Thời gian gần đây, nhiều dòng sông hiền hòa trên cả nước, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trở nên “hung hãn” khi “nuốt” nhiều nhà cửa, ruộng vườn của người dân ở dọc 2 bên bờ xuống lòng sông chỉ sau một thời gian ngắn hoặc trong chỉ một đêm. Hậu quả đó đều do nạn khai thác cát trái phép mà ra.
Ảnh minh họa. Nguồn Tuổi trẻ
Hiện nay, nạn khai thác cát trái phép hoành hành ở nhiều địa phương miền Tây Nam bộ, gây bức xúc trong nhân dân. Dù chính quyền các địa phương có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn không giảm do khai thác cát, nhất là khai thác cát lậu đem lại lợi nhuận quá cao.
Chính vì lợi nhuận trước mắt mà những “cát tặc” không từ mánh khóe, thủ đoạn nào để khai thác cạn kiệt cát ở giữa sông, 2 bên bờ sông, dẫn đến tình trạng sạt lở nặng nề. Mặc dù người dân cố gắng gìn giữ, có nhiều biện pháp chống lại những kẻ khai thác cát quá gần bờ, nhưng vẫn không cứu được những diện tích đất bị sạt lở do nạn khai thác cát.
Tình trạng này được người dân phản ánh đến các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm đời sống của mình được an toàn nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào để giảm bớt hoặc ngăn chặn tình trạng khai thác cát một cách cạn kiệt.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên các con sông đang diễn ra rầm rộ. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền Tây Nam bộ mà rộng khắp trên các con sông chạy dọc theo chiều dài của đất nước.
Để hạn chế tình trạng trên, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ tài nguyên cát, bảo vệ thiên nhiên. Bởi khai thác cát theo kiểu phá hoại trên các con sông như hiện nay là một thách thức cho sự bền vững môi trường, gây ảnh hưởng, đe dọa đến an toàn và an sinh xã hội của toàn vùng đồng bằng ven sông. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý những hoạt động gây ảnh hưởng môi trường và cuộc sống người dân, trong đó có tình trạng khai thác cát cạn kiệt như hiện nay./.
Trọng Dũng