đó, quyền bình đẳng của phụ nữ, trẻ em ngày càng được quan tâm hơn trên các lĩnh vực để phát triển toàn diện. |
Ngoài thực hiện BĐG trong đời sống gia đình, để từng bước xóa bỏ bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em, toàn xã hội cũng nâng cao nhận thức về vấn đề này qua việc tuyên truyền, thực hiện nhiều phong trào, mô hình về BĐG của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể.
Ở huyện Tân Trụ, BĐG chủ yếu được tuyên truyền qua hệ thống đài, trạm truyền thanh và lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt chi, tổ hội của các tổ chức đoàn thể. Qua đó, ý thức của cộng đồng xã hội về BĐG ngày càng được nâng lên. Từ đó, nữ tham gia công việc xã hội ngày càng nhiều. Hiện tại, số nữ cán bộ, công chức, viên chức chiếm 58,69% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong toàn huyện.
Đối với thị xã Kiến Tường, ngoài những hình thức tuyên truyền, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ phối hợp Hội đồng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thị xã tổ chức các đợt tập huấn giới thiệu pháp luật về BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình cho cơ sở. Ngoài ra, theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã - Nguyễn Văn Dũng, phụ nữ làm việc trong các cơ quan được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt và bổ nhiệm các vị trí. Phụ nữ vùng nông thôn được tạo điều kiện vay vốn, đào tạo nghề để phát triển kinh tế. Phụ nữ cũng như nam giới, được bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hóa thông tin,...
Dù việc lớn hay nhỏ, vợ chồng biết chia sẻ cùng nhau là thể hiện của bình đẳng giới
Có thể nói, việc thực hiện Luật BĐG và mục tiêu quốc gia về BĐG của tỉnh đi vào đời sống, làm chuyển biến nhận thức của cộng đồng xã hội, giảm dần nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em. Từ đó, quyền bình đẳng của phụ nữ, trẻ em ngày càng được quan tâm hơn trên các lĩnh vực để phát triển toàn diện.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ, dù việc thực hiện BĐG đạt kết quả nhưng bạo lực gia đình còn xảy ra. Vì vậy, Chiến lược Quốc gia về BĐG tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Tháng hành động Vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016 với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra từ 15/11 đến 15/12/2016. Mục tiêu của Tháng hành động để các cấp, các ngành và xã hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là trẻ em gái vùng sâu, vùng xa./.
Thùy Hương