Smartphone Android mới luôn ra mắt, nhưng hầu như không ai cần phải mua mọi mẫu mới ngay cả khi nó đến từ một thương hiệu yêu thích. Vậy làm thế nào để xác định thời điểm nâng cấp phù hợp?
Tuổi thọ smartphone Android
Nhìn chung smartphone Android có tuổi thọ từ 3 - 5 năm, nhưng nhiều yếu tố có thể rút ngắn hoặc kéo dài tuổi thọ của chúng, mà quan trọng nhất là cách người dùng đối xử với nó. Một chiếc smartphone được chăm sóc tốt sẽ bền hơn một sản phẩm hay bị làm rơi, ngâm trong nước...
Việc nâng cấp smartphone Android hay không phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Ảnh REUTERS
Yếu tố quan trọng khác quyết định tuổi thọ của smartphone là liệu nó có phải là sản phẩm hàng đầu khi mua hay không. Một smartphone cao cấp sẽ sử dụng được lâu hơn điện thoại cơ bản vì có nhiều bộ nhớ hơn, chip nhanh hơn, camera tốt và các tính năng tiên tiến khác giúp nó dùng lâu hơn so với một mẫu cơ bản.
Yếu tố cuối cùng là thời lượng pin mà người dùng mong đợi. Nếu cần hiệu suất nhanh nhất và các tính năng mới nhất, người dùng sẽ nâng cấp smartphone thường xuyên hơn nhiều so với khi cần một camera cơ bản, nhắn tin, duyệt web hay chơi game.
Để smartphone Android dùng được lâu nhất có thể, người dùng nên bảo vệ nó bằng ốp lưng, vệ sinh thường xuyên, giải phóng bộ nhớ trong, cập nhật hệ điều hành mới nhất và chỉ sửa chữa từ các nhà cung cấp được ủy quyền.
Nên mua smartphone Android mới bao lâu một lần?
Đã qua rồi cái thời mà hầu hết mọi người đều có thể mua một chiếc smartphone Android mới mỗi năm. Những ngày đó, các mẫu smartphone mới đều mang đến những tiến bộ đáng kể đến mức việc nâng cấp thường xuyên là điều hợp lý. Giờ thì không còn nữa bởi các smartphone mới hiện chỉ mang đến những cải tiến nhỏ.
2 - 4 năm là thời điểm nâng cấp hợp lý cho người dùng thông thường. Ảnh AFP
Trung hình, người dùng có thể sẽ muốn mua điện thoại mới sau mỗi 2 - 4 năm, tùy thuộc cách mình sử dụng và tình trạng máy hiện tại ra sao. Nếu có nhu cầu cao với smartphone như tốc độ cao và hiệu suất đồ họa mạnh để chơi game, xử lý mạnh mẽ để quay video, chụp ảnh chất lượng cao… người dùng có thể theo các công nghệ mới nhất và có thể muốn nâng cấp sau mỗi 2 năm. Còn người dùng trung bình có thể đợi lâu hơn, miễn là điện thoại vẫn đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Đã cần nâng cấp smartphone Android hay chưa?
Dù là người dùng loại nào, trước khi nâng cấp smartphone Android, cần trả lời một số câu hỏi dưới đây. Nếu chúng là “có” trong nhiều trường hợp, việc nâng cấp là rất đáng giá.
Điện thoại quá chậm? Tốc độ và khả năng phản hồi của hầu hết smartphone Android đều giảm theo thời gian, tuy có nhiều cách để tăng tốc nhưng thường đó là lý do chính đáng để nâng cấp.
Pin kém? Nếu pin không đáp ứng được nhu cầu và chi phí thay pin đắt đỏ, việc nâng cấp toàn bộ smartphone có thể hợp lý hơn.
Giải quyết các câu hỏi liên quan sẽ giúp đưa ra quyết định nâng cấp phù hợp hơn. Ảnh REUTERS
Không đủ dung lượng lưu trữ? Nhiều smartphone Android không còn có khe cắm thẻ nhớ, khi đó nâng cấp lên sản phẩm mới có bộ nhớ trong lớn hơn là cần thiết.
Camera có đáp ứng được nhu cầu hay không? Các mẫu smartphone Android mới ngày nay có camera cải thiện rất nhiều, vì vậy nếu mẫu hiện tại không đáp ứng được nhu cầu, việc nâng cấp có thể giải quyết vấn đề.
Smartphone có bị nứt hoặc hỏng? Nếu thân máy hoặc màn hình điện thoại bị nứt hoặc hỏng, hoặc nếu các cổng, nút hoặc loa không hoạt động bình thường, tốt hơn hết là nên đầu tư vào một smartphone mới thay vì sửa chữa.
Có còn nhận bản cập nhật Android hay không? Chạy phiên bản Android mới nhất là điều cần thiết để đảm bảo an ninh và quyền riêng tư. Nếu điện thoại không còn có thể nhận được các bản nâng cấp phiên bản hệ điều hành Android chính, người dùng có thể cân nhắc mua một smartphone Android mới./.
Theo Thanh Niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/khi-nao-thi-nen-thay-doi-smartphone-android-185240803142140925.htm