Tiếng Việt | English

02/11/2017 - 13:51

Khi phụ nữ là trụ cột gia đình

Chẳng quản khó khăn, khổ cực, nhiều phụ nữ trở thành trụ cột, gánh vác gia đình. Vừa “xây nhà” vừa “xây tổ ấm”, những phụ nữ ấy trở nên mạnh mẽ hơn chỉ vì hoàn cảnh!

“Bỗng dưng” trở thành trụ cột

Mồ côi từ nhỏ, sống nhờ tình thương cậu, mợ nên năm 38 tuổi, khi gặp và yêu người đàn ông cùng xóm, bà Nguyễn Thị Cúc, ngụ ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An như tìm được niềm hy vọng trong cuộc sống. Nhiều năm gắn bó, cứ ngỡ có chỗ dựa vững chắc để cùng nhau vun đắp hạnh phúc nhưng khi con trai vừa cất tiếng khóc chào đời, chồng bà cũng bỏ đi. Gia đình mất đi trụ cột, bà Cúc phải gượng dậy, tiếp tục nuôi con.

Ngày ngày, bà làm thuê lo cho cuộc sống, một thân một mình bà dạy dỗ con. Nghèo khó, thân cò lặn lội nhưng bà Cúc không than vãn. “Mấy mươi năm một mình nuôi con, bây giờ, con khôn lớn, có việc làm ổn định, nhiêu đó thôi là tôi mãn nguyện rồi”- bà Cúc kể. Vừa “xây nhà” vừa “xây tổ ấm”, giờ đây bà đã làm tròn trách nhiệm người mẹ lẫn người cha.

Chồng mất, bà Bùi Mộng Tuyền trở thành trụ cột chăm lo kinh tế gia đình và nuôi dạy con nên người

2 năm trôi qua nhưng bà Bùi Mộng Tuyền, 49 tuổi, ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa vẫn đau đáu nỗi nhớ chồng. “Hồi đó, nhà không khá giả, 2 con đang tuổi ăn, tuổi học nên vợ cùng bươn chảy kiếm tiền nuôi con. Sáng sáng, cùng ra ruộng, trưa về cùng nấu cơm, chiều lại cắt cỏ cho bò... Tuy vất vả mà vui! Từ khi ông ấy mất, mọi việc như đảo lộn”, bà Tuyền ngậm ngùi. Chồng qua đời vì tai nạn. Đó là cú sốc lớn trong đời người phụ nữ. Bà chia sẻ: “Chồng mất khi các con chưa yên bề gia thất, con gái út còn đang học đại học năm thứ 2. Có lúc, tôi thấy bế tắt nhưng vì thương con nên gắng gượng gánh vác gia đình, làm chỗ dựa cho các con”.

“Bỗng dưng” trở thành trụ cột gia đình chỉ vì hoàn cảnh, bà Tuyền, bà Cúc một mình lo toan, gánh vác mọi việc trong gia đình, vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi dạy các con nên người!

Gánh vác mọi việc

Vừa đi sạ lúa trở về, trên tay còn cầm cây chổi định quét dọn nhà nhưng thấy có khách, bà Tuyền mời chúng tôi ngồi và nói: “Hồi trước, tôi quét nhà thì chồng nấu cơm. Nhờ có chồng chia sẻ, giúp đỡ nên tôi còn thời gian nghỉ ngơi. Nhưng bây giờ, chỉ còn một mình nên buổi sáng, tôi ra ruộng, gần trưa trở về dọn dẹp nhà, nấu cơm rồi lại đi cắt cỏ cho bò. Không còn chồng thì bản thân phải tự lo liệu, gánh vác như vậy. Hoàn cảnh nên đành chấp nhận mà thôi!”- bà Tuyền nói.

Không những thế, những việc nặng nhọc: Mang máy cắt cỏ cho bò, vác bình xịt thuốc ruộng đậu phộng, ruộng lúa, bà cũng làm. Bà Tuyền nói: “Nhà có hơn 0,5ha ruộng, lúc trước, vợ chồng tôi vừa trồng lúa vừa trồng rau màu mới đủ tiền nuôi 2 con. Từ ngày chồng mất, tôi chuyển qua trồng đậu phộng và lúa để đỡ tốn công chăm sóc. Nếu trồng rau màu thì thu nhập cao hơn nhưng một mình tôi làm không xuể”. Khi trở thành trụ cột, có nghĩa là phụ nữ phải đối mặt nhiều khó khăn, vất vả như thế!

Cũng ngụ xã Tân Mỹ, khó ai ngờ, một phụ nữ nhỏ nhắn như bà Trần Thị Mười, 64 tuổi, có thể một tay lo liệu mọi việc trong ngoài của gia đình từ nội trợ, chăm sóc chồng con đến việc đồng áng... Hơn 10 năm trước, dù gia cảnh khó khăn nhưng gia đình luôn vui vẻ. Từ ngày chồng ngã bệnh, đi lại khó khăn, không thể đỡ đần việc ruộng vườn cho vợ, bà Mười thay chồng gánh vác mọi việc trong nhà. Khó khăn chồng chất khó khăn vì lúc bấy giờ, 2 cô con gái còn đi học. Một mình bà vừa chăm sóc, lo thuốc thang cho chồng vừa làm thuê kiếm tiền đóng học phí cho con. “Gia đình có 2.500m2 đất trồng lúa. Để không tốn chi phí thuê nhân công, tôi tự gieo sạ, làm cỏ, phun thuốc, vác lúa... Có những lúc, gia đình túng quẫn, mấy con gà trong nhà cũng đem đi bán. Tôi còn vay ngân hàng mới đủ trang trải, chi tiêu. Những năm tháng đó, vì chồng, vì con nên tôi luôn tự nhủ phải cố gắng”, bà Mười cho biết.

Từ ngày chồng bệnh, bà Trần Thị Mười vừa chăm sóc chồng vừa gánh vác mọi việc trong nhà

Giờ đây, 2 cô gái có việc làm ổn định và thường giúp đỡ bà những chi phí trong nhà. Thấy con nên người, bà vui lắm! Và, nhờ các con, gia đình cũng không khó khăn như trước. Bà Mười không phải làm thuê mà ở nhà chăm sóc chồng, cháu ngoại và trồng rau…

Còn bà Dương Thị Thúy Kiều, ngụ ấp 2, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức cũng là trụ cột, gánh vác, lo toan mọi việc để nuôi con. Chồng bỏ đi từ lâu, 2 con lại đang tuổi ăn học nên bà phải lặn lội bán vé số. Một ngày, bà kiếm được gần 200.000 đồng. Để nuôi con ăn học bà phải vay, mượn thêm và tiết kiệm trong chi tiêu. Với bao nỗi lo đè nặng trên vai, bà Kiều cố gắng vượt qua để là chỗ dựa cho các con.

Mỗi người, mỗi cảnh nhưng họ đều là những phụ nữ mạnh mẽ, một đời chịu vất vả vì chồng, con. Tinh thần, nghị lực ấy mãi là “trụ cột” vững chắc của nhiều gia đình trong cuộc sống./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích